Quyền của người dân và trách nhiệm các cơ quan chức năng khi bỏ sổ hộ khẩu giấy như thế nào?
Ngày 28/12, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an cho biết: Từ ngày 1/1/2023 thực hiện Luật Cư trú 2020, người dân, các cơ quan chức năng giải quyết thủ tục hành chính phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đối với người dân cần có CCCD gắn chip
Người dân sử dụng CCCD gắn chip là một loại giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin cá nhân, nơi thường trú khi làm các thủ tục hành chính. Bởi thế, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin đã có trên CCCD gắn chip.
Trên mặt thẻ CCCD thể hiện các thông tin cơ bản về: số CCCD (chính là số định danh cá nhân); họ, chữ đệm và tên khai sinh; ảnh chân dung; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; quê quán; nơi thường trú; ngày thẻ hết hạn; vân tay; ngày cấp thẻ; đặc điểm nhân dạng...
Bộ Công an đề nghị người từ đủ 14 tuổi trở lên cần sớm làm CCCD gắn chip để thuận tiện trong các giao dịch. Hiện có trên 76 triệu Căn cước công dân đã được cấp.
Xin giấy xác nhận thông tin về cư trú
Khi sổ hộ khẩu giấy không còn, người dân có thể sử dụng Giấy xác nhận thông tin về cư trú để thay thế trong các trường hợp cần xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin cư trú. Trên giấy này sẽ có thông tin về thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú.
Người dân đến công an xã, phường, thị trấn; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... để đề nghị cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú.
Gửi yêu cầu xác nhận thông tin cư trú qua Cổng dịch vụ công của Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú hay Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đăng ký tài khoản định danh điện tử
Tài khoản định danh điện tử có 2 mức độ. Mức độ 1 gồm những thông tin cá nhân và ảnh chân dung và người dân dùng được một số tính năng cơ bản như thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng...
Với mức độ 2, tài khoản định danh có thêm thông tin về sinh trắc học của công dân (vân tay). Ngoài những tiện ích ở mức độ 1, ở đây người dân được sử dụng tất cả tiện ích đã tích hợp, gồm các loại giấy như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế, thanh toán nhiều loại hóa đơn điện tử (điện, nước, chuyển tiền...).
Đặc biệt, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của công dân Việt Nam có giá trị tương đương CCCD gắn chip.
Khi đã có tài khoản định danh điện tử, người dân có thể xuất trình thông tin định danh, thông qua ứng dụng VNeID, để chứng minh nhân thân, thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Đối với các bộ, ngành, cơ quan chức năng
Từ ngày 1/1/2023, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành, khai thác, sử dụng thông tin về cư trú, cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân hiển thị trong ứng dụng VneID; Sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chíp trên thẻ CCCD gắn chíp; Các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Trường hợp không thể khai thác được thông tin về cư trú của công dân, có thể sử dụng những giấy tờ khác như: Thẻ CCCD, CMND, Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương phải đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hạ tầng về hệ thống đảm bảo an ninh, an toàn về thông tin; phối hợp với Bộ Công an triển khai thực hiện các giải pháp kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để ứng dụng giải quyết các thủ tục hành chính, công tác chuyên môn.