Sửa nghị định để gỡ vướng triển khai tự chủ với đơn vị sự nghiệp công lập

Thứ Hai, 14/11/2022, 07:03

Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2021 có 10% đơn vị tự chủ tài chính, tuy nhiên, đến cuối năm 2021, mới có 6,6% số đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên - chưa đạt mục tiêu. Nhiều vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ được ghi nhận, trong đó, không ít đơn vị xin dừng tự chủ toàn diện sau nhiều năm thí điểm.

Ông Nguyễn Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho hay, tính đến cuối năm 2021, số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập trong các bộ, ngành, địa phương là 48.055 đơn vị; giảm 7.306 đơn vị, tương ứng giảm 13,2% so với năm 2015. Trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, cơ quan trung ương giảm 8,5%; thuộc địa phương giảm 13,3%.

Sửa nghị định để gỡ vướng triển khai tự chủ với đơn vị sự nghiệp công lập -0
Nhiều bệnh viện xin dừng tự chủ toàn phần vì khó khăn.

Số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập (biên chế viên chức) năm 2021 là gần 1,8 triệu người, giảm hơn 236 nghìn người, tương ứng giảm 11,67% so với năm 2015, vượt mục tiêu giảm 10% theo Nghị quyết số 19-NQ/TW. Trong đó, biên chế viên chức tại các bộ, ngành, trung ương năm 2021 giảm 25,19% và các địa phương giảm 10,51% so với năm 2015.

Về thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, trong tổng số 48.055 đơn vị sự nghiệp công lập, có 3.135 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên. Trong đó, 287 đơn vị bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, chiếm tỷ lệ 0,6% và 2.848 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, chiếm tỷ lệ 5,97%.

Như vậy, số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên tương ứng tỷ lệ 6,6% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương, chưa đạt mục tiêu đề ra là đến năm 2021 có 10% đơn vị tự chủ tài chính. Cùng với đó, có 8.922 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, chiếm tỷ lệ 18,7% nhưng mức độ tự bảo đảm một phần còn thấp. Còn lại số đơn vị do ngân sách nhà nước vẫn phải bảo đảm chi thường xuyên là 35.687, chiếm tỷ lệ 74,7%.

Được biết, ngày 21/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. So với các nghị định trước đây, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đã có những thay đổi căn bản, trao quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời, khuyến khích đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện thực hiện cổ phần hoá. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP tách rõ nguồn thu hoạt động sự nghiệp công, đặc biệt, đối với hai lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số các dịch vụ công là y tế và giáo dục.

Tuy nhiên, thực tế triển khai Nghị định đã phát sinh một số vướng mắc. Những vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ, trong đó có tự chủ tài chính cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn và thảo luận.

Theo phản ánh, do nguồn thu khó khăn, việc liên doanh, liên kết cũng gặp khó khăn nên hàng loạt bệnh viện lớn, đầu ngành như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Việt Đức từng xin dừng thực hiện tự chủ toàn phần, thay vào đó là tự chủ một phần, tức là tự chủ chi thường xuyên, còn chi đầu tư như mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng cơ sở mới... vẫn được ngân sách nhà nước đảm bảo.

Đặc biệt, năm 2020-2021, dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế-xã hội, nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là lĩnh vực y tế và lĩnh vực đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

“Việc đánh giá tình hình thực hiện phương án tự chủ của giai đoạn trước nhằm đề xuất phương án tự chủ cho giai đoạn tới không đảm bảo tính đầy đủ, khách quan, từ đó, ảnh hưởng đến việc xác định mức độ tự chủ của các đơn vị trong thời kỳ ổn định tiếp theo. Vì vậy, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về các khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được tiếp tục thực hiện phương án tự chủ đã được duyệt đến hết năm 2022. Đồng thời, nghiên cứu, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP để phù hợp với thực tiễn”, ông Giang thông tin.

Hà An
.
.
.