Tăng cường ngoại giao kinh tế, phục vụ tốt sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tăng cường ngoại giao kinh tế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chiều tối 9/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về Ngoại giao kinh tế năm 2023. Hội nghị được tổ chức ngay sau khi Chính phủ ban hành Chương trình Hành động giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.
Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng các Bộ Ngoại giao, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, Chủ tịch, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 94 Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp chủ chốt.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong thời gian qua, với tinh thần làm việc khẩn trương, chủ động, quyết liệt, ngành Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương đã triển khai kịp thời các nhiệm vụ đối ngoại nói chung, công tác ngoại giao kinh tế nói riêng, đóng góp cho đất nước phục hồi và phát triển, đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, giai đoạn phát triển mới mang lại những thời cơ, vận hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức mới, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước cũng ngày càng cao hơn.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tinh thần chung là không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác mà phải thẳng thắn nhìn nhận, bám sát thực tiễn; trên cơ sở các bài học kinh nghiệm, cần chuẩn bị nhận thức mới, tâm thế mới, khí thế mới để triển khai nhiệm vụ ngoại giao kinh tế trong giai đoạn mới theo hướng ngày càng thiết thực, hiệu quả, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và nhu cầu phát triển của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tăng cường ngoại giao kinh tế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư là văn bản quan trọng của Đảng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế một cách toàn diện, thực chất. Chương trình Hành động của Chính phủ xác định phương châm “Tư duy sáng tạo, hành động quyết liệt, ứng phó linh hoạt, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước” và đề ra 07 nhóm nhiệm vụ trọng tâm về ngoại giao kinh tế từ nay đến năm 2026.
Thủ tướng chỉ đạo Hội nghị tập trung đánh giá sâu tình hình, tận dụng thời cơ để mở rộng xuất khẩu, đầu tư, du lịch, khoa học - công nghệ, khai thác các động lực tăng trưởng mới. Từ đó, đề xuất các biện pháp triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ, với tinh thần biến nguy thành cơ; tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để đề xuất phù hợp về nguồn lực, phương thức triển khai ngoại giao kinh tế theo hướng thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm; xác định những vấn đề cần tháo gỡ ngay, triển khai sớm; những định hướng, nhiệm vụ trong trung và dài hạn. Thủ tướng nhấn mạnh: “Đã nói là phải làm. Đã cam kết là phải thực hiện. Đã thực hiện là phải có hiệu quả, ngoại giao kinh tế phải phục vụ đắc lực cho phục hồi và phát triển bền vững đất nước”.
Trình bày báo cáo trọng tâm công tác ngoại giao kinh tế năm 2023, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2022 đã bám sát các trọng tâm điều hành của Chính phủ, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời chuyển trọng tâm từ ngoại giao phục vụ phòng, chống dịch bệnh sang phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phát huy các kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu sáu trọng tâm cho công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2023, gồm tiếp tục đẩy mạnh triển khai, cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ; xác định hợp tác kinh tế là trọng tâm trong các hoạt động của Lãnh đạo Cấp cao; đẩy mạnh hỗ trợ xuất khẩu, đầu tư, du lịch, lao động, khoa học - công nghệ... với tinh thần lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập và liên kết quốc tế; chú trọng tăng cường công tác nghiên cứu, tham mưu và đổi mới mạnh mẽ, đẩy mạnh sáng tạo, nâng cao hiệu quả để tạo chuyển biến thực chất trong triển khai ngoại giao kinh tế.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng với lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp đã thảo luận sâu rộng, đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp để triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế trong năm 2023.