Quốc hội thông qua Luật Xuất cảnh - Nhập cảnh với số phiếu rất cao
Chính sách về thị thực điện tử, kéo dài thời hạn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam sẽ tạo điều kiện, thúc đẩy, thu hút du lịch, đầu tư, hợp tác kinh doanh và nghiên cứu khoa học.
Sáng 24/6, với số phiếu đồng ý gần như tuyệt đối 470/475 đại biểu Quốc hội tham gia bỏ phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có 3 Điều, có hiệu lực từ ngày 15/8/2023.
Trước khi thông qua dự án luật, Quốc hội đã nghe Trung tướng Lê Tấn Tới, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (QP &AN) của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Phát huy hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh
Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết, về sự cần thiết ban hành luật, UBTVQH cho rằng, việc thực hiện các thủ tục về quản lý xuất nhập cảnh bằng các phương pháp truyền thống không còn phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện dịch vụ công hiện nay. Do vậy, việc quy định cho phép các hoạt động này được tiến hành trên môi trường điện tử sẽ phát huy hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người Việt Nam và người nước ngoài.
Bên cạnh đó, chính sách mở cửa, thông thoáng về thủ tục, chính sách về thị thực điện tử, kéo dài thời hạn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam sẽ tạo điều kiện, thúc đẩy, thu hút du lịch, đầu tư, hợp tác kinh doanh và nghiên cứu khoa học. Đây là những động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế của đất nước trong giai đoạn hiện nay và tương lai.
Để đảm bảo yêu cầu công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, dự thảo luật đã bổ sung quy định nghĩa vụ của người nước ngoài và trách nhiệm của cơ sở lưu trú, cơ quan, tổ chức, cá nhân khi nhập cảnh, thực hiện các hoạt động tại Việt Nam.
Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BCA ngày 5/01/2020 về phân công trách nhiệm trong công tác quản lý người nước ngoài, trong đó, đã quy định phân cấp, phân quyền cụ thể cho các địa phương nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo đảm giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Dự thảo luật phù hợp với chủ trương của Đảng về đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và định hướng phát triển du lịch; phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm thống nhất với Luật Du lịch năm 2017…
Nâng thời hạn thị thực điện tử lên đến 90 ngày, có giá trị một hoặc nhiều lần
Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo luật đã nâng thời hạn thị thực điện tử lên đến 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư, nhất là các trường hợp có nhu cầu đi đến nhiều nước trong khu vực và quay lại Việt Nam để đánh giá, so sánh về khả năng mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, việc này cũng phù hợp với thời gian lưu trú đối với người nước ngoài chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại, người chào bán dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng như cam kết của Việt Nam tại các Hiệp định FTA.
Bên cạnh đó, do việc cấp thị thực điện tử được thực hiện qua xét duyệt nhân sự trước, nên so với đơn phương miễn thị thực, việc cấp thị thực điện tử sẽ giúp cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sàng lọc đối với nhóm người chưa đủ điều kiện
Cấp hộ chiếu tại trụ sở hoặc trên môi trường điện tử
Quốc hội nhất trí việc đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông được thực hiện tại trụ sở Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh hoặc trên môi trường điện tử tại cổng dịch vụ công quốc gia hoặc cổng dịch vụ công của Bộ Công an.
Theo đó, người đề nghị cấp hộ chiếu nộp tờ khai theo mẫu đã điền đầy đủ thông tin, 2 ảnh chân dung, giấy tờ liên quan quy định và xuất trình hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Trường hợp không có hộ chiếu Việt Nam, giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp thì xuất trình giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ làm căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch.
Giấy tờ liên quan đến việc cấp hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài bao gồm: hộ chiếu phổ thông cấp lần gần nhất còn giá trị sử dụng đối với người đã được cấp hộ chiếu; trường hợp hộ chiếu bị mất phải kèm đơn báo mất hoặc thông báo về việc đã tiếp nhận đơn của cơ quan có thẩm quyền; bản chụp CMND hoặc CCCD hoặc giấy tờ khác có liên quan do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất; bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi (trường hợp không có bản sao giấy khai sinh, trích lục khai sinh thì nộp bản chụp và xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu); bản sao giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp chứng minh người đại diện hợp pháp đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi (trường hợp không có bản sao thì nộp bản chụp và xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu).
Đặc biệt, Quốc hội đã nhất trí đối với trường hợp vì lý do nhân đạo, khẩn cấp, nếu cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có đủ cơ sở xác định nhân thân, quốc tịch của người đề nghị cấp hộ chiếu, trong thời hạn 2 ngày làm việc, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thể xem xét cấp hộ chiếu.
Cơ sở có người nước ngoài tạm trú ở Việt Nam có trách nhiệm khai báo tạm trú với Công an xã
Theo dự án luật, người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú. Cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam để thực hiện khai báo tạm trú trước khi đồng ý cho người nước ngoài tạm trú. Trường hợp đồn, trạm Biên phòng tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì đồn, trạm Biên phòng có trách nhiệm thông báo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi người nước ngoài tạm trú.
Việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài thực hiện qua môi trường điện tử hoặc phiếu khai báo tạm trú. Trường hợp khai báo qua phiếu khai báo tạm trú, người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào phiếu khai báo tạm trú và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa và trong thời hạn 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú.