Tăng cường kết nối chia sẻ, cập nhật dữ liệu dân cư, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Chiều 17/3, Ban Chỉ đạo 06 TP Hà Nội đã tổ chức phiên họp thứ nhất dưới sự chủ trì của Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an - Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ và đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng đại diện các bộ, ngành liên quan.
Hoàn thành cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân
Tại phiên họp, Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06 Chính phủ), ngày 21/2, UBND TP Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 Chính phủ, chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã coi việc tổ chức và triển khai thực hiện Đề án 06 Chính phủ là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt.
Về tiến độ thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu ban hành kèm theo Đề án 06 Chính phủ, Đại tá Nguyễn Hồng Ky cho biết, đối với 14/25 dịch vụ công thực hiện trong tháng 3/2022, TP đã triển khai 7/14 dịch vụ công (chiếm 50%), trong đó có 5 dịch vụ mức độ 3, 2 dịch vụ mức độ 4. Hiện đã cung cấp 3 dịch vụ trên Cổng dịch vụ công TP và 4 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an; sẵn sàng kết nối, tích hợp, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện còn 7/14 dịch vụ công đang gặp một số khó khăn, vướng mắc chưa triển khai được mức độ 3, mức độ 4.
Đối với các thủ tục hành chính (TTHC) còn lại, các đơn vị liên quan đã xây dựng phương án và chủ động thực hiện rà soát, tái cấu trúc quy trình và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đảm bảo việc kết nối; hoàn thành việc triển khai thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai trong thực hiện TTHC về đất đai (dự kiến trong tháng 4); mở rộng phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Văn phòng Chính phủ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; mở rộng thực hiện Cấp đổi Giấy phép lái xe mức độ 4 trên toàn địa bàn...
Đại tá Nguyễn Hồng Ky cho biết, đến thời điểm hiện tại, Công an TP đã tổ chức thông báo mã số định danh cá nhân cho 100% công dân trên địa bàn TP, triển khai thu nhận 5.691.513 hồ sơ Căn cước công dân có gắn chíp điện tử và làm sạch 3 cấp đối với 7,9 triệu dữ liệu dân cư của công dân trên địa bàn, đồng thời cập nhật thông tin 453.403 trường hợp hưởng trợ cấp xã hội theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và 11.332.865 thông tin tiêm chủng vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư..
Phó Giám đốc Công an TP cũng phản ánh một số khó khăn hiện nay. Đơn cử, đối với thủ tục “Đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp” đã được Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục đường bộ Việt Nam tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, tính đến 11/3/2022, đã tiếp nhận và giải quyết được 33 hồ sơ. Tuy nhiên, chưa có cơ chế xác thực dữ liệu công dân giữa số CCCD và số CMND 9 số (cũ) gây khó khăn cho việc tạo tài khoản cũng như nộp hồ sơ.
Dữ liệu khám sức khỏe điện tử vẫn đang trong giai đoạn thí điểm, số lượng bệnh viện có chức năng cấp giấy khám sức khỏe điện tử còn rất ít; việc sử dụng dịch vụ chứng thực điện tử để thay cho giấy khám sức khỏe điện tử còn hạn chế. Khi sử dụng hình thức này khiến người dân bị phát sinh thêm chi phí, thêm thời gian đi lại, thời gian giải quyết TTHC...
Ngoài ra, chưa có hướng dẫn của các Bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ trong việc chuẩn hóa danh mục tài liệu, quy trình và mã số của giấy tờ số hóa để chia sẻ giữa Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và các Hệ thống thông tin khác. Tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mặc dù được nâng lên, nhưng chưa tương xứng với tình hình thực tế, nguyên nhân được xác định một phần do trình độ dân cư cũng như tâm lý e ngại, muốn đến thực hiện trực tiếp của người dân và các nguyên nhân khách quan khác.
Hướng tới trung tâm là người dân và doanh nghiệp
Chỉ đạo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, việc triển khai Đề án sẽ đảm bảo quản lý thống nhất, tập trung, thuận lợi, minh bạch, hiệu quả. Để làm được điều đó, ngoài trách nhiệm, phải rất đam mê, nhiệt huyết; cần nỗ lực tìm mọi cách đảm bảo tiến độ đề ra.
Đánh giá Hà Nội rất cầu thị khi nhiều lần mời Tổ công tác của Chính phủ về làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Hà Nội được lựa chọn làm điểm trong 5 TP lớn nên “kết quả phải rõ nét, có chuyển động, hướng tới trung tâm là người dân và doanh nghiệp”. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng nhận định, nhiều nội dung các sở ngành có thể chủ động bàn bạc, kết nối, phải về cơ sở, nghiên cứu kỹ, làm sao để người dân thuận tiện nhất, ít phải đi lại nhất trong thực hiện các thủ tục.
Để hoàn thành kịp tiến độ Đề án 06 thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu các đơn vị liên quan của TP Hà Nội cần chủ động phối hợp, tăng cường kết nối chia sẻ, cập nhật dữ liệu dân cư nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, TP cần bố trí ngân sách hợp lý; tiếp tục rà soát lại kho dữ liệu dân cư, các công nghệ, thiết bị, phần mềm để triển khai Đề án nhằm tránh lãng phí.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo 06 TP tiếp tục phân công, phân cấp để rõ trách nhiệm từng đơn vị, địa phương và trách nhiệm mỗi cá nhân khi triển khai phần việc của mình. Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị tổ công tác cần tổng hợp các yêu cầu với các bộ ngành để giải quyết nhanh nhất những khó khăn, vướng mắc hiện nay.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, với vị trí, vai trò là Thủ đô, Hà Nội có trách nhiệm đi đầu trong các địa phương triển khai tốt, hiệu quả Đề án 06. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Hà Nội sẽ linh hoạt điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp, phương thức để hướng tới việc hoàn thành và về đích sớm các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định trong Đề án 06.
Để đạt được mục tiêu trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Đề án số 06, trong đó tập trung tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai, thực hiện Đề án trong các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, nhất là cán bộ trực tiếp giải quyết dịch vụ công từ cấp cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện Đề án 06. Phải làm cho các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân hiểu đây là đề án đột phá, liên quan trực tiếp đến các lợi ích của người dân, doanh nghiệp và quốc gia.
“Tôi đề nghị đồng chí Bộ trưởng, Tổ công tác 06 của Chính phủ quan tâm, hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho UBND TP Hà Nội trong việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, nhất là trong việc triển khai thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ của địa phương, đảm bảo thành phố Hà Nội thực hiện thắng lợi Đề án 06. Tôi tin tưởng rằng, với sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất, TP sẽ triển khai thực hiện, đảm bảo hiệu quả của Đề án 06, xứng đáng là địa phương đi đầu trong triển khai Đề án 06”, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh khẳng định.