Phòng cháy, chữa cháy cho công trình cao tầng - Thực trạng và giải pháp

Thứ Sáu, 17/12/2021, 21:50

Sáng 17/12, tại Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo “Phòng cháy, chữa cháy cho công trình cao tầng - Thực trạng và giải pháp”.

Tham dự hội thảo, về phía Bộ Xây dựng có: PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường; ông Nguyễn Quang Hiệp – Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng; ông Hồ Chí Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc; ông Ngô Xuân Quang - Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, cùng đại diện các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ Xây dựng.

Về phía Bộ Công an có: Ông Bùi Quang Việt - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn và Đại diện Trường Đại học PCCC.

Về phía Báo Xây dựng có ông Nguyễn Anh Dũng – Tổng Biên tập Báo Xây dựng cùng các Phó Tổng biên tập.

Về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có ông Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện an toàn vệ sinh lao động; Tham dự Hội thảo còn có các đại diện Hiệp hội nhà thầu Xây dựng, các Công ty Xây dựng, sản xuất vật liệu PCCC và thi công hệ thống PCCC….

Hội thảo: Phòng cháy, chữa cháy cho công trình cao tầng - Thực trạng và giải pháp -0
Toàn cảnh Hội thảo.

Thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh, thành phố xảy ra hàng trăm vụ cháy công trình cao tầng gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, để lại hệ luỵ và lo ngại bất ổn về công trình cao tầng trong dư luận nhân dân và xã hội.

Hiện nay, số lượng chung cư cao tầng được xây dựng trong cả nước khoảng hơn 3.000 tòa nhà cao tầng thường xuyên tập trung đông người và chứa đựng nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn và công tác bảo đảm an toàn cháy nổ cho từng công trình còn nhiều bất cập.

Nguyên nhân cháy công trình cao tầng có thể kể đến do quy hoạch, do thiết kế, do các biện pháp thi công; do chủ đầu tư các công trình dự án chưa thực hiện đúng trách nghiệm nghĩa vụ, do Ban quản lý, Ban Quản trị trong quá trình vận hành chưa thực hiện nghiệm quy định phòng cháy chữa cháy về tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng trang thiết bị, chưa thực hiện chuẩn mực công tác bảo hành bảo trì phòng cháy, chữa cháy và phần lớn là do ý thức của người dân khi làm việc và sinh sống tại các công trình cao tầng để xảy ra hoả hoạn.

Mặt khác, các quy định pháp luật về Phòng cháy, chữa cháy từ khâu quy hoạch, thiết kế, quy chuẩn, tiêu chuẩn, giám định chất lượng, nghiệm thu, quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư và Ban quản lý dự án khi vận hành, những vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp... cần được nhận diện, bàn luận.

Hội thảo: Phòng cháy, chữa cháy cho công trình cao tầng - Thực trạng và giải pháp -0
Tổng Biên tập Báo Xây dựng Nguyễn Anh Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Biên tập Báo Xây dựng Nguyễn Anh Dũng cho biết: Thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ là Cơ quan ngôn luận của Bộ Xây dựng, mục đích nhằm phổ biến, giới thiệu các quy định, quy chuẩn mới để hỗ trợ các chủ đầu tư, nhà tư vấn, nhà thầu xây dựng nắm rõ hơn các yêu cầu thực tiễn của cơ quan quản lý Nhà nước về thẩm định, thẩm duyệt, nghiệm thu thiết kế xây dựng, phòng cháy, chữa cháy và bàn giao công trình đưa vào sử dụng theo đúng quy định của 2 quy chuẩn mới ban hành (Quy chuẩn QCVN 06:2020/BXD về an toàn cháy cho nhà, công trình và Quy chuẩn QCVN 04:2019/BXD nhà chung cư và các quy chuẩn liên quan khác). Đồng thời giới thiệu các loại vật liệu, các giải pháp thiết kế đáp ứng yêu cầu về an toàn cháy để các chủ đầu tư lựa chọn.

Hoạt động này góp phần nâng cao vị thế và vai trò chỉ đạo, quản lý của Bộ Xây dựng trong quản lý chất lượng và an toàn của công trình xây dựng. Đồng thời, nâng cao vai trò của Báo Xây dựng trong việc truyền tải thông tin đúng tôn chỉ, mục đích phục vụ công tác lãnh đạo của Bộ Xây dựng, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Vụ Vật liệu Xây dựng cũng như phục vụ cộng đồng xã hội nói chung, cộng đồng doanh nghiệp chủ đầu tư xây dựng nói riêng, tạo nên ổn định trong phát triển của ngành. Giảm thiểu mọi rủi ro, tai nạn và thiệt hại về người và của trong Phòng cháy, chữa cháy.

Tại Hội thảo các đại biểu sẽ được nghe một số chuyên đề báo cáo tổng quát và các tham luận trao đổi với nội dung, các vấn đề cần trao đổi tiếp, kiến nghị giải quyết liên quan tới công tác Phòng cháy chữa cháy.

Đại tá Bùi Quang Việt – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an): Công trình cao tầng, siêu cao tầng tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn PCCC

Mở đầu phần thảo luận, đại diện Bộ Công an, Đại tá Bùi Quang Việt – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ chia sẻ với vai trò là đơn vị trực tiếp quản lý, chịu trách nhiệm trong công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ.

Hội thảo: Phòng cháy, chữa cháy cho công trình cao tầng - Thực trạng và giải pháp -0
Đại tá Bùi Quang Việt – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an).

Về thực trạng PCCC nhà cao tầng, tốc độ đô thị hóa cao, mật độ dân số, mật độ xây dựng gia tăng dẫn đến nhu cầu lớn cho việc phát triển công trình nhà ở, trong đó có công trình nhà cao tầng, siêu cao tầng để tận dụng tối đa quỹ đất, tạo diện mạo hiện đại, phát triển cho các đô thị. Theo thống kê đến tháng 12/2020, cả nước có 3.618 nhà cao tầng và siêu cao tầng tại 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó có 3.335 nhà cao từ 10-29 tầng, 283 nhà cao từ 30 tầng trở lên. Các công trình cao tầng, siêu cao tầng được sử dụng với nhiều mục đích, công năng đa dạng thường được đầu tư xây dựng dưới dạng các tổ hợp với nhiều tiện ích, công năng khác nhau trong tổng số 3.618 công trình cao tầng, siêu cao tầng có 1.106 nhà chung cư, chiếm 30,75%. 935 công trình là nhà nghỉ, khách sạn chiếm 25,8%; 747 nhà văn phòng chiếm 20,6%, 594 nhà công trình hỗn hợp chiếm 16,42%; 56 công trình giáo dục chiếm 1,55%. 64 bệnh viện chiếm 1,77%, 116 nhà có công năng khác chiếm 3,21%.

Với đặc điểm của nhà cao tầng là công năng đa dạng, phức tạp, thường xuyên tập trung đông người, với đặc điểm về độ tuổi, nhận thức, sức khỏe khác nhau, cũng như việc bố trí mặt bằng, lối, đường thoát nạn phức tạp mà công trình cao tầng, siêu cao tầng luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn PCCC. Thực tế những vụ cháy nhà cao tầng trên Thế giới và ở Việt Nam cho thấy mức độ nguy hiểm cháy, diễn biến phức tạp gây ra nhiều khó khăn cho người dân sinh sống trong tòa nhà khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Ngoài các yếu tố về đặc điểm kiến trúc, một trong những yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến công tác PCCC ở nhà cao tầng là ý thức của người đứng đầu cơ sở, đơn vị quản lý vận hành công trình.

Thời gian qua, mặc dù ý thức chấp hành quy định của pháp luật về PCCC ở nhà cao tầng được nâng cao lên đáng kể, tuy nhiên sau khi kiểm tra vẫn còn tồn tại một số vi phạm thiếu sót phổ biến như: Điều kiện giao thông chữa cháy, khoảng cách an toàn về PCCC… còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ hiện nay về hoạt động chữa cháy.

