Số vụ án nhận hối lộ được phát hiện tăng hơn 312%

Thứ Tư, 13/09/2023, 10:52

Tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng hơn 71% về số vụ, tăng hơn 116% số đối tượng, đặc biệt số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng hơn 312%.

Sáng 13/9, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Dự phiên họp có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng. Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an, đại diện Bộ Công an dự, phát biểu ý kiến.

Giảm 26,92% tội phạm có tổ chức

Trình bày báo cáo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, năm 2023, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp, bảo đảm phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân và đấu tranh có hiệu quả đối với các vi phạm pháp luật và tội phạm.

cường.jpg -0
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường trình bày báo cáo.

Lực lượng Công an đã triển khai nhiều biện pháp để phát hiện, xử lý nhanh chóng những điểm nóng; kịp thời truy bắt các đối tượng khủng bố, chống chính quyền nhân dân; xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; tổng số vụ án được phát hiện tăng so với cùng kỳ. Một số loại tội phạm được kiềm chế và kéo giảm như: số vụ phạm tội có tổ chức giảm 26,92%; số vụ dâm ô với người dưới 16 tuổi giảm 5,62%. Về tình hình an toàn giao thông, giảm cả 3 tiêu chí: số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương. Một số loại tội phạm tăng mạnh, như: giết người; cướp tài sản; cướp giật; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cho vay lãi nặng; gây rối trật tự công cộng...

Công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn một số bất cập, dẫn đến các đối tượng lợi dụng để phạm tội, như: đăng kiểm phương tiện giao thông, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép khai thác khoáng sản, cấp phiếu lý lịch tư pháp,...

Số vụ tham nhũng, chức vụ được phát hiện tăng 71%

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng hơn 71% về số vụ, tăng hơn 116% số đối tượng, đặc biệt số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng hơn 312%. Điều này cho thấy, nhờ quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước, công cuộc chống tham nhũng ngày càng hiệu quả. Bên cạnh đó, kết quả trên cũng thể hiện công tác quản lý Nhà nước, phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế. “Trong các vụ việc trên, nhiều trường hợp liên quan đến người đứng đầu trong cơ quan quản lý Nhà nước đã lợi dụng triệt để những lỗ hổng của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi” Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nêu và cho rằng cần nâng cao hơn nữa hiệu quả kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu, người có thẩm quyền, kiểm soát hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước, bảo đảm khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.

Tỷ lệ điều tra án vượt chỉ tiêu Quốc hội giao

Ủy ban Tư pháp cũng nhấn mạnh, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực và đạt chỉ tiêu Quốc hội giao như: các vụ trọng án giết người, bắt cóc trẻ em, ma túy...

13.jpg -0
Các đại biểu tại phiên họp.

Thanh tra, Kiểm toán đã phát hiện nhiều vi phạm, kiến nghị thu hồi cho ngân sách Nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng, chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu hình sự sang cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, số vụ tội phạm ma túy phát hiện tăng 18,42%; số ma túy tổng hợp thu giữ tăng đặc biệt cao (1.484,19%), cho thấy diễn biến hết sức phức tạp của tội phạm ma túy. Tình trạng sử dụng trái phép ma túy, nhất là ma túy tổng hợp diễn ra ở nhiều địa phương; xuất hiện một số loại ma túy núp bóng thuốc lá điện tử, đồ uống, thực phẩm,... gây tác hại nhiều mặt đến thanh, thiếu niên.

Công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên, một số chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 96 của Quốc hội đã đạt và vượt như: tỷ lệ khám phá tội phạm xâm phạm trật tự xã hội rất nghiêm trọng đạt 92,5%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,65%.

Công tác thanh tra còn nhiều hạn chế

Liên quan đến công tác thanh tra, kiểm toán, Uỷ ban Tư pháp đánh giá, năm 2023, công tác này “có nhiều chuyển biến tích cực”, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội của các ngành, các cấp và việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, Uỷ ban Tư pháp cho rằng công tác thanh tra còn có hạn chế. Cụ thể, việc phát hiện, kiến nghị chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra còn trường hợp chưa kịp thời. 

đ.jpg -0
Các đại biểu tại phiên họp.

Đặc biệt, một số cuộc thanh tra còn vi phạm về trình tự, thủ tục thực hiện, ban hành kết luận thanh tra... gây hậu quả nghiêm trọng. Báo cáo thẩm tra dẫn chứng vụ Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ" do quá trình thanh tra đã báo cáo không chính xác dẫn đến việc giám sát, xử lý, kiểm soát ngân hàng SCB không kịp thời, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng…

Về việc phát hiện, xử lý tham nhũng, cơ quan thẩm tra nhận định công tác này tiếp tục được đẩy mạnh, xử lý toàn diện, nghiêm minh, bảo đảm đồng bộ giữa xử lý cán bộ (thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác) với kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự.

Các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp chặt chẽ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng được tiến hành đồng bộ, quyết liệt ở cả cấp Trung ương và địa phương, đặc biệt là ở cấp tỉnh; đồng thời với việc phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, trọng điểm, dư luận xã hội quan tâm. 

Một số vụ án điển hình được đề cập tại báo cáo là các vụ án: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC); Nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; vụ kít xét nghiệm COVID-19 Việt Á; các vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam...

Cũng theo Uỷ ban Tư pháp, nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng xảy ra rất lâu, từ trước đây cũng đã được khám phá, khởi tố, điều tra để xử lý. Đặc biệt, nhiều đối tượng là lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bị khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng. Điển hình, cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra 2 Thiếu tướng Công an đã nghỉ hưu, 14 cán bộ thanh tra, giám sát của các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và 13 cán bộ thanh tra các địa phương…

Thu Thuỷ
.
.
.