Tán thành bổ sung 3 đối tượng cảnh vệ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước

Thứ Sáu, 24/05/2024, 18:30

Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung tổng số 15/33 điều của Luật Cảnh vệ hiện hành, trong đó tập trung vào các chính sách lớn như sửa đổi, bổ sung đối tượng cảnh vệ, biện pháp cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ, chế độ, chính sách đối với công tác cảnh vệ.

Chiều 24/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung tổng số 15/33 điều của Luật Cảnh vệ hiện hành, trong đó tập trung vào các chính sách lớn như sửa đổi, bổ sung đối tượng cảnh vệ, biện pháp cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ, chế độ, chính sách đối với công tác cảnh vệ.

Tham gia phát biểu tại tổ, đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ hiện hành nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng trong thời gian gần đây về xây dựng lực lượng CAND; việc sửa đổi, bổ sung Luật Cảnh vệ tạo hành lang pháp lý để các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ

Nguyên thủ các nước đến nước ta được tự do đi ăn phở, đi cafe... vì rất an toàn

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, công tác cảnh vệ đã hình thành từ rất lâu trong lịch sử, khi bắt đầu có Đảng là hình thành công tác bảo vệ để bảo vệ cán bộ chủ chốt từ khi chưa giành được chính quyền. Rõ nét nhất là khi Bác Hồ trở về nước năm 1941, lúc đó với yêu cầu bảo vệ lãnh tụ, tuy chưa giành được chính quyền nhưng phải tiến hành các công tác cảnh vệ để bảo vệ Bác, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng. “Những công việc đó đến nay cũng đã gần trăm năm. Các lực lượng triển khai công tác này cũng đã trưởng thành rất nhiều và luôn đảm bảo an toàn cho đối tượng cảnh vệ” – Chủ tịch nước Tô Lâm nêu và cho biết, luật là hành lang pháp lý để các lực lượng chức năng tiến hành công tác cảnh vệ,  tạo điều kiện cho các cơ quan phối hợp. 

Chủ tịch nước cho biết thêm, công tác cảnh vệ phải bảo đảm rất nhiều yêu cầu, trước hết là bảo đảm an ninh, an toàn cho lãnh đạo, đối tượng được cảnh vệ, đó là yêu cầu quan trọng nhất. Bên cạnh đó còn có ý nghĩa về lễ tân nhà nước, là nghi thức quốc gia, thể hiện thể diện quốc gia.  

ctn.jpg -0
Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch nước cũng chia sẻ, khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta ra nước ngoài thì lực lượng cảnh vệ cố gắng tiết kiệm nhất, điều kiện làm việc vất vả, triển khai hoạt động suốt ngày đêm, phải thức không được ngủ... "Lực lượng cảnh vệ của chúng ta đã trưởng thành lên rất nhiều và đáp ứng được yêu cầu của các nước, họ đánh giá rất cao lực lượng cảnh vệ của chúng ta. Vừa rồi chúng ta đón rất nhiều nguyên thủ quốc gia, được họ dành rất nhiều tình cảm. Tôi nhớ có Tổng thống khi về rồi lên đến nửa cầu thang thì tự nhiên ông lại chạy xuống, không biết là có chuyện gì, hoá ra là quên chưa chụp ảnh với anh em cảnh vệ nên xuống chụp ảnh động viên. Người ta rất cảm phục mình vì được bảo vệ an toàn. Nguyên thủ các nước đến nước ta được tự do đi ăn phở, đi ăn bún, đi công viên, ăn bánh mì, dạo bờ hồ, đi cafe vì rất an toàn” – Chủ tịch nước nói.

Nhất trí bổ sung 3 đối tượng cảnh vệ

Dự thảo  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật Cảnh vệ cũng bổ sung 3 đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao. Theo giải trình của Chính phủ, việc bổ sung 3 đối tượng cảnh vệ trên vì: Thường trực Ban Bí thư là người phụ trách, chủ trì công việc hằng ngày của Ban Bí thư, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong tổ chức của Đảng, Nhà nước. Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao là người đứng đầu các cơ quan tư pháp, có vai trò, tác động đối với công tác xét xử bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế, quyền con người, quyền công dân, đã được xác định là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

đb.jpg -0
Các đại biểu tại phiên thảo luận.

Tại phiên thảo luận ở tổ, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) nhất trí với quy định bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao quy định tại điểm e, h khoản 1 điều 10. “Việc bổ sung 3 đối tượng cảnh vệ này phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của 3 chức danh này trong hệ thống chính trị, nhằm thể chế kịp thời quy định của Đảng và đảm bảo tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng thời phù hợp với Kết luận số 35 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị” – đại biểu nêu.

trần t vân.jpg -0
Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) phát biểu tại tổ.

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) nêu, theo Kết luận 35 thì 3 chức danh nêu trên là những cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, trong khi luật hiện hành chưa quy định, cần bổ sung để đảm bảo nguyên tắc, các chức vụ, chức danh tương đương nhau thì việc thực hiện chế độ chính sách, trong đó có chế độ cảnh vệ phải thống nhất. “Điều đó đảm bảo tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ chính sách đối với các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước” – đại biểu nhấn mạnh.

Phương Thuỷ
.
.
.