Sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Thứ Hai, 17/04/2023, 15:37

Vừa qua, Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến thông qua theo trình tự rút gọn tại Kỳ họp thứ 5 dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Dự án Luật được xây dựng và ban hành sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người Việt Nam, người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc mời, đón người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; hoàn thiện cơ sở pháp lý, đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

 Theo Bộ Công an, qua nghiên cứu, rà soát, tổng kết thực tiễn thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Bộ Công an thấy rằng đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế và yêu cầu của tình hình thực tiễn cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

  Khoản 1 Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định “Người đề nghị cấp hộ chiếu nộp tờ khai theo mẫu đã điền đầy đủ thông tin, 2 ảnh chân dung và giấy tờ liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều này; xuất trình Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng”.

Như vậy, theo quy định trên thì người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nuớc phải trực tiếp thực hiện đề nghị cấp hộ chiếu tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Do vậy, để bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện việc cấp hộ chiếu phổ thông cho công dân ở dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cần bổ sung quy định về hình thức, trình tự và thủ tục thực hiện đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử.

 Tại điểm a khoản 2 Điều 28 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trong thời hạn 48 giờ kể từ khi phát hiện hộ chiếu phổ thông bị mất, người bị mất hộ chiếu trực tiếp nộp hoặc gửi đơn báo mất theo mẫu cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh nơi thuận lợi, cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi thuận lợi. Như vậy, cũng cần nghiên cứu bổ sung quy định về hình thức, trình tự và thủ tục thực hiện báo mất hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử để bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện.

Sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu thực tiễn -0
Dự án Luật được xây dựng và ban hành sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam thì người đề nghị khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông trực tiếp nộp tờ khai và hộ chiếu tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi. Để tạo điều kiện thuận lợi công dân trong việc thực hiện đề nghị khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử cần nghiên cứu, bổ sung quy định này vào Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

 Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 15 và khoản 2 Điều 28 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam để tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc phân cấp giải quyết thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo các Quyết định nêu trên.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất

Hiện nay, theo quy định Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Bộ Công an là đơn vị chủ trì ký kết thỏa thuận quốc tế trong việc tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú theo phân công của Chính phủ (Điều 45); Bộ Ngoại giao là đơn vị chủ trì trong việc ký kết điều ước quốc tế liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú (Điều 46). Như vậy, cùng một vấn đề ký kết hợp tác quốc tế về nhận trở lại công dân nhưng có 2 Bộ chủ trì nên cần phải điều chỉnh lại, theo hướng chỉ giao một Bộ chủ trì. Cũng theo quy định của Luật Cư trú và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cư trú và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Công tác tiếp nhận công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú là một trong những nội dung của công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Bộ Công an là đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện các hiệp định, thỏa thuận về nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú, như: tổ chức xác minh, cấp giấy tờ đi lại, thực hiện tiếp nhận công dân khi nước ngoài trao trả… Do đó, nếu giao cho Bộ Ngoại giao đề xuất đàm phán ký kết, Bộ Công an tổ chức thực hiện sẽ thiếu tính thống nhất, không bảo đảm tính kịp thời và không bám sát được thực tiễn.

Về việc thực hiện công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, trên thực tế Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chỉ thực hiện công tác bảo hộ trong giai đoạn công dân đang bị tố tụng (bị bắt giữ, xét xử), sau khi đã có quyết định xét xử, trục xuất của cơ quan chức năng nước ngoài thì việc xác minh, tổ chức tiếp nhận công dân Việt Nam bị nước ngoài trục xuất hoàn toàn do các cơ quan chức năng của Bộ Công an thực hiện.

Trong các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về nhận trở lại công dân Việt Nam đã ký kết đều quy định Bộ Công an (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) là đầu mối thực hiện. Nhận trở lại công dân là một hoạt động trong công tác phòng, chống đưa người di cư trái phép. Qua nghiên cứu, nhận thấy hầu hết các quốc gia thành viên Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không, bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đều chỉ định các đơn vị An ninh, Cảnh sát là cơ quan đầu mối trao đổi thông tin. Trên thực tế, gần đây Bộ Công an đã chủ trì đàm phán 3 thỏa thuận về nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú; kết quả đàm phán đảm bảo đáp ứng yêu cầu chính trị, đối ngoại. Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam theo hướng quy định Bộ Công an chủ trì thực hiện đàm phán, ký kết điều ước quốc tế về nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú để phù hợp với phạm vi chức năng của Bộ Công an và đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đồng thời, trước đây theo quy định của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ thì Phó Tùy viên Quốc phòng tại cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài được cấp hộ chiếu ngoại giao, tuy nhiên, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam không quy định trường hợp này thuộc đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao đã gây khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, ảnh hưởng đến vai trò, vị thế của Cơ quan Tùy viên Quốc phòng Việt Nam ở nước ngoài. Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam để đảm bảo phù hợp với thực tế công tác của Cơ quan Tùy viên Quốc phòng Việt Nam ở nước ngoài.

Thời gian qua, tình trạng công dân đề nghị cấp hộ chiếu khi đến hẹn nhận kết quả nhưng không đến nhận hộ chiếu (không đề nghị trả hộ chiếu qua bưu chính công ích) dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác trả hộ chiếu cho công dân, cũng như việc quản lý hộ chiếu đã cấp cho công dân mà không đến nhận (từ 1/7/2020 đến 24/3/2023 đã có 975 trường hợp công dân đã được cấp hộ chiếu nhưng không nhận kết quả). Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung quy định về việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông (Điều 27) đối với các trường hợp đã được cấp hộ chiếu mà không đến nhận kết quả để bảo đảm hiệu quả công tác cấp giấy tờ xuất nhập cảnh nói riêng, công tác quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam nói chung.

 Điều 18 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã quy định các trường hợp được cấp hộ chiếu rút gọn, tuy nhiên, chưa bao hàm được nhiều diện đối tượng không có hộ chiếu mà cần về nước ngay, như: người không được phía nước ngoài cho cư trú, nạn nhân mua bán người, ngư dân… Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về việc cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, cũng như phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Nguyễn Hương
.
.
.