Sớm khắc phục tình trạng chậm trễ trong xây dựng đường Hồ Chí Minh

Thứ Hai, 06/06/2022, 17:24

Theo Nghị quyết số 66 của Quốc hội khóa XIII, đến năm 2020 hoàn thành nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh với điểm đầu tại Pác Bó Cao Bằng, điểm cuối tại đất Mũi Cà Mau, quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2744 km nhưng đến năm 2021 mới hoàn thành 86,1%.

Chiều 6/6, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm đến giải pháp khắc phục tình trạng chậm của việc triển khai dự án; kiến nghị sửa chữa, khắc phục tình trạng hư hỏng, xuống cấp…

Không để tuyến đường mang tên Bác chậm kéo dài

Phát biểu thảo luận, đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) cho biết, dự án còn một phần nhỏ chưa hoàn thành nhưng lại nằm ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. “Theo Nghị quyết số 66 của Quốc hội khóa XIII, đến năm 2020 hoàn thành nối thông tuyến toàn tuyến đường Hồ Chí Minh với điểm đầu tại Pác Bó Cao Bằng, điểm cuối tại đất Mũi Cà Mau, quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km nhưng đến năm 2021 mới hoàn thành 86,1%” – đại biểu nhấn mạnh đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến việc chậm trễ này. Tuyến đường Hồ Chí Minh từ Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn qua địa phận tỉnh Tuyên Quang dài khoảng 28,5 km, được phê duyệt dự án tại Quyết định số 128 ngày 26/4/2016 của Bộ Giao thông vận tải nhưng đến nay chưa triển khai xây dựng; đồng thời kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm sớm triển khai thực hiện dự án, đáp ứng lòng mong mỏi của Nhân dân.

Sớm khắc phục tình trạng chậm trễ trong xây dựng đường Hồ Chí Minh -0
Đại biểu Âu Thị Mai phát biểu tại phiên họp

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cũng quan tâm đến tiến độ của đường Hồ Chí Minh và cho rằng, nguyên nhân của việc chậm trễ, kéo dài nêu trên là do trong quá trình triển khai dự án, thời gian kéo dài quy mô lớn và gặp không ít khó khăn, nhất là ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Một số dự án thành phần cũng còn chậm. Công tác thực hiện giải phóng mặt bằng ở một số địa phương làm chưa quyết liệt và còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ. Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét đầu tư để thông toàn tuyến trong giai đoạn 2021-2025, kể cả việc đầu tư đoạn Cổ Tiếp đến Chợ Bến.

“Không để tuyến đường mang tên Bác kéo dài nhiều năm sang giai đoạn 2026-2030, có như thế, tuyến đường mới thực sự phát huy được hiệu quả, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng, các địa phương có tuyến đường đi qua và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” – đại biểu kiến nghị và cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo hoàn thành việc quyết toán các dự án thành phần; cần làm rõ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư các dự án thành phần; kết quả phát hiện các vi phạm và xử lý vi phạm sau kết luận thanh tra, kiểm toán của các dự án thành phần. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục xem xét, rà soát, sửa đổi các quy định về đầu tư PPP tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư theo hình thức PPP để giảm áp lực về vốn cho ngân sách nhà nước.

Cần có chính sách phù hợp cho bà con di dân, tái định cư

Quan tâm đến vấn đề tái định cư cho bà con trong diện di dân thực hiện dự án, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) cho rằng, để tích hợp dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đồng bộ với quy hoạch đô thị, bố trí, sắp xếp tái định cư cho người dân để đảm bảo tính khả thi của dự án. Cùng với địa phương xây dựng tuyến đường này bố trí, sắp xếp dân cư và tiếp tục chủ trương xây dựng các Làng thanh niên lập nghiệp dọc trên các tuyến đường Hồ Chí Minh, nhằm huy động thanh niên nằm trong vùng bị ảnh hưởng của dự án vào việc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đây cũng là nhằm giáo dục, tạo điều kiện để thanh niên rèn luyện, cống hiến trong giai đoạn hiện nay.

