“Rafa” và ký ức chuyến thăm đặc biệt của Chủ tịch Fidel Castro tới Việt Nam

Thứ Bảy, 16/09/2023, 07:17

Tròn 50 năm trước, ngày 15/9/1973, một vị khách đặc biệt đã vượt nửa vòng trái đất đến thăm Việt Nam, có mặt tại tiền tuyến Quảng Trị để tận mắt chứng kiến tinh thần chiến đấu anh dũng của người dân Việt Nam trong sự nghiệp thống nhất đất nước.

Đó là Chủ tịch Cuba Fidel Castro - vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Cuba. Ông là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất tới thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam khi chiến tranh chưa kết thúc.

Chuyến thăm lịch sử

Trong chuyến thăm Quảng Trị kéo dài hai ngày 15 và 16/9/1973 của Chủ tịch Fidel, có một người luôn sát bên ông để phiên dịch trực tiếp, cũng là người có vinh dự được phiên dịch cho Chủ tịch Fidel nhiều lần mỗi khi ông sang thăm Việt Nam hoặc đoàn cấp cao Việt Nam thăm Cuba. Đó là ông Nguyễn Đình Bin, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao.

1.png -0
Ông Nguyễn Đình Bin và lãnh tụ Cuba Fidel Castro.

Chúng tôi đến thăm nhà riêng của nguyên Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin vào một buổi chiều Hà Nội mưa tầm tã. Trong căn phòng khách ấm cúng của gia đình, những kí ức khó quên nửa thế kỉ trước ào về khi ông Bin sôi nổi kể chuyện bằng chất giọng hào sảng với trí nhớ mẫn tiệp.

Ngày 12/9/1973, lãnh tụ Fidel Castro lần đầu tiên đặt chân tới Việt Nam. Ông Nguyễn Đình Bin - khi đó đang là cán bộ chuyên trách phụ trách quan hệ Việt Nam với Cuba ở Bộ Ngoại giao được tham gia công tác tổ chức tiếp đón Chủ tịch Fidel ngay từ đầu. Ông được chỉ định làm phiên dịch cho Chủ tịch Fidel suốt chuyến thăm, từ lúc đón đến lúc tiễn ở sân bay Gia Lâm. Chương trình thăm dài ngày, gồm nhiều nơi, cả Điện Biên Phủ, Quảng Ninh, Hải Phòng. Nhưng bất ngờ xảy ra cuộc đảo chính ở Chile, khiến Fidel phải cắt ngắn chuyến đi, trở về nước sớm hơn kế hoạch.

"Chủ tịch Fidel nêu mong muốn thăm Quảng Trị ngay từ đầu. Lãnh đạo ta rất ngần ngại, vì lý do an ninh. Bởi thời điểm đó ở Quảng Trị bom mìn còn dày đặc. Địch ở cách Cam Lộ chỉ hơn chục cây số. Nhưng trước quyết tâm, ý chí của Fidel, lãnh đạo ta đành phải chấp nhận. Theo chương trình, ngày 14/9 sẽ bay vào Đồng Hới, rồi đi ôtô đến Vĩnh Linh, để sáng sớm ngày 15/9 sẽ vượt qua Hiền Lương vào Quảng Trị. Tuy nhiên, sáng 14/9 có một sự cố xảy ra: một cơn bão ở biển Đông có nguy cơ ảnh hưởng đến chuyến bay từ Hà Nội vào Đồng Hới, vì lúc đó chỉ dùng loại máy bay nhỏ của Nga. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thẳng nhà khách thông báo tin này với Chủ tịch Fidel, tỏ ý rất lo ngại. Sau khi nghe chuyên gia của Nha Khí tượng đi cùng báo cáo tình hình cụ thể, Fidel vẫn quyết tâm đi. Vậy là chuyến đi vẫn diễn ra. Chuyến bay vào Đồng Hới hạ cánh an toàn", ông Bin nhớ lại.

Từ Đồng Hới, Chủ tịch Fidel ngồi ôtô đến Vĩnh Linh. Buổi tối đó, lãnh đạo Đặc khu Vĩnh Linh tiếp đón, chiêu đãi Fidel. Sáng sớm 15/9, Chủ tịch vượt cầu Hiền Lương sang Quảng Trị. Thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời, Bộ trưởng Quốc phòng, Trung tướng Trần Nam Trung và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đón Fidel và đoàn đi thăm Đông Hà, nơi còn đầy di tích chiến tranh tàn phá. Sau đó, đi dọc đường 9, nơi đã diễn ra những trận quyết liệt, rồi thăm Đồi 241. Cuộc mít tinh lớn chào mừng Fidel và đoàn Cuba được tổ chức ở đó. Chính phủ Cách mạng lâm thời tiếp đón chính thức ở Trụ sở tại Cam Lộ. Trong suốt chuyến đi, Chủ tịch Fidel xông xáo, uy phong, khi gặp mặt các chiến sĩ và nhân dân ta thì lại rất thân tình.