Cục Cảnh sát PCCC luôn xác định và đề cao phương châm 4 tại chỗ: Lực lượng tại chỗ, hậu cận tại chỗ, phương tiện tại chỗ và chỉ huy tại chỗ. Khi có sự cố xảy ra, Cục Cảnh sát PCCC đã xây dựng các phương án chữa cháy, huy động nhiều lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng phó, xử lý.

Nguyên nhân tồn tại phải kể đến: Ở Việt Nam, nhiều công trình cao tầng hoạt động trong nhiều năm (chung cư mini, văn phòng khách sạn, nhà nghỉ cao tầng), nhà dân sau một thời gian sử dụng lại chuyển đổi mục đích kinh doanh và chưa đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC.

Nhiều công trình xây dựng không đúng quy hoạch, giấy phép xây dựng, không đảm bảo các yêu cầu về an toàn PCCC, việc trang bị các thiết bị chưa đáp ứng đúng yêu cầu về an toàn PCCC hiện nay, hệ thống thiết bị điện, bảo trì bảo dưỡng, hệ thống báo cháy hư hỏng, thiếu đồng bộ trong quy hoạch xây dựng nên không đảm bảo về điều kiện giao thông khoảng cách, an toàn PCCC và nguồn nước PCCC.

Việc triển khai các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn quy chuẩn về PCCC còn một số khó khăn, vướng mắc. Một bộ phận chủ đầu tư, cơ sở chưa thực hiện nghiêm các quy định về PCCC. Ý thức chấp hành quy định của pháp luật về PCCC của một bộ phận người lao động, người dân còn chưa cao. UBND cấp huyện, xã chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc giám sát, quản lý Nhà nước về PCCC.

Phối hợp giữa các Ban ngành vẫn còn mang tính hình thức, chưa thống nhất trong việc thẩm định, thẩm duyệt, phê duyệt quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng, công tác thanh tra kiểm tra còn chưa được tốt.

Những giải pháp về đảm bảo PCCC cho công trình cao tầng: Thứ nhất cần tiếp tục củng cố hoàn thiện hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các công trình cao tầng, đảm bảo sự đồng bộ thống nhất giữa các lĩnh vực như xây dựng, PCCC. Các cơ quan quản lý các cấp trong từng lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc… cần tiếp tục tham mưu đề xuất sửa đổi.

Thứ hai là, tăng cường đẩy mạnh công tác phối hợp trong việc thẩm định, phê duyệt PCCC đối với các công trình xây dựng. Thống nhất việc thẩm định phê duyệt quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng công trình nhà cao tầng, siêu cao tầng. Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra công trình cao tầng để phát hiện những công trình được phê duyệt xây dựng sai giấy phép, không đảm bảo về công tác PCCC. Thực hiện công tác góp ý đối với nhà cao tầng, tránh tình trạng đã phê duyệt quy hoạch nhưng không đảm bảo an toàn PCCC. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về PCCC. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần mạnh tay có các biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp sai phạm.

Cuối cùng, các doanh nghiệp, đơn vị quản lý, cơ quan chức năng phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC, nâng cao nhận thức của chủ đầu tư trong công tác đảm bảo an toàn PCCC trong công trình nhà cao tầng.

TS. Hoàng Anh Giang – Phó Giám đốc Viện Chuyên ngành Kết cấu xây dựng (Viện Khoa học công nghệ Xây dựng - IBST): Các yếu tố đảm bảo an toàn cháy trong nhà cao tầng

Những quy định kỹ thuật về an toàn cháy đối với nhà thường được đưa ra dựa trên hai yếu tố chính gồm: Đặc điểm liên quan đến công năng của nhà và quy mô (diện tích, chiều cao) của nhà đó. Không chỉ trong QCVN 06:2021/BXD của Việt Nam, nguyên tắc này cũng được áp dụng trong hầu hết quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn cháy ở nhiều nước khác nhau.

