Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô hiện đại, kết nối toàn cầu
Sáng 7/10, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu”.
Lấy người dân thủ đô là trung tâm của quá trình phát triển
Dự hội thảo về phía đại biểu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng đại diện các bộ, ban, ngành, lãnh đạo TP Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học…
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu, hội thảo là cơ hội để lãnh đạo TP lĩnh hội, tiếp thu những ý kiến quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm hiện thực hóa định hướng và mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, TP kết nối toàn cầu. Chủ tịch UBND TP Hà Nội mong muốn các chuyên gia tiếp tục trao đổi, làm rõ hơn các luận cứ khoa học và thực tiễn để Thủ đô sớm hoàn thành sứ mệnh của mình. Ngoài ra, tiếp tục phân tích, làm rõ những tiêu chí cụ thể trong định hướng phát triển Thủ đô với tầm nhìn mới, tư duy mới. Đặc biệt là những cơ hội mới khi Hà Nội triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024 và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Trình bày đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, 70 năm qua, từ thực tiễn xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô đã dệt kết nên những bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, sự năng động, sáng tạo và vị thế của Thủ đô qua các thời kỳ; khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, huy động hiệu quả mọi nguồn lực to lớn của Hà Nội; tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương; thường xuyên chăm lo, xây dựng Đảng bộ Hà Nội thật sự trong sạch, vững mạnh, ngay từ cơ sở; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân, không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gợi mở một số vấn đề, trong đó nhấn mạnh, Hà Nội cần trân trọng giữ gìn và phát huy di sản văn hiến vô giá của Thủ đô, phát huy những nét đẹp của người Hà Nội “thanh lịch, trang nhã, hào hoa, nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng” tiêu biểu cho văn hoá, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; khơi dậy ý chí, niềm tự hào và khát vọng phát triển của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô. Hà Nội phải tiếp tục đi đầu cả nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản; đồng thời, trở thành đô thị hiện đại, thông minh, xanh, đáng sống, an toàn và mến khách; là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhận định, Hà Nội cần hết sức quan tâm đến cuộc sống của nhân dân; lấy người dân thủ đô là trung tâm của quá trình phát triển; xử lý hiệu quả những vấn đề về cảnh quan đô thị, ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, hệ thống y tế, giáo dục… để tạo cho Hà Nội một diện mạo mới, xứng tầm vị thế Thủ đô.
Cơ sở quan trọng giúp Hà Nội tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển đến năm 2030
Tham luận tại hội thảo, Thiếu tướng Đào Ngọc Dinh, Phó Cục trưởng Cục khoa học, chiến lược và lịch sử công an nêu vấn đề, những năm gân đây, các thách thức an ninh phi truyền thống (ANPTT) diễn ra ngày càng gay gắt, tác động mạnh đến an ninh của mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam. Vị trí địa lý của Việt Nam khiến nước ta đặc biệt dễ bị tổn thương bởi ANPTT. Và Hà Nội, một đô thị lớn với dân số đông chịu ảnh hưởng trực tiếp của các vấn đề ANPTT như xung đột xã hội, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, an ninh y tế, an ninh thực phẩm, an ninh tài chính, môi trường và tội phạm xuyên quốc gia.
Theo Thiếu tướng Đào Ngọc Dinh, nhận thức được mức độ nghiêm trọng của những mối đe dọa này, Chiến lược tổng thể quốc gia phòng ngừa, ứng phó với các đe doạ ANPTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được Bộ Công an xây dựng để bảo vệ đất nước khỏi những nguy cơ tiềm ẩn. Với Hà Nội, Thiếu tướng Đào Ngọc Dinh đề xuất, cần đẩy mạnh tuyền truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hiệu quả chỉ đạo, quản lý, điều hành; nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù phòng ngừa, ứng phó. Hà Nội cũng cần nâng cao năng lực quản lý đô thị thông minh để hỗ trợ ứng phó với ANPTT, bao gồm hệ thống giám sát, thông tin liên lạc, và mạng lưới an ninh mạng.
Cũng tại hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nêu, Hà Nội đi nhanh vào hiện đại nhưng phải giữ được bản sắc của một Thủ đô hơn nghìn năm tuổi với những đặc sắc riêng có; phải bảo đảm sự hài hòa với cảnh quan thiên nhiên của sông, hồ, đồi, rừng, phù hợp với các nhu cầu làm việc, sản xuất, kinh doanh của nhân dân, các hoạt động đối nội, đối ngoại quốc gia, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Thủ đô trong mọi tình huống, từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; phát huy ưu thế của thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo, thành phố văn hiến.
Phát biểu kết luận hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý và cơ quan nghiên cứu hàng đầu ở nhiều lĩnh vực quan trọng. Đây là lực lượng trí thức tâm huyết, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Những ý kiến, đề xuất, giải pháp được nêu ra sẽ là cơ sở quan trọng giúp Thủ đô Hà Nội tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.
Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã đi sâu phân tích, tổng kết các bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế để chỉ ra phương hướng đột phá phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới. Trong đó, cần ưu tiên tập trung vào các vấn đề: dịch vụ và kinh tế đô thị - đây được cho là trụ cột kinh tế Thủ đô Hà Nội.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhận định, hội thảo là sự tiếp nối, kế thừa và vận dụng những kết quả của các hội nghị, hội thảo khoa học vào thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian tới, rất mong các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Thủ đô để góp phần thúc đẩy phát triển TP Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” - xứng đáng vừa là trung tâm chính trị, hành chính của quốc gia, vừa là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội năng động, đổi mới sáng tạo, kết nối toàn cầu.