Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023)

Quán triệt sâu sắc bài học tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng

Thứ Năm, 02/02/2023, 07:49

Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam ra đời. Dưới sự dẫn dắt của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng phát triển, trở thành một tổ chức chính trị vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ to lớn, để đến ngày hôm nay, trải qua 93 mùa xuân lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam.

Với bất cứ một đảng chính trị nào, việc thành lập lực lượng vũ trang nhằm bảo vệ, củng cố sức mạnh tổ chức là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang. Bên cạnh lực lượng Quân đội nhân dân, CAND chính là “cánh tay đắc lực”, “thanh bảo kiếm” của Đảng có nhiệm vụ đấu tranh trấn áp các thế lực phản cách mạng và tội phạm, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập, cùng với nhiệm vụ lãnh đạo, dẫn dắt phong trào cách mạng, Đảng đã thành lập các tổ chức như: Đội tự vệ đỏ, Đội hộ lương diệt ác, Đội trừ gian…, sau này là các Ban Công tác đội bảo vệ An toàn khu, Đội danh dự Việt Minh… để làm nhiệm vụ bảo vệ cán bộ Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, chống địch khủng bố, trừng trị bọn phản động Việt gian, giữ gìn an ninh trật tự. Đây cũng chính là các tổ chức tiền thân của CAND Việt Nam.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức trở thành đảng cầm quyền, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - chính quyền dân chủ kiểu mới lần đầu tiên trong lịch sử do nhân dân bầu ra được thành lập. Cùng với việc thành lập các cơ quan bộ, ngành, lực lượng CAND chính thức ra đời với những tổ chức Công an Việt Nam đầu tiên ở ba miền, đó là: Sở Liêm phóng Bắc Bộ, Sở Trinh sát Trung Bộ và Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ. Mặc dù có những tên gọi khác nhau nhưng đây là những lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trấn áp các tổ chức phản cách mạng, phản động, giữ gìn trật tự xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân. Tháng 2 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL thống nhất các lực lượng trên trong toàn quốc thành “Việt Nam Công an vụ” trực thuộc Bộ Nội vụ. Tháng 4 năm 1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 121-NgĐ về tổ chức Việt Nam Công an vụ, quy định tổ chức bộ máy của Công an có 3 cấp: Công an Việt Nam, Công an kỳ và Công an tỉnh.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng quân, dân cả nước, lực lượng CAND đã lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Từ năm 1975 đến nay, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của Đảng, lực lượng CAND không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt và luôn tích cực tham gia xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, chủ động nắm tình hình, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đang đứng trước nhiều thời cơ và vận hội mới để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trở thành một nước phát triển. Sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên những thành quả to lớn của sự nghiệp đổi mới. Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ thuận lợi, đất nước ta cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó phải kể đến sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch với mục tiêu nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện mục tiêu đó, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, trong đó đặc biệt chú ý đến lực lượng vũ trang, tập trung thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, “phi chính trị hoá” lực lượng vũ trang, coi đây là mũi nhọn tấn công làm vô hiệu hoá sức mạnh chuyên chính trọng yếu, tin cậy của Đảng và Nhà nước ta. Nhận thức rõ điều đó, lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng CAND tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng nhằm xây dựng lực lượng Công an luôn vững mạnh về chính trị, là lực lượng tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một mùa xuân mới lại về trên đất nước ta, hoà nhịp với sự phát triển và vận hội mới của đất nước, sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND cũng đang đứng trước nhiều cơ hội, thời cơ và những khó khăn, thách thức đan xen. Bên cạnh xu thế hoà bình, hợp tác, phát triển là chủ đạo, tình hình thế giới, khu vực và trong nước vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố đe dọa an ninh, trật tự, sự tồn vong của Đảng và chế độ, sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Điều đó cũng có nghĩa, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự an toàn xã hội đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao hơn và nặng nề hơn đối với lực lượng CAND. Chính vì vậy, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78, Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an xác định và quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu: giữ vững thế chủ động chiến lược, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; kịp thời phát hiện, chủ động xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự ngay từ đầu và tại cơ sở; xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nền an ninh nhân dân trên cơ sở thế trận lòng dân vững chắc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm. Phấn đấu kéo giảm ít nhất 5% tội phạm về trật tự xã hội; không để tội phạm lộng hành gây bức xúc xã hội; bảo đảm an toàn giao thông, an toàn trong phòng, chống cháy nổ; bảo đảm an ninh, an toàn các cơ sở giam giữ, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh trật tự; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; siết chặt kỷ cương, kỷ luật; xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Để đạt được các mục tiêu trên, lực lượng CAND tiếp tục phát huy các bài học kinh nghiệm trong công tác, chiến đấu, trong đó phải luôn quán triệt sâu sắc bài học tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với công tác Công an.

Nhìn lại chặng đường xây dựng, phát triển và trưởng thành của lực lượng CAND, để có được những chiến công và thành tích đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, lực lượng CAND luôn được sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, trực tiếp, sáng suốt của Đảng. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND luôn phải là những người tiên phong, gương mẫu đi đầu trước mọi khó khăn, thử thách, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bởi “Đảng lựa chọn Công an trong những người trung thành nhất với Đảng, những người chỉ biết sống chết với Đảng, chỉ biết còn Đảng thì còn mình”.

TS Trịnh Thanh Mai
.
.
.