Sớm xét xử vụ án xảy ra tại AIC dù bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn

Thứ Sáu, 18/11/2022, 16:54

Đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương thông tin: Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhấn mạnh: Phấn đấu hết năm 2022, hoàn thành xét xử một số vụ án trọng điểm, trong đó có vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty AIC,  Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và các đơn vị liên quan, hiện một số bị can đã bỏ trốn, vậy quá trình điều tra truy tố xét xử như thế nào? Trả lời câu hỏi trên của các phóng viên, đồng chí Nguyễn Thái Học thông tin: Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh, dù có trốn ra nước ngoài cũng không thoát được sự trừng trị của luật pháp.

Ban Chỉ đạo đã giao cho cơ quan tiến hành tố tụng nghiên cứu quy định luật pháp để truy tố, xét xử các bị can, bị cáo theo đúng quy định của pháp luật. “Nếu trốn ra nước ngoài thì chúng ta xử vắng mặt”- đồng chí Nguyễn Thái Học thông tin. Việc xét xử vắng mặt đối với các bị cáo trong bất kỳ vụ án nào đều tuân theo quy định của luật pháp. Vì vậy, đối với các đối tượng vi phạm pháp luật bỏ trốn ra nước ngoài, chúng ta đã khởi tố điều tra, nếu có đầy đủ chứng cứ, cơ sở, vận dụng quy định luật pháp để xem xét xử lý.

Ban Chỉ đạo thống nhất, phấn đấu hết năm 2022 hoàn thành xét xử 6 vụ án trọng điểm, trong đó có vụ án xảy ra tại Công ty AIC, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai...

Sớm xét xử vụ AIC dù bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn -0
Vụ án xảy ra tại  Công ty AIC, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cùng các đơn vị có liên quan sớm được đưa ra xét xử trong năm 2022, dù Nguyễn Thị Thanh Nhàn và nhiều bị can khác đang bỏ trốn.

Xoay quanh đến vụ án Việt Á, đồng chí Nguyễn Thái Học thông tin thêm, chúng ta đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhưng diện vi phạm của vụ án rất rộng, nhiều đối tượng, liên quan đến cán bộ đảng viên vi phạm nên quá trình xem xét xử lý đòi hỏi rất khẩn trương nhưng phải thận trọng, đánh giá bối cảnh, tình hình nào dẫn đến những vi phạm để phân hóa. Vừa rồi, Bộ Chính trị đã có kết luận về chủ trương phân hóa trong quá trình xử lý vụ Việt Á.

Kết luận của Bộ Chính trị là cơ sở, đường lối, chủ trương, trên cơ sở đó trong quá trình xem xét xử lý cán bộ đảng viên vi phạm, chúng ta xem xét bối cảnh, nguyên nhân, hoàn cảnh, mức độ vi phạm để xác định đối tượng nào phải bị xử lý nghiêm, ai được xem xét giảm nhẹ. Trong quá trình xử lý hình sự, các cơ quan chức năng xem xét cụ thể từng vụ án, từng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, khoan hồng. Hiện nay, ở Trung ương và địa phương đang nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, trên tinh thần của Ban Chỉ đạo là khẩn trương xem xét, xử lý nghiêm, sớm kết thúc.

Đồng chí Nguyễn Thái Học cũng khẳng định, trước mắt, muốn thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả thì việc kê biên, phong tỏa tài sản tham nhũng phải được làm quyết liệt, chủ động. Một số vụ án lớn trong thời gian qua chúng ta đã chủ động, hiệu quả trong việc kê biên, phong tỏa tài sản tham nhũng, tiêu cực, đem lại kết quả cao trong việc thu hồi tài sản của Nhà nước.

Đối với vụ án xảy ra tại Công ty Vạn Thịnh Phát, đồng chí Nguyễn Thái Học nhấn mạnh, vụ án này được đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Đây là một trong những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm. Hiện nay, Thường trực Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các cơ quan chức năng đều thống nhất đánh giá, những sai phạm của Vạn Thịnh Phát là đặc biệt nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian khá dài.

Hiện Thường trực Ban Chỉ đạo đã giao cụ thể trách nhiệm cho từng bộ, ban, ngành, chức năng có liên quan để tập trung thực hiện hiệu quả những phần việc, nhiệm vụ được giao, sớm kết thúc vụ án, đưa ra xét xử; làm đồng bộ, từ Trung ương đến địa phương. Địa phương nào trong quá trình triển khai các dự án phát hiện vi phạm liên quan đến các đối tượng trong vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát đều phải kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực, có nhiều giải pháp trong đó cần chú trọng đến giải pháp kiểm soát quyền lực. Hiện chúng ta đã xây dựng xong Đề án kiểm soát quyền lực.

Lý giải nội dung này, đồng chí Nguyễn Thái Học đánh giá, vì các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án là cơ quan được giao quyền lực, liên quan nhiều vấn đề rất quan trọng như nhân thân con người, tài sản, tính mạng của người khác, vì thế đề án này được giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, có thể đến cuối năm 2022 sẽ ban hành.

"Vấn đề kê biên, phong tỏa tài sản tham nhũng phải được làm kịp thời, quyết liệt. Thời gian qua, các vụ án lớn chúng ta đã phong tỏa, kê biên, ngăn chặn kịp thời tài sản các đối tượng tham nhũng, đã đạt được kết quả lớn"- đồng chí Nguyễn Thái Học khẳng định.

Hoàng Phong
.
.
.