Hội thảo: Phòng cháy, chữa cháy cho công trình cao tầng - Thực trạng và giải pháp -0
TS. Hoàng Anh Giang – Phó Giám đốc Viện Chuyên ngành Kết cấu xây dựng (Viện Khoa học công nghệ Xây dựng - IBST).

Về kỹ thuật, cần bảo đảm: An toàn thoát nạn cho người; hạn chế quy mô của đám cháy; báo cháy và chữa cháy kịp thời; thuận lợi cho việc tiếp cận và các điều kiện kỹ thuật để triển khai hoạt động chuyên môn của lực lượng chữa cháy. Trong đó, vai trò của vật liệu, kết cấu và các bộ phận nhà là quan trọng, giúp hạn chế các yếu tố nguy hiểm cho tính mạng người sử dụng (khói, khí độc, nhiệt độ cao), việc duy trì các điều kiện an toàn cho hoạt động thoát nạn và giảm thiểu nguy cơ thiệt hại.

Việc thiết kế đảm bảo an toàn cháy cho nhà cao tầng cần quan tâm: Quy mô chiều cao, tính chất công năng, kiến trúc... dẫn đến phải điều chỉnh các quy định về bảo đảm an toàn cháy so với quy định áp dụng với nhà thấp tầng, trong đó có quy định kỹ thuật với vật liệu, kết cấu chịu lực chính (dầm, cột, sàn...) và các bộ phận khác của nhà (cửa, tường, vách ngăn...).

Khó khăn nổi bật về thoát nạn trong nhà cao tầng gồm: Quãng đường di chuyển dài; số lượng người cần di chuyển, thoát nạn lớn; hệ thống hướng dẫn thoát nạn đòi hỏi quy mô lớn, phức tạp; nguy cơ dồn ứ người ở lối ra thoát nạn đi vào các buồng thang bộ... Vật liệu kết cấu, vật liệu hoàn thiện, đồ dùng hoặc trang thiết bị… là nguồn nhiên liệu tham gia và làm tăng quy mô đám cháy.

Nhà cao tầng thường được phân chia thành nhiều vùng bảo vệ khác nhau. Hệ thống báo cháy phải hạn chế gây ra báo động giả hoặc tín hiệu lỗi. Việc sử dụng hệ thống sprinkler có thể gặp khó khăn trong thiết kế và cấu tạo, do ảnh hưởng của chiều cao nhà đến áp suất làm việc của hệ thống. Khi hệ kết cấu nhà có chuyển vị lớn dưới tác động của tải trọng ngang cũng có thể ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của các hệ thống kỹ thuật...

Chiều cao hoặc do cả hình thức bố trí mặt bằng có thể vượt quá khả năng và năng lực của phương tiện kỹ thuật hỗ trợ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp dẫn đến kéo dài tiếp cận vào bên trong và di chuyển đến vị trí của đám cháy.

Hiện nhu cầu xây dựng nhà cao tầng có chiều cao PCCC trên 150 m là rất thực tế. Khi hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa theo kịp tốc độ phát triển thì việc thiết kế an toàn cháy dựa theo tính năng là cần thiết, đòi hỏi sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học để xây dựng bộ tiêu chí là cần thiết.

Quy chuẩn an toàn cháy cho nhà và công trình hiện hành của Việt Nam chủ yếu được biên soạn, xây dựng dựa trên các quy chuẩn, tiêu chuẩn của nước ngoài và các tài liệu của Việt Nam; tuy đã điều chỉnh theo điều kiện quốc gia song cũng chưa thể cân nhắc được hết tất cả các yếu tố liên quan. Phạm vi áp dụng của quy chuẩn giới hạn đối với nhà có chiều cao PCCC không quá 150m. Hệ thống tiêu chuẩn thiết kế kết cấu chịu lửa hiện nay của chúng ta chưa đầy đủ. Điều kiện tiếp cận đến các kiến thức chuyên môn của các đơn vị, cá nhân tham gia công tác thiết kế, thi công cũng như đánh giá xét duyệt thiết kế hoặc giám sát nghiệm thu chất lượng thi công các hạng mục có yêu cầu về an toàn cháy cho nhà còn chưa đều.

