Phòng ngừa gian lận trong thi tốt nghiệp THPT bằng thiết bị công nghệ cao
Ngày 8/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Bộ GD&ĐT với 63 điểm cầu trên toàn quốc. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và các Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ - Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi, Phạm Ngọc Thưởng, Hoàng Minh Sơn đồng chủ trì Hội nghị. Cùng dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ GD&ĐT có lãnh đạo một số Cục nghiệp vụ của Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vụ thuộc Bộ GD&ĐT.
Vật dụng cá nhân của thí sinh phải để cách phòng thi 25m
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có những chia sẻ về công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Theo ông Cường, Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia thành lập 5 đoàn công tác do Lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn và các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện làm việc với Ban chỉ đạo các tỉnh và kiểm tra tại các sở GD&ĐT và Hội đồng thi địa phương trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức thi; thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi, chấm thi tại 63 sở GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT chủ động phối hợp với Thanh tra tỉnh xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Thanh tra Chính phủ; Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục đại học được Bộ GD&ĐT điều động kiểm tra công tác coi thi của Bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra công tác coi thi theo đúng quy định pháp luật; trong đó chú ý đến Đoàn kiểm tra công tác chấm thi do Sở GD&ĐT chủ trì.
Đại diện Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Để đảm bảo công tác y tế phục vụ cho kỳ thi, Bộ Y tế đã yêu cầu các Sở Y tế địa phương giao các bệnh viện sẵn sàng các điều kiện để đảm bảo có thể cấp cứu, khám chữa bệnh cho thí sinh trong thời gian diễn ra kỳ thi. Do năm nay kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đã được kiểm soát nên các quy định về phòng chống, dịch cũng sẽ được nới lỏng và thực hiện linh hoạt. Ngoài các đối tượng F0 được thi tại các phòng thi riêng phải đeo khẩu trang, các thí sinh còn lại có thể không phải đeo khẩu trang trong phòng thi.
Để ngăn ngừa tình trạng gian lận thi bằng các thiết bị công nghệ cao, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh đề xuất vật dụng, đồ dùng cá nhân của thí sinh để càng xa phòng thi càng xa càng tốt, bởi qua rà soát trên thị trường, nhiều thiết bị công nghệ cao có thể thu phát sóng trong vòng 25 m. Bên cạnh đó, ông Mạnh cũng tiếp tục khuyến nghị việc không nên cho thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng phát sóng vào phòng thi vì trên thực tế việc đánh giá giữa thiết bị có chức năng phát sóng hay không phát sóng là rất khó. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trước kỳ thi, đặc biệt là việc nghiêm cấm thí sinh sao chụp đề thi trong thời gian làm bài và gửi ra ngoài bởi đây là hành vi làm lộ bí mật nhà nước.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, Bộ Công an cũng cho rằng, để đảm bảo an toàn, tránh tình trạng các đối tượng sử dụng thiết bị công nghệ cao để phát tán đề thi ra bên ngoài, quy định để đồ dùng, vật dụng cá nhân của thí sinh cách phòng thi 25 m là yêu cầu không nên thay đổi. Ngoài ra, các Sở GD&ĐT địa phương cũng cần tăng cường phối hợp với PA06 trong việc phòng ngừa, giải quyết các tình huống nhằm đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn tất cả các khâu của kỳ thi
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Phó trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã nhấn mạnh đến những cụm từ khóa quan trọng trong Chỉ thị số 06 của Thủ tướng Chính phủ, đó là: An toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh trong trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng, chống hiệu quả dịch COVID -19; trong đó, từ khóa “an toàn” được nhắc lại nhiều lần.
Để Kỳ thi diễn ra theo đúng yêu cầu, theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, có 5 yếu tố hết sức cơ bản, đó là: Công tác phối hợp; công tác lãnh đạo, chỉ đạo; công tác chuẩn bị cho Kỳ thi kỹ lưỡng, chu đáo; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định và làm tốt công tác truyền thông để xã hội hiểu đúng về tính chất Kỳ thi, cùng chia sẻ, phối hợp tham gia. Về công tác phối hợp, Thứ trưởng làm rõ: Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trên phạm vi toàn quốc với quy mô rất lớn, cả về số thí sinh và chủ thể tham gia tổ chức Kỳ thi, lại diễn ra trong thời gian rất ngắn, nên công tác phối hợp phải hết sức nhịp nhàng. Riêng về công tác thanh tra, kiểm tra, mục tiêu chính là phòng ngừa; phải tham gia ngay từ đầu để ngăn ngặn kịp thời những hạn chế, bất cập, không để xảy ra vi phạm.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, với sự cố gắng, nỗ lực chung của toàn ngành Giáo dục, sự quan tâm của các địa phương, 63 tỉnh/thành đã kết thúc năm học vào 31/5 cho khối lớp 12. Đây là tiền đề quan trọng để có thể tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đồng loạt trên cả nước vào 7 và 8/7 tới. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cơ bản ổn định như năm 2021. Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi, phụ trách các vấn đề chung về chính sách, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức Kỳ thi; chịu trách nhiệm về đề thi; Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi… UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức Kỳ thi của địa phương.
Nhấn mạnh việc cần sớm thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời mong muốn các địa phương lường trước mọi vấn đề, đưa ra các phương án dự phòng để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, như thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề khác; lường trước các phát sinh bất thường, đặc biệt trong quá trình tổ chức thi; bảo đảm tổ chức tốt nhất kỳ thi trên địa bàn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, thời điểm này, dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát nhưng những ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn còn hiện hữu. Mặc dù, Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 song Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố lưu ý, hỗ trợ tối đa cho các sở GD&ĐT thực hiện tốt các khâu chuyên môn, giúp học sinh vững cả về kiến thức và tâm lý trước khi bước vào Kỳ thi; quan tâm hỗ trợ các thí sinh vùng sâu, vùng xa về đi lại, giao thông, lưu trú…
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng mong muốn lãnh đạo các địa phương quan tâm, tăng cường khâu kiểm tra, giám sát để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho những khâu về đề thi, coi thi, chấm thi, các khâu khác có liên quan… để bảo đảm an toàn, bảo mật, trật tự cho Kỳ thi. “Kỳ thi thì như phương thức cũ, nhưng mà phụ huynh là phụ huynh mới, học sinh vẫn là học sinh mới. Cho nên mỗi lần kỳ thi lại một lần chúng ta lại cùng nhau xem xét các điều kiện liên quan để mọi việc được vận hành tốt nhất”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý.