Quyết liệt đảm bảo ATGT 3 tháng cuối năm 2021

Thứ Sáu, 15/10/2021, 18:41

Chiều 15/10, tại trụ sở Chính phủ, đồng chí Phạm Bình Minh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch UBATGT Quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo TTATGT 9 tháng đầu năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ quý IV/2021.

 

Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Thể, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự Hội nghị tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh; đại diện các bộ, ngành chức năng.

TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí

Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng trình bày Báo cáo sơ kết công tác đảm bảo TTATGT 9 tháng đầu năm 2021 cho biết, toàn quốc xảy ra 8.161 vụ TNGT, làm 4.175 người chết, 5.645 người bị thương, giảm 2.527 vụ (giảm 23,64%); số người chết giảm 817 người (giảm 16,37%), số người bị thương giảm 2,527 người (giảm 28,38%), ùn tắc giao thông trên các tuyến trục chính ra vào Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính trước khi đợt dịch COVID -19 bùng phát cơ bản được kiểm soát.

Nguyên nhân do dịch COVID -19 nên nhiều địa phương thực hiện giãn cách; thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch nên lượng phương tiện giảm. Bên cạnh đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao, kịp thời vào cuộc nghiêm túc các giải pháp đảm bảo ATGT. “Lực lượng Công an thực hiện hiệu quả công tác TTKS, xử lý vi phạm về TTATGT gắn với phòng, chống dịch COVID -19, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng CSGT triển khai 3 đợt xử lý vi phạm theo các chuyên đề, đặc biệt là xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma tuý; đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào công tác bảo đảm TTATGT, tăng cường xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án đảm bảo TTATGT và ùn tắc giao thông phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương, từng thời điểm. Đặc biệt, việc tổ chức hệ thống kiểm dịch với sự tham gia của lực lượng CSGT đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT và phòng chống dịch COVID -19” – đồng chí Khuất Việt Hùng cho biết.

Mặc dù TNGT giảm sâu nhưng vẫn còn 9 địa phương có số người chết tăng. Uỷ ban ATGT Quốc gia cho rằng, việc giảm TNGT vừa qua là chưa bền vững vì có nguyên nhân chính là do giãn cách xã hội nên việc đi lại, tham gia giao thông của người dân bị hạn chế.

Gia tăng tình trạng chống người thi hành công vụ

Báo cáo của Uỷ ban ATGT quốc gia nêu rõ, trong 9 tháng đầu năm 2021, tình trạng chống người thi hành công vụ và đua xe trái phép gia tăng. Cụ thể, cả nước xảy ra 41 vụ chống người thi hành công vụ làm 9 cán bộ Công an bị thương; lực lượng CSGT đã phối hợp với các lực lượng khác bắt giữ 43 đối tượng bàn giao cho các cơ quan chức năng xử lý. Trong đó, riêng các chốt kiểm soát COVID -19 đã xảy ra 7 vụ chống người thi hành công vụ, làm 3 đồng chí bị thương. Lực lượng Công an đã phát hiện 498 vụ thanh thiếu niên tụ tập thành đoàn, chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, có dấu hiệu đua xe trái phép, gây rối TTCC. Công an các địa phương đã bắt giữ 3.035 đối tượng, tạm giữ 2.753 phương tiện; khởi tố 9 vụ, 62 đối tượng, xử lý hành chính 489 vụ với 2.989 đối tượng.

Bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương đã điều tra, khởi tố 3.523 vụ với 3.495 bị can vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông.

Hà Nội kiến nghị vận hành tuyến đường sắt Cát Linh

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng, Hà Nội giảm TNGT cả 3 tiêu chí là do có sự đóng góp của lực lượng Công an và các đơn vị chức năng trong việc sử dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền, đảm bảo ATGT; Công an TP Hà Nội đã tăng cường TTKS, phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, ma tuý; đã xử lý phạt nguội có hiệu quả… “Chúng tôi đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và các đơn vị chức năng sớm nghiệm thu để vận hành đường sắt Cát Linh đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giảm tải cho hạ tầng vận tải”- Phó Chủ tịch TP Hà Nội kiến nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Mai Xuân Liêm chia sẻ kinh nghiệm xử lý xe quá tải trên địa bàn. Cụ thể, tại các cảng, mỏ vật liệu – nơi tiềm ẩn việc vận chuyển hàng quá tải, CSGT và Thanh tra giao thông tổ chức tuyên truyền và ký cam kết; Công an các huyện ký cam kết đối với các hộ cá nhân kinh doanh vận tải; CSGT và Thanh tra giao thông có kế hoạch kiểm soát trọng tải tại các điểm mỏ, các vị trí thích hợp; gắn trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền với đảm bảo ATGT.  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, đối với các vi phạm qua tin báo tố giác tội phạm, lực lượng Công an xử lý rất kịp thời, đúng người, đúng hành vi, được người dân tin tưởng.

Giải thích về việc tăng TNGT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến cho rằng, nguyên nhân là do phát triển kinh tế nên việc tham gia giao thông, đặc biệt là vận tải hàng hoá tăng, dẫn đến TNGT tăng; kiến nghị xây dựng cơ sở hạ tầng để đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hoá, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho rằng, lý do phát triển kinh tế dẫn đến TNGT tăng của Quảng Trị là chưa thoả đáng, yêu cầu Uỷ ban ATGT tỉnh Quảng Trị cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường TTKS, xử lý vi phạm; giải quyết các điểm đen… “Cơ sở hạ tầng chỉ là một vấn đề, quan trọng là Quảng Trị cần đánh giá kỹ nguyên nhân, đưa ra giải pháp quyết liệt mới có thể giảm được tai nạn” – Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT cho biết, lực lượng CSGT toàn quốc đã bố trí 2.962 chốt, với 4.734 CBCS thực hiện nhiệm vụ kiểm soát dịch trên các tuyến Quốc lộ trọng điểm, khoảng 5.000 chốt, với hơn 20.000 lượt CBCS tham gia các chốt tại cơ sở để phân luồng, hướng dẫn giao thông.

Tại các chốt kiểm dịch, lực lượng CSGT đã được tin tưởng giao trọng trách là Tổ trưởng, chịu trách nhiệm điều hành, chỉ đạo chung, điều đó đã khẳng định được trách nhiệm rất lớn của lực lượng CSGT, luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an biểu dương, đánh giá là lực lượng tuyến đầu của tuyến đầu. Tại Hội nghị, nhiều địa phương, đơn vị chức năng cũng báo cáo công tác đảm bảo ATGT, kinh nghiệm, biện pháp kéo giảm tai nạn, bài học trong tổ chức đón người dân về quê; phân tích khó khăn, vướng mức và giải pháp đảm bảo ATGT trong thời gian tới.

Cần có giải pháp quyết liệt hơn

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết: “TNGT 9 tháng đầu năm giảm là dấu hiệu đáng mừng nhưng vẫn rất đáng lo ngại vì những tháng cuối năm khi chúng ta thực hiện “bình thường mới”, nhu cầu vận tải hàng hoá, tham gia giao thông tăng thì nguy cơ TNGT tăng là rất có thể” 

Về giải pháp đảm bảo ATGT trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho rằng, các bộ ngành, địa phương phải hết sức quyết liệt, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật; nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; tăng cường TTKS, xử lý vi phạm; nâng cao ý thức người tham gia giao thông. “ Mới chỉ 2-3 tháng giãn cách, tôi thấy ý thức 1 số người tham gia giao thông đã thay đổi nhiều, tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ khá phổ biến. Vì vậy, cần tăng cường TTKS, xử lý vi phạm, tăng cường phạt nguội, tạo ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông” – Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Uỷ ban ATGT Quốc gia phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Quyết định 2060 Chiến lược quốc gia bảo đảm TTATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát thúc đẩy các biện pháp đảm bảo ATGT; triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Yêu cầu Bộ Công an tổng hợp thực hiện kết luận 45 của Bộ Chính trị; Tổ chức tổng kết báo cáo kế hoạch về tăng cường về TTKS xử lý nồng độ cồn, ma tuý; tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch TTKS xử lý vi phạm…

Phó Thủ tướng Thường trưc Chính phủ Phạm Bình Minh cũng yêu cầu cụ thể, các bộ, ngành địa phương thực hiện các giải pháp đảm bảo ATGT các tháng cuối năm…

 

Phương Thủy
.
.
.