Quy hoạch TP Hồ Chí Minh: Thúc đẩy kinh tế xanh, đô thị sáng tạo, thông minh

Thứ Tư, 12/06/2024, 12:52

Sáng 12/6, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã diễn ra phiên họp của Hội đồng Thẩm định Quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt của cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới; là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; là đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Thành phố chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số 9,2 triệu người, chiếm khoảng 9% dân số cả nước, nhưng đóng góp gần 20% GDP và 25% thu ngân sách cả nước; GRDP của thành phố chiếm khoảng 54% GRDP của vùng Đông Nam Bộ.

Trong thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Tiềm năng, thế mạnh, năng lực đột phá, sáng tạo của thành phố chưa được khai thác hiệu quả; mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế của thành phố chậm đổi mới; tổ chức không gian phát triển còn nhiều bất cập; kết cấu hạ tầng đô thị bị quá tải so với sự gia tăng nhanh của dân số; công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị còn nhiều hạn chế...

Quy hoạch TP Hồ Chí Minh: Thúc đẩy kinh tế xanh, đô thị sáng tạo -0
Đông đảo nhà quản lý, chuyên gia tham dự Hội nghị thẩm định Quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt sẽ là căn cứ quan trọng để địa phương triển khai việc xúc tiến, thu hút đầu tư các chương trình, dự án, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Về dự thảo Báo cáo quy hoạch TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành viên trong Hội đồng thẩm định cho ý kiến, đánh giá vị thế, vai trò của thành phố đối với vùng, quốc gia.  Xác định các “điểm nghẽn” phát triển và tiềm năng, lợi thế, cơ hội của thành phố trong kỳ quy hoạch; lưu ý về phương án phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật để giải quyết ùn tắc giao thông, ngập lụt, ô nhiễm môi trường; bố trí không gian phát triển các khu công nghiệp; giải quyết điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực...

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, dự thảo Báo cáo quy hoạch tập trung thể hiện rõ các định hướng phát triển của thành phố trên 5 nội dung: Kinh tế xanh; đô thị sáng tạo; hạ tầng thông minh; xã hội văn minh; môi trường bền vững. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu trở thành đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo; là thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh và số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước; là thành phố có chất lượng cuộc sống cao, giàu bản sắc, môi trường bền vững, thích ứng với biển đổi khí hậu.

Quy hoạch TP Hồ Chí Minh: Thúc đẩy kinh tế xanh, đô thị sáng tạo -0
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. 

Tầm nhìn đến năm 2050, TP Hồ Chí Minh là đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước.

Tầm nhìn này được hiện thực hóa bằng 5 chiến lược, 10 giải pháp, với 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá.

Theo Dự thảo Báo cáo Quy hoạch TP Hồ Chí Minh, dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ cần khoảng 2,23 triệu tỷ đồng vốn đầu tư; giai đoạn 2026 - 2030 với sự phát triển mạnh mẽ sẽ cần hơn 4,2 triệu tỷ đồng (tương ứng 6,4 triệu tỷ đồng cho cả thời kỳ 2021 - 2030).

Thành phố sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để đẩy mạnh thực hiện các công trình, dự án hiện đang chậm tiến độ, có kế hoạch chi tiết triển khai danh mục các công trình trọng điểm, mang tính động lực đảm bảo tính đồng bộ.

Đồng thời, thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các nguồn vốn đầu tư trong nước và quốc tế; tăng cường áp dụng các hình thức PPP trong đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng.

Thành phố sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, quản trị hiện đại; công khai, minh bạch các thông tin về cơ hội đầu tư, đảm bảo công bằng trong việc lựa chọn nhà đầu tư; thu hút tối đa nguồn lực của khu vực tư nhân; đẩy mạnh hợp tác công - tư (PPP).

“Với những nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch; bước đầu TP Hồ Chí Minh cũng đã có kết quả tương đối tốt thể hiện ở dự thảo Báo cáo quy hoạch thành phố cơ bản bám sát, đảm bảo phù hợp về mặt định hướng trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050...”, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho hay.

Chủ tịch TP Hồ Chí Minh mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia phản biện để cùng nhau hoàn thiện hơn nữa hồ sơ quy hoạch TP Hồ Chí Minh.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia phản biện đã đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị để hoàn thiện hơn nữa hồ sơ quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Lưu Hiệp
.
.
.