Hạ tầng kỹ thuật bảo đảm các điều kiện cho tiếp cận cũng như triển khai hoạt động của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã có cải thiện nhưng ở những đô thị lớn có mật độ dân số cao như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận và tổ chức các hoạt động cứu hộ cứu nạn bằng máy bay trực thăng hiện nay ở Việt Nam nhìn chung còn vướng mắc về trang thiết bị cũng như các quy trình, thủ tục liên quan.

Th.S Cao Tiến Phú – Giám đốc Trung tâm Vật liệu chịu lửa và chống cháy (Viện Vật liệu Xây dựng – Bộ Xây dựng): Sử dụng vật liệu chống cháy theo quy định, đảm bảo yêu cầu chống cháy toàn diện

Quá trình đô thị hoá cũng đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Sự gia tăng dân số đã làm cho quỹ đất ngày càng thu hẹp, tạo áp lực lớn về nhu cầu nhà ở tại các đô thị lớn. Các công trình cao tầng được xây dựng ngày càng nhiều, phát triển nhanh và được thiết kế tích hợp nhà ở cùng các cơ sở dịch vụ tiện ích như trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim, khu vui chơi… đem lại nhiều thuận lợi trong sinh hoạt sống cho người dân.

Hội thảo: Phòng cháy, chữa cháy cho công trình cao tầng - Thực trạng và giải pháp -0
Th.S Cao Tiến Phú – Giám đốc Trung tâm Vật liệu chịu lửa và chống cháy (Viện Vật liệu Xây dựng – Bộ Xây dựng).

Tuy nhiên, các công trình xây dựng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm thương mại, chợ, nhà cao tầng, siêu cao tầng, … là các công trình tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy. Sự cố cháy có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nguyên nhân cháy gây nhiều thiệt hại chủ yếu là do các ngọn lửa lan rộng, khói phát ra quá nhanh gây khó khăn trong công tác cứu hộ ở một số đám cháy hiện nay.

Nhằm đảm bảo an toàn cháy và chữa cháy tại các nhà xưởng sản xuất, trung tâm thương mại, tòa nhà cao tầng và các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp khác thì các công trình đó phải đảm bảo các yêu cầu thiết kế tuân thủ các quy định của các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm kĩ thuật về: Kết cấu, kiến trúc; giao thông, nguồn nước, khoảng cách an toàn PCCC, hệ thống PCCC (báo cháy, chữa cháy, chiếu sáng thoát nạn…). Đặc biệt trong công trình, các hệ thống đường ống kỹ thuật sàn, kết cấu tường, bộ phận ngăn cháy, đường ống vận chuyển khí cháy… là những vị trí yêu cầu cần sử dụng các vật liệu chống cháy, đảm bảo kết cấu có giới hạn chịu lửa đáp ứng yêu cầu. Vật liệu xây dựng được sử dụng ở các lớp bề mặt của kết cấu nhà, bao gồm: Lớp lợp mái, các lớp hoàn thiện của tường ngoài, của các gian phòng và của các đường thoát nạn cần hạn chế tính nguy hiểm cháy.

Hiện nay, nhằm đáp ứng các yêu cầu chống cháy trong lĩnh vực xây dựng hiện đại, các vật liệu chống cháy đảm bảo yêu cầu chống cháy toàn diện, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường và các nguy cơ tác động đến tính mạng con người đã được nghiên cứu và phát triển rất đa dạng. Một số sản phẩm như: Vữa chống cháy, keo silicon chống cháy, băng keo chống cháy, sơn chống cháy, tấm vật liệu thạch cao chống cháy, tấm canxi silicat chống cháy, bông khoáng… đang là xu hướng an toàn được nhiều đơn vị tư vấn xây dựng và các nhà thầu xây dựng lựa chọn dùng để nâng cao tính chịu lửa của cấu kiện, bộ phận ngăn cháy trong công trình.

