Sông Hồng là không gian điểm nhấn, biểu tượng của Thủ đô

Thứ Sáu, 24/11/2023, 13:52

Các đại biểu đề xuất xác định Trục không gian sông Hồng phát triển là không gian xanh trung tâm của đô thị trung tâm, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế - xã hội và là không gian điểm nhấn, biểu tượng của Thủ đô.

Đề xuất phát triển trục sông Hồng thành không gian xanh

Ngày 24/11, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (khoá XVII) tiếp tục thảo luận, nghe giải trình của đại diện các cơ quan có thẩm quyền về ý kiến đóng góp vào 8 nội dung quan trọng, trong đó có Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, các chương trình, kế hoạch năm 2024 và dự thảo Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Phát biểu giải trình về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết: Thảo luận tại tổ, các đại biểu cơ bản đồng tình với Đồ án. Các nội dung cơ bản tập trung vào 9 nhóm ý kiến, nổi bật là đề xuất điều chỉnh quy hoạch TP phía Bắc.

Ban Cán sự đảng UBND TP thống nhất với ý kiến đại biểu (Bí thư Huyện ủy Đông Anh), trong đó, Đông Anh được định hướng là đô thị trung tâm của TP.

hanoimoi.com.vn-uploads-images-phananh-2023-06-05-_songhong1.jpg -0
Sông Hồng là không gian xanh trung tâm, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế - xã hội và là điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.

Các đại biểu cũng đề xuất xác định Trục không gian sông Hồng phát triển là không gian xanh trung tâm của đô thị trung tâm, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế - xã hội và là không gian điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, phát triển đô thị, công viên sinh thái hai bên sông, trị thủy, khai thác giá trị cảnh quan, cảng sông, du lịch hai bên sông; sự cần thiết xây dựng Chương trình phát triển đô thị thành phố, trong đó sẽ xác định Chương trình tái thiết đô thị đoạn sông Hồng đi qua địa bàn các quận trung tâm thành phố và các khu vực cần tái thiết tại các quận nội đô…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông, đây là những nội dung rất quan trọng được xác định trong đồ án. Nếu triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản, cải tạo môi trường, cảnh quan hai bên sông đạt hiệu quả thì sẽ cơ bản tạo dựng được bộ mặt đô thị toàn TP xanh, sạch, đẹp…

Liên quan đến ý kiến của các đại biểu về việc bảo tồn, phát huy các công trình di sản khu vực nội đô lịch sử, Ban Cán sự đảng UBND TP cho rằng, Đồ án vẫn xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng. UBND các quận trong khu vực trung tâm tiếp tục quán triệt công tác quản lý và tích cực chủ động đề xuất các giải pháp cụ thể hóa quy hoạch.

Ban Cán sự đảng UBND TP cũng khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến liên quan đến việc phát triển sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô tại phía Nam TP; đề nghị tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị, nâng cấp loại đô thị; nghiên cứu đề xuất sân bay lưỡng dụng; cải tạo, quy hoạch khu vực nông thôn; phát triển du lịch dọc sông Đà, xã đảo Minh Châu; rà soát các số liệu diện tích quy hoạch đất rừng tại khu vực Sóc Sơn và Ba Vì…

Kiên định phát triển 2 TP trực thuộc và 5 trục phát triển

Bế mạc Hội nghị, phát biểu Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết: Ban Chấp hành Đảng bộ TP cơ bản thống nhất với các nội dung đề xuất Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Ban Chấp hành Đảng bộ TP giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND TP tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp xác đáng của các đại biểu dự họp để cập nhật, bổ sung trong quá trình lập Đồ án.

Đồng thời, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của Đồ án, Bí thư Thành ủy đề nghị cần lưu ý 5 nội dung, trước hết là bám sát các nội dung Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị và quan trọng nhất là phải bảo đảm đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được lập theo Luật Quy hoạch.

085a19cbaf9206cc5f83.jpeg -0
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu bế mạc hội nghị.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng lưu ý, cần nghiên cứu làm rõ nét hơn nữa định hướng phát triển khu vực nông thôn của Thủ đô, gắn với khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc các vùng văn hóa truyền thống: Sơn Nam Thượng, Xứ Đoài, Xứ Đông, Kinh Bắc, Thăng Long…, từng bước nâng cao chất lượng đời sống khu vực nông thôn. Cần nghiên cứu đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; đảm bảo an ninh quốc phòng...

Theo người đứng đầu Thành uỷ Hà Nội, TP sẽ kiên định với định hướng phát triển 2 TP trực thuộc Thủ đô là: TP Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh), TP phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai) và 5 trục phát triển; kết hợp với đầu tư xây dựng sân bay quốc tế thứ 2. Ngoài ra, cần nghiên cứu đề xuất một số sân bay lưỡng dụng trong TP. Đây sẽ là tiền đề tạo cực tăng trưởng mới để phát triển kinh tế - xã hội đối với các khu vực phía Bắc, phía Đông và phía Tây của Hà Nội; đồng thời, tạo dư địa phát triển cho khu vực phía Nam.

T.Linh
.
.
.