“Về giải phóng mặt bằng, di dân, đại bộ phận người dân bị ảnh hưởng trên tuyến đường này, cuộc sống của họ rất khó khăn, chủ yếu dựa vào đất rừng để sản xuất, sinh hoạt, phục vụ đời sống. Do đó, đề nghị Chính phủ cần có báo cáo đánh giá cụ thể hơn về tác động của dự án đến việc di dân, tái định cư, công tác an sinh xã hội, phương án phục hồi kinh tế của người dân, nhất là làm rõ vai trò phối hợp cục bộ ngành chủ quản với các chính quyền địa phương trong thực hiện các nội dung này” – đại biểu kiến nghị.  

Sớm khắc phục tình trạng chậm trễ trong xây dựng đường Hồ Chí Minh -0
Đại biểu Trần Quang Minh phát biểu tại phiên họp.
Quan tâm đến cuộc sống của bà con trong diện giải toả để thực hiện dự án, đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) cho biết, vẫn còn một số các hộ gia đình nằm trong diện giải tỏa nhiều năm nay do chủ trương mở rộng đường chưa tiến hành giải tỏa được nên người dân đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng về việc cho sửa chữa nhà cửa đã xuống cấp, chuyển quyền sử dụng đất. Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản trả lời là giữ nguyên như quy hoạch. Vì thế, việc tổng kết Nghị quyết 66 là cơ hội để một lần nữa khẳng định về chủ trương giữ nguyên quy hoạch 4 làn xe như hiện nay, thu hẹp quy hoạch thành 2 làn xe. “Việc này cần thiết để có hướng dẫn giải tỏa hoặc tiếp tục ổn định chỗ sinh hoạt của người dân”- đại biểu kiến nghị.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) nhấn mạnh dự án đường Hồ Chí Minh có quy mô rất lớn,  trải dài qua nhiều địa phương sẽ ảnh hưởng đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng đối với đất ở, đất sản xuất của bà con Nhân dân, do vậy đại biểu đề nghị công tác đền bù cần phải thực hiện nghiêm túc, đảm bảo xử lý thỏa đáng, tránh việc để xảy ra khiếu kiện trong công tác giải phóng mặt bằng, gây mất an ninh, trật tự của địa phương.

Sớm duy tu, sửa chữa tuyến hư hỏng

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) chỉ ra, hiện nay nhiều tuyến đường, đoạn đường được đưa vào sử dụng, khai thác đã hư hỏng rất nhiều, chưa kịp thời sửa chữa, thậm chí có những đoạn đường vào mùa mưa sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng tới việc đi lại của bà con. Do vậy, đại biểu đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải cần quan tâm đến việc bố trí kinh phí bảo trì, duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường. Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện dự án ở giai đoạn tiếp theo, đại biểu đề nghị Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chủ đầu tư phải tuân thủ trình tự quy định pháp luật về quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh- quốc phòng; đồng thời có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ trong quá trình triển khai, thực hiện dự án nhằm đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng, hiệu quả và phòng ngừa sai phạm. 

Sớm khắc phục tình trạng chậm trễ trong xây dựng đường Hồ Chí Minh -0
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp.

Nhìn lại quá trình thi công tuyến đường Hồ Chí Minh, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, có nhiều đoạn đường xuống cấp, mặt đường bị hỏng; một số đoạn qua khu dân cư chưa được đầu tư tuyến tránh, nhất là đoạn tránh qua thị trấn, qua thành phố Bắc Kạn. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm dành nguồn lực đầu tư công trung hạn; xây dựng, mở rộng các tuyến đường quốc lộ đi qua địa bàn miền núi khó khăn, các tuyến đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh. Việc làm này nhằm hình thành nhiều chuỗi du lịch có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng là các cụm di tích lịch sử, khu văn hóa, danh lam thắng cảnh. Từ đó phát huy hiệu quả tuyến đường, chấm dứt đầu tư xây dựng đoạn, tuyến tránh trung tâm thành phố và thị trấn, trong đó có tuyến thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông.  

Phương Thuỷ
.
.
.