Sửa luật như thế nào để khắc phục những việc như bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm?

Thứ Tư, 16/08/2023, 17:52

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản liệu có giải quyết được những khó khăn, vướng mắc hiện nay, như vụ Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng đấu giá hơn 2 tỷ đồng một m2 đất rồi bỏ cọc, nhà máy bột giấy Phương Nam định giá hơn 1.000 tỷ mãi chưa bán được...

Chiều 16/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Sửa luật để tránh việc thông đồng, dìm giá trục lợi

Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, hiện nay, số lượng đấu giá viên của cả nước đã phát triển lên đến hơn 1.200 người, gần 600 tổ chức đấu giá tài sản, trong đó có 58 Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành. Số lượng các cuộc đấu giá tài sản ngày càng tăng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách Nhà nước đạt giá trị lớn.

"Theo số liệu thống kê, từ tháng 7/2017 đến 31/12/2022, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 200.000 cuộc đấu giá, chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm là gần 110.000 tỷ đồng", ông thông tin.

Sửa luật như thế nào để khắc phục việc bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm? -0
Bộ trưởng Lê Thành Long trình bày tờ trình về dự án luật.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Đấu giá tài sản đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập, cần sửa đổi. Một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề. Chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn bất cập, tình trạng "quân xanh, quân đỏ", thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp; cơ chế kiểm soát việc đấu giá còn bộc lộ một số vướng mắc.

"Còn tình trạng người có tài sản đấu giá chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản, thậm chí một số trường hợp còn có biểu hiện thông đồng, móc nối với tổ chức đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để trục lợi; lợi dụng các tổ chức "sân sau" để đấu giá", Bộ trưởng cho hay.

Trên cơ sở đó, dự thảo được bổ sung quy định nghiêm cấm đấu giá viên để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi. Nghiêm cấm người tham gia đấu giá nhận ủy quyền tham gia đấu giá để trả giá cho người tham gia đấu giá khác đối với tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó hoặc trả giá cho từ hai người tham gia đấu giá trở lên.

Sửa luật như thế nào để khắc phục việc bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm? -0
Toàn cảnh phiên họp.

Dự thảo bổ sung cách thức bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá bằng hình thức trực tuyến góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Đáng lưu ý, dự thảo cũng bổ sung các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản như cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động doanh nghiệp khác... để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, tránh tình trạng thông đồng, dìm giá giữa những người này khi tham gia đấu giá...

Nhà máy bột giấy định giá hơn 1.000 tỷ mãi không bán được

Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, còn nội dung ở các luật khác. Tuy nhiên vấn đề ở chỗ, luật hình thức thì quy định đến đâu, quy định những cái gì? Tài sản hữu hình thì nhiều nhưng tài sản vô hình còn nhiều hơn. Đối với doanh nghiệp, đôi khi tài sản vô hình giá trị rất lớn, thì có mang ra đấu giá không, đấu giá như thế nào? Cái nào thì đấu giá, cái nào điều chỉnh bằng luật khác?

Sửa luật như thế nào để khắc phục việc bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm? -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thảo luận tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề, nếu luật này sửa, có giải quyết được những khó khăn, vướng mắc như hiện nay hay không? Chẳng hạn như việc nhà máy bột giấy Phương Nam - một trong những dự án yếu kém, thua lỗ của ngành Công thương, tài sản bao nhiêu năm chỉ có thiết bị vật tư như sắt vụn, nhưng vì là dây chuyền sản xuất nên phải định giá theo nguyên tắc như dây chuyền sản xuất, không ai dám định giá như tài sản tồn kho của doanh nghiệp.

"Công ty định giá đưa ra giá hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng từ đó đến nay cũng không bán được. Giữa luật nội dung và luật hình thức cần quy định như thế nào, cái gì quy định trong luật này, cái gì quy định ở luật khác? Cần phải sửa thêm cái gì so với luật hiện hành?", Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Dẫn chứng vụ đấu giá đất Thủ Thiêm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, trúng đấu giá hơn 2 tỷ đồng một m2 đất nhưng sau đó thì bỏ cọc, Chủ tịch Quốc hội nhớ lại thời điểm sau phiên chất vấn của Quốc hội đã có đề nghị sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, vậy lần sửa đổi này có khắc phục được điều đó không?

Sửa luật như thế nào để khắc phục việc bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm? -0
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thảo luận tại phiên họp.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc sửa đổi luật phải khắc phục được những bất cập như Chủ tịch Quốc hội vừa nêu, đặc biệt sau việc đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và ở một số địa phương khác; khắc phục tình trạng "quân xanh, quân đỏ", ép giá, thông đồng trong đấu giá tài sản. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật này cũng sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực đấu giá tài sản, như việc thí điểm đấu giá trực tuyến biển số xe ô tô...

Trúng đấu giá 14 năm, tiền nộp rồi nhưng tài sản chưa được nhận

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu thực tế có tổ chức đấu giá tài sản đứng ra đấu giá tài sản trên giấy chứ không hề có tài sản. "Có đại biểu nói, người trúng đấu giá 14 năm nay, tiền nộp rồi nhưng tài sản chưa được nhận. Vậy chúng ta phải sửa luật này hay sửa luật nào? Bây giờ phải có tài sản anh mới được đấu giá, tài sản ấy phải được cơ quan có thẩm quyền quản lý, chứ tài sản đang nằm ở đối tượng nào, đang ở đâu trên giấy, bao nhiêu năm không nhận được...", ông phân tích và băn khoăn khi luật này sửa nhưng chưa đề cập điều đó.

Sửa luật như thế nào để khắc phục việc bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm? -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thảo luận tại phiên họp.

Phát biểu giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, về đấu giá quyền sử dụng đất làm dự án, tiền đặt trước mức bao nhiêu chỉ là một trong những điều kiện, bên cạnh đó phải tuân thủ quy định của Luật Đất đai. Tương tự, những loại tài sản khác, cùng với tiền đặt trước, phải đáp ứng một loạt điều kiện theo pháp luật chuyên ngành. "Nhà máy bột giấy Phương Nam sở dĩ không bán được do định giá cao quá", ông lý giải và cho biết, Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu, cập nhật, nhưng muốn giải quyết việc này, cần phải đưa vào pháp luật chuyên ngành và quy định phải bán đấu giá.

Đối với vụ việc ở Thủ Thiêm, Bộ trưởng thừa nhận, việc nâng tiền đặt trước lên một cách bất thường thì Luật Đấu giá tài sản "bất lực", mà chúng ta phải xử lý bằng các công cụ pháp luật. Tiền đặt trước thông thường theo các nước từ 5-20%, nhưng khi ký hợp đồng rồi thì tiền đặt trước mới trở thành tiền đặt cọc, nguyên tắc xử lý ở đây theo dân sự, nghĩa là "anh đặt cọc nhưng không thực hiện nghĩa vụ của mình, anh "xù" thì anh phải nộp lại cho tôi". "Chỗ Thủ Thiêm này, quan điểm của chúng tôi, phải xử lý trong tập hợp một loạt văn bản quy phạm pháp luật khác nhau", ông khẳng định.

Quỳnh Vinh
.
.
.