Quốc hội thông qua Luật Dữ liệu, có hiệu lực từ 1/7/2025

Thứ Bảy, 30/11/2024, 14:20

Chiều 30/11, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Dữ liệu với 451/458 (94,15%) đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có mặt biểu quyết tán thành. Luật gồm 5 chương, 46 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân được tự do chuyển dữ liệu từ nước ngoài về Việt Nam

Trước đó, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật do Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới trình bày cho biết, về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 25 dự thảo luật Chính phủ trình; nay là Điều 23 dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý), trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, rà soát và chỉnh lý tên điều này thành "Chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới" để bảo đảm tính bao quát và bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 23 dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: "Cơ quan, tổ chức, cá nhân được tự do chuyển dữ liệu từ nước ngoài về Việt Nam, xử lý dữ liệu của nước ngoài tại Việt Nam, được Nhà nước bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật"; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung điều này.

Quốc hội thông qua Luật Dữ liệu, có hiệu lực từ 1/7/2025 -0
Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới trình bày báo cáo.

UBTVQH thấy rằng, đây là nội dung mới, phức tạp, cần tiếp tục đánh giá trong quá trình thi hành luật. Để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và bảo đảm linh hoạt trong quá trình quản lý, UBTVQH đề nghị chỉ quy định những nội dung cơ bản mang tính nguyên tắc trong dự thảo luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Về Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và việc thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia (Điều 33, Điều 34 dự thảo luật Chính phủ trình), UBTVQH xin báo cáo như sau: Dữ liệu tại Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia là nguồn tài nguyên dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng. Việc xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với vai trò là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số. Các thông tin được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia được chia sẻ phục vụ việc khai thác chung cho các bộ, ngành, địa phương; cơ quan quản lý dữ liệu không phải thiết lập thêm các kênh kết nối, chia sẻ riêng đối với các thông tin đã được cập nhật, đồng bộ, lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.

"Đồng thời, hoạt động này cũng giúp cắt giảm được rất nhiều thủ tục hành chính liên quan đến cập nhật, điều chỉnh, bổ sung thông tin trong các cơ sở dữ liệu khác thông qua việc đồng bộ, cập nhật, bổ sung dữ liệu với Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; hỗ trợ hoạt động quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ; phục vụ công tác thống kê, hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, đấu tranh phòng, chống tội phạm...", Chủ nhiệm UBQPAN lý giải.

Quốc hội thông qua Luật Dữ liệu, có hiệu lực từ 1/7/2025 -0
ĐBQH biểu quyết thông qua dự án luật.

Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung quy định giao "Thủ tướng Chính phủ quyết định lộ trình xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và lộ trình thực hiện việc thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia" tại khoản 4 Điều 34 như dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm tránh lãng phí.

Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia là đơn vị mới thuộc Bộ Công an

Về xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia (Điều 40 dự thảo luật Chính phủ trình; nay là Điều 30 dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý), một số ý kiến đề nghị chỉ quy định khái quát mang tính nguyên tắc về xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia. Có ý kiến đề nghị làm rõ về vị trí, chức năng, vai trò của Trung tâm dữ liệu quốc gia; đồng thời, nghiên cứu quy định để tránh mâu thuẫn với quy định của pháp luật có liên quan. Có ý kiến nghị báo cáo làm rõ các phương án dự phòng để ứng phó, giải quyết sự cố có thể phát sinh.

 Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, quá trình tiếp thu, chỉnh lý, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát gom nội dung Chương IV dự thảo Luật Chính phủ trình, gồm các điều 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47 thành Mục 1 của Chương III quy định về xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia, gồm 3 điều.

Quốc hội thông qua Luật Dữ liệu, có hiệu lực từ 1/7/2025 -0
Quang cảnh hội trường.

Ngoài ra, việc xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia hiện đang triển khai thực hiện trên cơ sở Nghị quyết số 175 ngày 30/10/2023 của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia. "Đảng uỷ Công an Trung ương đã báo cáo cấp có thẩm quyền và được đồng ý với chủ trương xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia trực thuộc Bộ Công an quản lý. Chính phủ đã ban hành nghị định thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia là một đơn vị mới thuộc Bộ Công an và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy", Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới thông tin thêm.

Về sàn giao dịch dữ liệu (Điều 53 dự thảo luật Chính phủ trình; nay là Điều 42 dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý), một số ý kiến nhất trí với việc thành lập sàn giao dịch dữ liệu. Tuy nhiên, đề nghị chỉ nên quy định một số nguyên tắc cơ bản cho sàn giao dịch dữ liệu và giao Chính phủ quy định, có lộ trình phù hợp với thực tiễn từng giai đoạn của Việt Nam.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát và chỉnh lý Điều 53 dự thảo luật Chính phủ trình (nay là Điều 42 dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý) theo hướng đổi tên điều thành "Sàn dữ liệu", chỉ quy định nội dung cơ bản về sàn dữ liệu và giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung theo thẩm quyền. Qua đó, từng bước thiết lập thị trường dữ liệu, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu để thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế, chuyển đổi phương thức giao tiếp giữa cơ quan Nhà nước với tổ chức, cá nhân và các quan hệ xã hội trên môi trường số.

Quỳnh Vinh
.
.
.