Sử dụng cát biển để san lấp các dự án giao thông trọng điểm

Thứ Bảy, 11/05/2024, 16:12

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh cần phải tìm nguồn vật liệu để thay thế cát sông đang khan hiếm, đưa vào khai thác và sử dụng cát biển để san lấp những khu vực thuận lợi đối với các dự án trọng điểm. 

Chiều 11/5, tại tỉnh Vĩnh Long, đồng chí Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có buổi làm việc với các bộ ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai về giải quyết vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm phía Nam.

Sử dụng cát biển để san lấp các dự án giao thông trọng điểm ở phía Nam -0
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc về giải quyết vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm phía Nam.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết trong giai đoạn 2021-2025, khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ cần khoảng 63 triệu m3 cát để triển khai thi công 16 dự án trọng điểm. Tổng nhu cầu vật liệu đắp nền cho các dự án là khoảng 70 triệu m3, trong đó đất đắp khoảng 7 triệu m3, cát đắp khoảng 63 triệu m3. Đối với đất đắp, nguồn cung chủ yếu tại Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay đã xác định được nguồn cung là 2/7 triệu m3. Với nguồn cung cát, đến nay đã xác định được 37/63 triệu m3 (chủ yếu ở các tỉnh ĐBSCL), còn thiếu 26 triệu m3.

“Về sử dụng cát biển tại Sóc Trăng cho các dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu hoàn tất các thủ tục khảo sát, lập hồ sơ đăng ký khu vực và khối lượng khai thác; hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường, phương án khai thác trình UBND tỉnh Sóc Trăng. Sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao khu vực biển, nhà thầu hoàn thành các nghĩa vụ tài chính, khai thác trong tháng 5”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin.

Sử dụng cát biển để san lấp các dự án giao thông trọng điểm ở phía Nam -0
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại buổi làm việc. 

Nhấn mạnh tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng muốn bảo vệ ĐBSCL, việc tìm nguồn vật liệu thay thế cát sông là rất cần thiết và đưa vào sử dụng cát biển cho san lắp dự án tại những khu vực thuận lợi. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng lưu ý việc khai thác nguồn vật liệu từ các bãi bồi nằm ở những vị trí không ảnh hưởng đến dân cư, công trình và nhấn mạnh không để xảy ra tình trạng công trình phải “chờ cát”.

Riêng dự án vành đai 3 (TP Hồ Chí Minh) còn thiếu khoảng 3 triệu m3 cát, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu TP Hồ Chí Minh, Ban QLDA, nhà thầu và tỉnh Tiền Giang,... cần rút ngắn thời gian cấp phép theo cơ chế đặc thù, không để chậm trễ nguồn vật liệu san lấp.

Bộ Giao thông Vận tải phân cấp thẩm quyền cho địa phương về việc nạo vét các tuyến sông, nhằm thực hiện thuận lợi lưu thông đường thủy và sử dụng nguồn vật liệu này cho các công trình trọng điểm.

Sử dụng cát biển để san lấp các dự án giao thông trọng điểm ở phía Nam -0
Kết quả khảo sát mỏ cát tại các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang và Bến Tre.

Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã khảo sát tình hình khai thác cát sông phục vụ san lấp các tuyến cao tốc trọng điểm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Sau khi khảo sát, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã gặp gỡ người dân tại khu vực khai thác cát sông ở 3 xã Tích Thiện, Thiện Mỹ, Lục Sĩ Thành và thị trấn Trà Ôn (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).

Vĩnh Long được Chính phủ phân công cung cấp vật liệu san lấp từ cát sông cho các dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Hồi tháng 2/2024, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức lễ bàn giao 3 mỏ cát theo cơ chế đặc thù phục vụ dự án cao tốc.

Tuy nhiên đến nay, các mỏ cát chưa thể khai thác do người dân địa phương còn quan ngại việc khai thác cát có khả năng sẽ dẫn đến sạt lở tại khu vực.

Sử dụng cát biển để san lấp các dự án giao thông trọng điểm ở phía Nam -0
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng Đoàn công tác khảo sát trên tuyến sông Hậu. 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và nêu rõ các hoạt động liên quan đến triển khai dự án trọng điểm đều phải đánh giá tác động, có chính sách cụ thể. Việc khai thác cát phải thuận thiên, phù hợp với tự nhiên, không để người dân bị ảnh hưởng.

Các mỏ cát khai thác phải thực hiện đánh giá bài bản, kỹ lưỡng trữ lượng, công suất khai thác, tác động môi trường. Việc khai thác các mỏ cát vừa bảo đảm dòng chảy, đồng thời phải quản lý chặt chẽ, phù hợp với điều kiện tự nhiên, có sự tham gia giám sát của người dân.

Sử dụng cát biển để san lấp các dự án giao thông trọng điểm ở phía Nam -0
Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn qua huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) đang được thi công.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh các phương án khai thác mỏ cát sông phải công khai, cùng với hệ thống quan trắc, đánh giá để người dân biết, giám sát, chống tình trạng khai thác trái phép.

Trước những lo lắng của người dân về việc khai thác sông có thể gây sạt lở, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu phải đánh giá đầy đủ mọi tác động dòng chảy để có phương án khai thác phù hợp với điều kiện tự nhiên.

Những khu vực bị sạt lở do biến đổi của dòng chảy tự nhiên, cần quy hoạch lại các khu dân cư nông thôn, sản xuất theo hướng thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Văn Vĩnh
.
.
.