Quy chuẩn 06 về PCCC ảnh hưởng đến lao động, sản xuất, gây phản ứng gay gắt
Sáng 9/8, Trung tướng Lê Tấn Tới, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội đã chủ trì Phiên họp giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 99 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020 - 2022" đối với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tham dự phiên họp có các đồng chí Phó Chủ nhiệm, Uỷ viên Thường trực, Uỷ viên UBQPAN; đại diện các Uỷ ban của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới, Trưởng đoàn giám sát đề nghị các đại biểu nghiên cứu, tham gia ý kiến, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), đồng thời đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và hoàn thiện chính sách về PCCC.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng đánh giá cao kết quả nghiên cứu khoa học của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) khi quan tâm việc sản xuất những phương tiện nhỏ để PCCC vì đặc điểm đô thị của chúng ta nhiều ngõ nhỏ, hẹp. Tuy nhiên, qua giám sát ông chưa thấy địa phương nào nhắc đến các sản phẩm này, trong khi ở Tiền Giang, Bình Dương thường sử dụng xe ba gác để chữa cháy trong ngõ nhỏ. "Chứng tỏ họ chưa tiếp cận được đề tài của Bộ cũng như chúng ta chưa thương mại hoá được những sản phẩm này", ông nói và đề nghị Bộ cần hiện thực hoá vấn đề này, bởi nếu đề tài hiệu quả nhưng không được sử dụng đến thì rất lãng phí.
Liên quan Bộ Giao thông vận tải (GTVT), ĐBQH Nguyễn Hải Dũng cho rằng, lĩnh vực của Bộ quản lý xảy ra rất nhiều vụ cháy nhưng báo cáo chỉ nêu 6 vụ hàng không, 1 vụ đường thuỷ, 5 vụ hàng hải, 3 vụ đường sắt. "Riêng ở Tiền Giang đã có 2 vụ cháy tàu rồi, mà nguyên nhân do chập điện, đây là nguyên nhân kỹ thuật, đề nghị Bộ quan tâm thống kê đầy đủ", đại biểu đề nghị.
Về vấn đề cháy xe ô tô, đại biểu cho rằng, nhiều xe bốc cháy trên cao tốc là cháy ngùn ngụt hết cả xe, dù có trang bị bình cũng không thể PCCC, và chỉ là "chữa phần ngọn chứ không phải chữa phần gốc". "Cái gốc ở đây có thể là do nhiên liệu, hoặc việc thay đổi hệ thống dây điện, lắp thêm đèn led không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật", ông chỉ rõ.
Đồng quan điểm, Đại tá Vũ Huy Khánh, Uỷ viên Thường trực UBQPAN đề nghị báo cáo của Bộ GTVT cần làm rõ bao nhiêu xe ô tô do lắp thêm đèn đóm dẫn đến cháy nổ, từ thực tế đó gia cố thêm kiến nghị, đề xuất về thể chế thì sẽ sinh động, có giá trị hơn. "Báo cáo đánh giá, phân tích nhiều hạn chế nhưng đưa ra kiến nghị còn khiêm tốn. Tình trạng phương tiện đường bộ, đường thuỷ nội địa cháy khá phổ biến nhưng báo cáo cho thấy một bức tranh rất êm", đại biểu nêu.
Đánh giá báo cáo của Bộ GTVT rất sơ sài, đặc biệt khi lĩnh vực giao thông nguy cơ cháy nổ không phải là ít, nhiều công trình lớn như nhà ga, cảng hàng không, sân bay, tàu thuỷ, đường sắt, các phương tiện giao thông... đều có nguy cơ cháy nổ bất cứ lúc nào, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Uỷ viên Thường trực UBQPAN đề nghị Bộ bám sát đề cương của Đoàn giám sát, chuẩn bị đầy đủ thông tin, gia cố thêm số liệu. "Báo cáo của Bộ GTVT không thống kê các số liệu, chứ các cảng lớn cháy rất nhiều. Trên biển, cơ bản ngày nào cũng có cháy, Cảnh sát biển tham gia chữa cháy, lai dắt các tàu liên tục", Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam khẳng định.
Liên quan Bộ KH&CN, Uỷ viên Thường trực UBQPAN Nguyễn Thị Xuân đề cập đến Quy chuẩn 06 của Bộ Xây dựng về an toàn cháy cho nhà và công trình và cho biết, qua giám sát tại một số địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, nhiều doanh nghiệp phản ứng gay gắt về các bất cập, hạn chế, rào cản liên quan đến phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đánh giá Quy chuẩn 06 "tuổi thọ" ngắn, gây khó khăn cho doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp nguy cơ ngừng việc hoặc giải thể, Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, Uỷ viên Thường trực UBQPAN đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ KH&CN trong việc phối hợp các bộ, ngành hướng dẫn, triển khai.
Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm UBQPAN cho rằng, mục tiêu của chúng ta khi thực hiện giám sát là đảm bảo tuyệt đối an toàn về PCCC, bảo vệ tính mạng, tài sản, sức khoẻ của con người. Các đơn vị khi bắt tay vào làm rất năng nổ, nhưng còn thiếu tính thực tế. Ông đề nghị Bộ KH&CN phải có hướng dẫn về quy chuẩn gắn với tính đặc thù của địa phương.
"Ví dụ, Quy chuẩn 06 yêu cầu các nhà chuyển đổi công năng phải có lối thoát hiểm, thang thoát hiểm theo đúng quy cách, quy chuẩn, cửa ra vào phải đảm bảo chống cháy. Tất cả nhà khoa học đều nói, cửa inox là chống cháy được, nhưng quy chuẩn quy định lại không rõ ràng; ông tham vấn, thiết kế không ràng buộc trách nhiệm pháp lý nên lại "vẽ" ra loại sơn chống cháy. Người thực hiện không hiểu 4 bậc chịu lửa theo quy định PCCC nên mua về sơn thì khi thẩm định hoá ra cửa chịu lửa bậc 2 mà sơn chỉ bậc 1, không đạt, lại quay về...", đại biểu phân tích.
Dẫn số liệu TP Móng Cái (Quảng Ninh) có 1.200 cơ sở trong diện phải điều chỉnh theo Quy chuẩn 06, Phó Chủ nhiệm UBQPAN cho biết, đã có khoảng 500 cơ sở có thể chuyển đổi loại hình, còn 700 cơ sở hoàn toàn không thể khắc phục được. Người dân, doanh nghiệp đầu tư rất nhiều tiền. Vấn đề đặt ra là họ phải chuyển đổi loại hình, không kinh doanh, không lợi nhuận, không đóng thuế cho Nhà nước, ảnh hưởng đến lao động sản xuất, thu nhập, việc làm của người dân, gây ách tắc...