Tăng cường hợp tác quốc tế, đảm bảo an ninh, an toàn trên biển

Thứ Hai, 30/10/2023, 10:54

Thực thi Luật Cảnh sát biển Việt Nam, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam không chỉ tích cực mở rộng hợp tác quốc tế với những quốc gia có lực lượng thực thi pháp luật trên biển, mặt khác đã tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trên biển. 

Vì một vùng biển hoà bình, hữu nghị

Việc hợp tác quốc tế của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện trên nguyên tắc đã được quy định tại Điều 19 Luật Cảnh sát biển Việt Nam: “Thực hiện hợp tác quốc tế trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thoả thuận quốc tế theo thẩm quyền; tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế; bảo đảm độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển. Phát huy sức mạnh nội lực và sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, bảo đảm thực thi pháp luật trên biển”.

Tăng cường hợp tác quốc tế, đảm bảo an ninh, an toàn trên biển -0
Đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam tham quan trang thiết bị cứu nạn của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản trên tàu tuần tra Tosa. (Ảnh: Lam Giang – Đức Hạnh)

Việc nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế vừa là thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, vừa góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Thực tế cho thấy, sự chủ động, tích cực phát triển, mở rộng quan hệ của Cảnh sát biển Việt Nam với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trên tinh thần hợp tác, phát triển, hội nhập đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn, hòa bình, ổn định trên vùng biển Việt Nam. Đặc biệt, việc đẩy mạnh công tác đối ngoại Cảnh sát biển góp phần phát triển và làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước Đông Nam Á, trong đó có thiết lập, xây dựng quan hệ hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước đi vào chiều sâu.

Mới đây nhất, con tàu CSB 8004 chở đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam do Đại tá Lê Thanh Hải, Phó Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 chỉ huy đã lên đường thăm và giao lưu với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản.

Tăng cường hợp tác quốc tế, đảm bảo an ninh, an toàn trên biển -0
Xuồng cứu hộ của tàu CSB 8004 tham gia hợp luyện các nội dung tìm kiếm, cứu nạn cùng Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản. (Ảnh: Lam Gian – Đức Hạnh)

Trưa 2/10, sau 8 ngày hành trình liên tục, tàu CSB 8004 đã cập cảng Shinko, TP Kobe để bắt đầu chuỗi các hoạt động tại đất nước Nhật Bản. Lễ đón tàu CSB 8004 được phía bạn tổ chức vào buổi chiều cùng ngày tại khách sạn La Suite Kobe nằm trong khu vực cảng Shinko. Thành phần tham gia lễ đón tàu có sự hiện diện của các nghị sĩ thuộc Hạ Nghị viện và Thượng Nghị viện Nhật Bản, Thống đốc tỉnh Hyogo, Thị trưởng Kobe, Tư lệnh Vùng 5/ Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cùng Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Nhật Bản.

Chuyến đi của tàu CSB 8004 lần này như một điểm nhấn đánh dấu mối quan hệ hợp tác ngày càng bền chặt giữa hai Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản cũng như giữa Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản.

Chuyến thăm của tàu CSB 8004 tới TP Kobe lần này sẽ góp phần tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa hai lực lượng, đồng thời cũng sẽ góp phần thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai nước và hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Ngài Tư lệnh Vùng 5/ Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản kết thúc bài phát biểu chào mừng của mình bằng lời cầu nguyện cho sự an toàn được đảm bảo trên toàn khu vực.

Sau lễ đón tàu CSB 8004 là một chuỗi các hoạt động của đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam tại Nhật Bản. Đại tá Lê Thanh Hải nhấn mạnh, đây là chuyến thăm mang nhiều ý nghĩa quan trọng, nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao. Thông qua chuyến đi nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Đồng thời đây là dịp để hai bên có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, tăng cường phối hợp đối phó với các thách thức trong vấn đề an ninh truyền thống và phi truyển thống trên biển. Qua đó góp phần tăng cường giao lưu, hợp tác và phát triển giữa hai lực lượng.

Sáng 6/10, tàu CSB 8004 chở đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam kéo 3 hồi còi tạm biệt TP cảng Kobe, tiến ra vịnh Osaka thực hiện nội dung luyện tập chung tìm kiếm cứu nạn trên biển và nghi thức chia tay Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản để trở về Việt Nam sau 1 tuần lưu lại xứ sở hoa anh đào. Đi cùng tàu CSB 8004 ra khu vực diễn tập có tàu Tosa và 2 tàu tuần tra của nước bạn.

Theo Đại tá Lê Thanh Hải, thành công của chuyến công tác sẽ góp phần khẳng định sự lớn mạnh, vai trò, vị thế của của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế

Trong những năm qua, đặc biệt kể từ khi Luật Cảnh sát biển Việt Nam có hiệu lực, Cảnh sát biển Việt Nam đã không ngừng tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, Điều đó có thể thấy qua việc Cảnh sát biển Việt Nam đã ký Nghị định thư về Cơ chế liên lạc đường dây nóng với Ủy ban Quốc gia An ninh Hàng hải Campuchia, Ý định thư với Cảnh sát biển Indonesia (BAKAMLA) năm 2017, Ý định thư với Malaysia năm 2019. Từ các văn bản này, nhiều hoạt động hợp tác đã đi vào thực chất, hiệu quả với các nước, trong đó có các hoạt động góp phần đấu tranh ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản trái phép, không báo cáo, không theo quy định (IUU) của Việt Nam.

Tăng cường hợp tác quốc tế, đảm bảo an ninh, an toàn trên biển -0
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nội dung luyện tập chung tìm kiếm cứu nạn trên biển với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (Ảnh: Lam Giang – Đức Hạnh)

Mới đây, Cảnh sát biển Việt Nam và Ủy ban Quốc gia An ninh Hàng hải Campuchia đã có cuộc họp rút kinh nghiệm lần thứ 3 về thực hiện Nghị định thư về cơ chế liên lạc đường dây nóng giữa hai lực lượng. Tại cuộc họp, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường thực hiện Nghị định thư về cơ chế liên lạc đường dây nóng; phối hợp chia sẻ thông tin về chống IUU, hỗ trợ ngư dân hai bên trong quá trình khai thác hải sản trên biển. Hai bên phối hợp, hỗ trợ trong tìm kiếm cứu nạn, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển. Hàng năm, hai bên trao đổi đoàn cấp vùng giữa Sở chỉ huy chiến thuật tiền phương của Ủy ban Quốc gia An ninh Hàng hải Campuchia và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4; tổ chức họp rút kinh nghiệm lần thứ 4 về thực hiện Nghị định thư tại Campuchia vào quý III/2023; tích cực tham gia vào các diễn đàn đa phương về thực thi pháp luật trên biển, an ninh hàng hải mà hai cơ quan là thành viên.

Trước đó, vào cuối năm 2021, Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Indonesia đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác an ninh, an toàn hàng hải giữa hai lực lượng. Bản ghi nhớ này chính là công cụ, hành lang, cơ chế để hai bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hợp tác thiết thực, hiệu quả, giải quyết tốt các vụ việc trên biển. Đây cũng là dấu mốc quan trọng mở ra một trang hợp tác sâu sắc hơn, toàn diện hơn trong mối quan hệ song phương giữa hai bên, là một trong các biện pháp tạm thời trong việc phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước, góp phần giữ gìn vùng biển trong khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

T.H
.
.
.