Tăng cường thực hiện Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá

Thứ Sáu, 04/10/2024, 19:37

Việt Nam là quốc gia thứ 47 trong tổng số 182 quốc gia tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá. Mục tiêu của Công ước nhằm bảo vệ các thế hệ hiện nay và tương lai khỏi các hậu quả tàn phá về sức khoẻ, xã hội, môi trường và kinh tế của việc tiêu thụ thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc.

Ngày 11/11/2004, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Công ước đã có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 17/3/2005.

Tăng cường thực hiện Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá -0
Bà Đinh Thị Thu Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ tại Hội thảo tăng cường năng lực triển khai thực hiện Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá tại Việt Nam.

Ths Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, vừa qua, có một số bác sĩ tham gia một số hội thảo do ngành công nghiệp thuốc lá đứng sau tài trợ, bác sĩ vô tư không biết việc làm của mình đã vi phạm Điều 5.3 Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá. Quan điểm của Bộ Y tế là đặt lợi ích chung, lợi ích của tập thể lên hàng đầu, không có lợi ích nhóm.

Tại khoản 5.3 của FCTC có quy định khi hoạch định và tham gia các chính sách liên quan đến y tế công cộng, các bên đặc biệt là các cơ quan làm chính sách phải lưu ý để không bị các lợi ích về thương mại và các lợi ích khác tác động, đồng thời cũng phải phù hợp với luật pháp quốc gia.

"Chính vì các quy định đó, Bộ Y tế luôn thận trọng lưu ý khi làm các chính sách pháp luật mà có sự mâu thuẫn lợi ích giữa y tế công cộng và liên quan đến lợi ích doanh nghiệp. Đặc biệt liên quan đến chính sách kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam đã tham gia", bà Thủy chia sẻ.

Theo ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam, ngành công nghiệp thuốc lá có rất nhiều "chiêu trò" để cản trở việc đề xuất cấm thuốc lá mới như: Sử dụng các hoạt động tài trợ và danh nghĩa khoa học để đánh bóng hình ảnh và gây ảnh hưởng; đôi khi là những cái tên rất trá hình như "Thế giới không khói thuốc" tài trợ các nghiên cứu về phòng chống tác hại thuốc lá tuy nhiên lại do chính công ty thuốc lá tài trợ…

 Điều 5.3 trong Công ước Khung là khi ban hành và thực thi các chính sách y tế công cộng về kiểm soát thuốc lá, các bên Công ước sẽ hành động để bảo vệ các chính sách này khỏi sự can thiệp bởi các lợi ích thương mại và các lợi ích riêng khác của ngành công nghiệp thuốc lá, phù hợp với luật pháp quốc gia.

Theo các chuyên gia, mục tiêu của điều 5.3 FCTC là bảo vệ chính sách y tế công cộng về kiểm soát thuốc lá khỏi những ảnh hưởng tiêu cực do tác động từ lợi ích thương mại và lợi ích riêng của ngành công nghiệp thuốc lá.

Chính sách y tế công cộng về kiểm soát thuốc lá bao gồm chính sách, chương trình và chiến lược liên quan đến các điều được quy định trong FCTC của WHO ở nhiều lĩnh vực như: Nông nghiệp, văn hoá, giáo dục, môi trường, tài chính, thực phẩm và thuốc…

TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định, thuốc lá nung nóng không có tác dụng giảm hại hay cai nghiện như ngành công nghiệp thuốc lá tuyên bố.

Các tập đoàn thuốc lá thường truyền thông họ là các công ty có trách nhiệm với cộng đồng, nhưng thay vì khuyên mọi người bỏ thuốc thì họ thường xuyên đưa ra thông điệp để khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn hoặc dùng loại thuốc lá thông thường hay dùng thuốc lá điện tử/thuốc lá nung nóng. Hoặc họ đưa ra hướng tiếp cận giảm tác hại của thuốc lá điếu thông thường bằng việc sử dụng thuốc lá nung nóng. “Tuy nhiên, tất cả các loại thuốc lá điều gây hại đối với sức khỏe", TS Khoa nói.

Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam tăng cường giám sát ngành công nghiệp thuốc lá trong việc tài trợ, hỗ trợ cho các cơ quan tổ chức, đặc biệt là các cơ quan có liên quan đến xây dựng chính sách về thuốc lá. Bởi đây là việc làm vi phạm điều 5.3 của Công ước khung.

T.H
.
.
.