Sẵn sàng cải cách tiền lương vào tháng 7/2022
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ kiên quyết sử dụng nguồn lực để chi cải cách tiền lương vào tháng 7/2022, nếu cần thiết sẽ điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, cắt giảm một số nhiệm vụ chi không cần thiết.
Chiều 17/8, tiếp tục Phiên họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, thẩm tra về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) nêu rõ, qua hơn 4 năm thực hiện, việc áp dụng các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, đặc biệt là kinh phí chi thường xuyên NSNN chủ yếu phân bổ theo tiêu chí biên chế, không gắn với đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, không thực sự khuyến khích việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giảm biên chế hành chính….
Nhiều cơ chế chính sách mới được ban hành, đòi hỏi các tiêu chí, định mức cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời, theo Nghị quyết số 122/2020/QH14, thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017-2020 chỉ kéo dài hết năm 2021. Vì vậy cần thiết phải xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN mới để xác định tỷ lệ điều tiết giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, xây dựng dự toán NSNN giai đoạn 2022-2025.
Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị việc xây dựng định mức phân bổ chi thường xuyên phải phù hợp với khả năng cân đối NSNN năm 2022 và định hướng cả giai đoạn 2022-2025 theo Kế hoạch tài chính 5 năm (2021-2025). Bảo đảm cơ cấu lại chi NSNN giai đoạn 2022-2025 gắn với nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả theo hướng: giảm mạnh tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển trên cơ sở sắp xếp bộ máy quản lý hành chính, áp dụng cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện Đề án cải cách tiền lương, từng bước đổi mới phương thức quản lý NSNN theo kết quả thực hiện nhiệm vụ...
Phát biểu giải trình thêm tại phiên họp về thực hiện cải cách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện ở địa phương còn 252.000 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương còn dư. Vừa rồi Bộ Tài chính nhận được 7 tỉnh đề nghị dùng chống dịch, tuy nhiên thực hiện theo Nghị quyết 23, nguồn này Bộ dứt khoát sử dụng để cải cách tiền lương, còn thực hiện giải pháp khác lấy từ nguồn dự trữ tài chính, nguồn tiết kiệm chi (10% chi thường xuyên, 5% các khoản chi hội họp, tiếp khách, đi công tác nước ngoài, trong nước...) để chi.
"Nếu vẫn chưa đủ thì phải điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, thực hiện cắt giảm một số nhiệm vụ chi không cần thiết. Theo hướng đó, Bộ Tài chính sẵn sàng để thực hiện chính sách cải cách tiền lương vào tháng 7/2022", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.
Cũng liên quan đến nguồn cải cách tiền lương còn dư, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân cho hay, vừa qua Văn phòng Chính phủ cũng như Bộ Tài chính nhận được đề xuất của hơn chục địa phương đề nghị cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi đảm bảo nhiệm vụ chi theo Nghị quyết 27.
"Hiện nay, những tỉnh miền Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương rất khó khăn. Nếu được Chủ tịch Quốc hội đồng ý, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình sang Quốc hội cho phép sử dụng nguồn tiền này thực hiện nhiệm vụ chống dịch COVID-19, chỉ chuyên về chống dịch chứ không được thực hiện nhiệm vụ khác, không được đầu tư", Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị.
Kết lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, UBTVQH thống nhất ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2022 và thời kỳ ổn định mới. Do còn vấn đề cần làm rõ thêm nên UBTVQH chỉ ban hành về nguyên tắc, giao Ủy ban TCNS chủ trì, phối hợp Ủy ban Pháp luật, các Ủy ban của Quốc hội và Bộ Tài chính rà soát, thống nhất các nội dung, hoàn chỉnh Nghị quyết gửi xin UBTVQH trước khi ban hành. Về thời kỳ ổn định ngân sách mới, Chính phủ làm Tờ trình báo cáo Quốc hội quyết định tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) với phương án phù hợp.
UBTVQH đề nghị rà soát và thể hiện trong Nghị quyết về việc đảm bảo nguồn lực để thực hiện các tiêu chí, định mức và thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2022 như Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời dự phòng các rủi ro, việc đảm bảo hợp lý, tương thích tỷ lệ phân chia ngân sách, trình Quốc hội quyết định vào kỳ họp tháng 10/2021.
Tại phiên họp, UBTVQH cũng đã biểu quyết thông qua nguyên tắc, nội dung cơ bản của Nghị quyết. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban TCNS tiếp thu ý kiến của UBTVQH, chủ trì phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ rà soát, thống nhất dự thảo Nghị quyết, xin ý kiến UBTVQH và trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.