Người mang tên "Rafa"

Năm 1963, ông Nguyễn Đình Bin có mặt trong đoàn du học sinh Việt Nam sang Cuba học tại Đại học La Habana. Trước khi vào học chuyên ngành, ông trải qua chín tháng học tiếng Tây Ban Nha. Ở lớp học tiếng, ông được đặt tên Cuba là "Rafael". Ông kể lại: "Sau khi học tiếng, tôi định đăng ký vào ngành kiến trúc, nhưng theo "gợi ý" của Sứ quán, tôi vào học khoa Văn học - Nghệ thuật vì tôi là người có kết quả học tập ngôn ngữ tốt nhất. Thời kỳ đó Mỹ bắt đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc và đưa quân trực tiếp xâm lược miền Nam. Công tác ngoại giao phát triển. Ngay từ khi tôi còn học năm thứ nhất, Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba đã yêu cầu tôi phục vụ công tác dịch thuật, đi dịch cho đại sứ, cho các đoàn Việt Nam sang thăm Cuba. Do mối quan hệ đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Cuba mà phía bạn mời nhiều đoàn Việt Nam sang thăm. Fidel dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam, hay tiếp đoàn ta. Chính vì vậy tôi đã được dịch nhiều lần cho ông và quen biết ông".

Vậy là cậu sinh viên Nguyễn Đình Bin vừa học vừa làm, sau đó trở thành cán bộ Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cuba. "Dường như mối duyên với công việc phiên dịch, với công tác ngoại giao ấn định từ ngày ấy. Và cũng nhờ công việc phiên dịch mà tôi được gặp Chủ tịch Fidel", ông Bin đúc kết.

“Rafa” và ký ức chuyến thăm đặc biệt của Chủ tịch Fidel Castro tới Việt Nam -0
Ông Nguyễn Đình Bin trò chuyện với phóng viên Báo CAND tại nhà riêng ngày 14/9/2023.

Một dấu ấn đáng nhớ của ông Nguyễn Đình Bin là lần đầu tiên phiên dịch cho Chủ tịch Fidel từ khi còn là sinh viên. Đó là ngày 2/9/1966, Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba tổ chức tiệc chiêu đãi nhân dịp Quốc khánh. Cuộc gặp gỡ ấy, ông Bin đã để lại ấn tượng, gây được cảm tình của Chủ tịch Fidel. Buổi gặp mặt hôm đó diễn ra rất thân tình. Và ông Bin rất bình tĩnh, tự tin, đã chuyển tải được đầy đủ, trung thành cuộc chuyện trò của Chủ tịch với Đại sứ.

"Fidel đã chủ động hỏi tên tôi. Tôi trả lời là "Rafael". Từ đó, ông nhớ tên tôi, và luôn gọi tôi một cách thân mật là Rafa", ông Bin xúc động nhắc lại một kỉ niệm với Chủ tịch Fidel.

Cuối năm 1970, sau 7 năm ở Cuba học và làm việc liên tục, ông Bin mới quay trở về Việt Nam, là cán bộ chuyên trách phụ trách quan hệ Việt Nam với Cuba ở Bộ Ngoại giao. Đến tháng 9/1973, Chủ tịch Fidel đến thăm Việt Nam lần đầu tiên. "Điều làm tôi bất ngờ và vô cùng xúc động là khi nhìn thấy tôi, Chủ tịch đã bắt tay tôi và thốt lên: "Rafa!". Tôi không nghĩ rằng tôi đã rời Cuba về nước gần 3 năm mà Chủ tịch vẫn nhớ tôi, nhớ cả tên của tôi. Và trong chuyến thăm Việt Nam năm ấy, vào những lúc thuận tiện, Chủ tịch hỏi thăm sức khoẻ và hoàn cảnh gia đình của tôi", ông Bin chia sẻ trong sự xúc động.

Chủ tịch Fidel Castro trong cảm nhận của nguyên Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Cuba mà còn là một chiến sĩ quốc tế, hào sảng, nghĩa hiệp, đồng thời cũng rất nhân hậu, giản dị. Điều này đã thể hiện rất rõ trong tình hữu nghị, sự ủng hộ, tình đoàn kết quốc tế hết sức trong sáng, khảng khái của Fidel và Cuba đối với Việt Nam cũng như nhiều dân tộc anh em khác ở châu Phi và Mỹ Latinh.

Trong kí ức của ông Bin, không thể nhớ bao nhiêu lần ông được vinh dự gặp và phiên dịch cho Chủ tịch Fidel. Chủ tịch Fidel được biết đến là một nhà diễn thuyết tài ba, có trí nhớ siêu phàm, am hiểu nhiều lĩnh vực và thường "nói vo" trong nhiều giờ đồng hồ. Do vậy, dịch trực tiếp cho Chủ tịch là nhiệm vụ không đơn giản. Phải nắm vững ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Tây Ban Nha. Phải có hiểu biết của bản thân về các vấn đề lịch sử, chính trị, văn hoá trên thế giới của Việt Nam và Cuba. Trí nhớ tốt, sự  tập trung cao độ cũng là yếu tố quan trọng. Và để nắm bắt được thật nhanh ý tứ, nội dung Chủ tịch nói thì phải có độ "nhanh" và "nhạy".

"Nhưng vượt lên những điều đó, chính tình cảm nồng hậu, thân tình của Chủ tịch dành cho nhân dân Việt Nam đã khiến tôi cảm động, vui sướng và yêu kính Chủ tịch. Tôi luôn có cảm nhận được rằng Chủ tịch dành tình cảm cho tôi không giống như một vị nguyên thủ dành cho người phiên dịch bình thường, mà là sự quan tâm, hỏi han như với một người thân trong gia đình. Điều đó khiến tôi luôn thấy tự tin để phiên dịch một cách tốt nhất", ông Bin cho biết.

Huyền Châm
.
.
.