Số vụ phạm pháp về trật tự xã hội giảm 9,75% trong năm 2022

Thứ Sáu, 09/09/2022, 09:44

Báo cáo của Ủy ban Tư pháp khẳng định, công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm có bước chuyển biến tích cực, trong đó số vụ phạm pháp về trật tự xã hội, số người bị thương và thiệt hại về kinh tế đều giảm.

Phát hiện, xử lý nhiền án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp

Sáng 9/9, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga đã chủ trì Phiên họp toàn thể lần thứ 7, cho ý kiến vào các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 và công tác thi hành án năm 2022; Báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Kiểm sát nhân dân, ngành Tòa án nhân dân năm 2022.

Tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương...

Năm 2022 số vụ phạm pháp về trật tự xã hội giảm 9,75% -0
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp.

Theo Báo cáo một số ý kiến của Tiểu ban I UBTP về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 do Ủy viên Thường trực UBTP Nguyễn Công Long trình bày, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và các bộ, ngành địa phương chủ động nắm tình hình, triển khai nhiều phương án, kế hoạch phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa xã hội... qua đó tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác này.

Các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ phát hiện, xử lý nhanh chóng và nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; việc triển khai Công an xã chính quy trên phạm vi toàn quốc đã góp phần giáo dục, quản lý chặt chẽ hơn nhóm đối tượng có nguy cơ cao phạm tội tại địa bàn cơ sở; chủ động phát hiện và hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, góp phần hạn chế phát sinh tội phạm; công tác quản lý người nghiện ma túy ở ngoài xã hội có mặt chặt chẽ hơn...

Năm 2022 số vụ phạm pháp về trật tự xã hội giảm 9,75% -0
Các đại biểu dự phiên họp.

Kết quả là, tổng số vụ phạm pháp về trật tự xã hội xảy ra 33.693 vụ (giảm 9,75%); số người bị thương là 7.473 (giảm 1,53%); thiệt hại về kinh tế hơn 1,3 triệu tỷ đồng (giảm 18,12%). Một số loại tội phạm giảm so với cùng kỳ, như: phạm tội có tổ chức, hiếp dâm, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, đánh bạc, tổ chức đánh bạc...

Số vụ nhận hối lộ được phát hiện, chứng minh nhiều hơn

Tội phạm về tham nhũng, chức vụ phát hiện 396 vụ, tăng 33,33%, chứng tỏ công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng ngày càng làm quyết liệt, đạt hiệu quả cao hơn. Đáng chú ý là số vụ tham ô tài sản, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ quyền hạn, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ tăng cao. "Đặc biệt, tội nhận hối lộ trước đây thường khó phát hiện, khó chứng minh, nay nhờ sự tăng cường giám sát của nhân dân, sự tích cực của cơ quan chức năng nên số lượng phát hiện nhiều hơn", Uỷ viên Thường trực UBTP nhận định.

Cơ bản đồng tình với những đánh giá của Chính phủ, Tiểu ban I UBTP cho rằng, việc lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để trục lợi đã và đang gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, người dân và xảy ra ở nhiều cấp, ngành, địa phương. Nổi lên là một số vụ án có quy mô, phạm vi đặc biệt lớn, như các vụ án mua bán, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch; thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ các vùng dịch về nước. Đặc biệt, liên quan các vụ việc trên còn có cả những bị can nguyên là cán bộ cấp cao đã lợi dụng chính sách của Nhà nước làm trái quy định để vụ lợi. Như vụ Công ty Việt Á, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an đã khởi tố 26 bị can; Công an 21 địa phương đã khởi tố 24 vụ/63 bị can...

Năm 2022 số vụ phạm pháp về trật tự xã hội giảm 9,75% -0
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long trình bày báo cáo tại phiên họp.

Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ còn nhiều sơ hở dẫn đến một số đối tượng lợi dụng để thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp gây thiệt hại cho hàng nghìn nhà đầu tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường vốn, đến an ninh, tài chính, tiền tệ.

"Vẫn xảy ra tình trạng tiếp tay, nhận hối lộ của một số cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật để làm ngơ cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, xảy ra trong thời gian dài gây bức xúc trong dư luận", Ủy viên Thường trực UBTP nhấn mạnh, điển hình là vụ một số cán bộ của Bộ Tư lệnh Vùng 4 - Cảnh sát biển bị khởi tố về hành vi nhận hối lộ, bảo kê cho chủ doanh nghiệp nhập lậu hơn 198 triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ.

Nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao đạt và vượt

Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực đất đai xảy ra ở nhiều địa phương, chủ yếu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua thành lập pháp nhân để thực hiện dự án chưa được cấp phép, dự án không có thật trên đất nông nghiệp hoặc đất không có quyền sở hữu... sau đó quảng cáo rầm rộ, huy động vốn trái phép; hoặc thông đồng, mua bán qua lại các ô đất, tạo các cơn "sốt đất ảo", thổi giá đất của doanh nghiệp bất động sản, tiềm ẩn nguy cơ bong bóng bất động sản.

Năm 2022 số vụ phạm pháp về trật tự xã hội giảm 9,75% -0
Toàn cảnh phiên họp.

Về công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, báo cáo khẳng định đã đạt nhiều kết quả tích cực và chỉ tiêu của Quốc hội giao như: Đã khám phá nhiều đường dây ma túy với số lượng thu giữ hàng triệu viên ma túy tổng hợp. Nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ lớn được điều tra, xử lý dứt điểm; các vụ trọng án giết người, giết nhiều người được khám phá nhanh, đạt kết quả cao, được sự ủng hộ và đồng tình của nhân dân.

Trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 3,2 triệu vụ, xử phạt hơn 3,4 triệu đối tượng, nộp ngân sách nhà nước gần 3.560 tỷ đồng, qua đó góp phần bảo đảm trật tự an toàn và ổn định xã hội. Thanh tra, Kiểm toán đã phát hiện nhiều vi phạm, kiến nghị thu hồi cho ngân sách Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu hình sự sang Cơ quan điều tra chuyên trách để xử lý theo thẩm quyền.

Công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, hạn chế được nhiều vi phạm trong hoạt động điều tra so với cùng kỳ. Một số chỉ tiêu Quốc hội giao đạt và vượt như: Tỷ lệ khám phá tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đạt 86,57% (án rất nghiêm trọng đạt 94,61%, trong đó án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,45%). Không có tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố bị quá hạn.

Cơ quan điều tra các cấp đã nỗ lực trong việc rà soát các vụ án, các bị can đang tạm đình chỉ điều tra, kết quả đã giảm được 8.320 bị can. Việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả tích cực. Công tác bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú cũng đạt kết quả cao, đã bắt, vận động đầu thú 4.919 đối tượng, trong đó 1.452 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm...

Quỳnh Vinh
.
.
.