An toàn cháy cho nhà và công trình cần đảm bảo các yêu cầu về tính chất vật liệu và cấu tạo kết cấu xây dựng, về các giải pháp kiến trúc, quy hoạch, các giải pháp kỹ thuật và công nghệ phù hợp với đặc điểm sử dụng của công trình, nhằm ngăn ngừa cháy (phòng cháy), hạn chế lan truyền, đảm bảo dập tắt đám cháy (chống cháy), ngăn chặn các yếu tố nguy hiểm có hại đối với con người, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản khi có cháy xảy ra.

Ngày nay, khi tính an toàn cháy của nhà và công trình được quan tâm thì các vật liệu sử dụng cho nhà và công trình cũng được quy định để đảm bảo tính an toàn cháy. Các vật liệu sử dụng cho các vị trí khác nhau liên quan an toàn cháy được đặc trưng bằng tính nguy hiểm cháy. Tính nguy hiểm cháy của vật liệu xây dựng được xác định theo các đặc tính kỹ thuật về cháy: tính cháy, tính bắt cháy, tính lan truyền lửa trên bề mặt, khả năng tạo khói và chất độc.

Để đánh giá mức nguy hiểm cháy của một vật liệu hoặc một tổ hợp các vật liệu cần phải dựa vào các kết quả thử nghiệm về ứng xử với lửa theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2020/BXD được Bộ Xây dựng ban hành.

Th.S Cao Tiến Phú thông tin: Thông số kỹ thuật, tính năng, hiệu quả của một số vật liệu xây dựng phổ biến sử dụng chống cháy cho nhà và công trình như: Bê tông, bê tông nhẹ, vữa xi măng và vữa chống cháy; Gạch đất sét nung; Gỗ chống cháy; Tấm sợi chịu lửa; Sơn chống cháy; Vật liệu chống cháy dạng tấm…

Vật liệu xây dựng xây sử dụng cho nhà xưởng công nghiệp, nhà ở và các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp khác có khả năng đảm bảo an toàn cháy là khá phổ biến; tuy nhiên khả năng chống cháy, tính nguy hiểm cháy có các mức độ khác nhau. Tùy vào công trình cụ thể, có thể sử dụng cho kết cấu của công trình hoặc trong thiết kế nội và ngoại thất, vật liệu xây dựng chống cháy có thể được thiết kế, lựa chọn cho phù hợp để ngăn ngừa và hạn chế thiệt hại khi đám cháy xảy ra.

An toàn cháy cho nhà và công trình ngày càng được cơ quan quản lý Nhà nước và trực tiếp người dân, người sử dụng công tình xây dựng quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn có hạn chế nhất định về hiểu biết vật liệu sử dụng cho mục đích chống cháy. Ngoài việc cần phải thử nghiệm vật liệu xây dựng theo yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật thì cần thêm những giải pháp, hướng dẫn sử dụng, đánh giá thị trường vật liệu sử dụng cho mục đích an toàn cháy.

Vì vậy, các nghiên cứu về vật liệu chống cháy cần tiếp tục được triển khai, đồng thời, các kiến thức về tính nguy hiểm cháy của các vật liệu cũng cần được chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu cập nhật thường xuyên để có thể lựa chọn hợp lý, hiệu quả hơn đối với các vật liệu an toàn cháy, vật liệu chống cháy cho công trình.

Bà Vũ Kiều Hạnh – Đại diện Savills Hà Nội: Nâng cao tuyên truyền, tập huấn cho người dân là giải pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn PCCC tại các công trình cao tầng

Hiện nay có nhiều tòa nhà cao tầng, siêu cao tầng đã được xây dựng. Ở các thành phố lớn của Việt Nam có nhiều tòa nhà cao trên 120m, đặc biệt các tòa nhà hỗn hợp nguy cơ cao. Nếu không nâng cao ý thức của sẽ gây đến nguy cơ cháy nổ cao. Nhà nước đã ban hành nhiều tiêu chuẩn về PCCC, tuy nhiên do thời gian cộng với công tác duy tu, bảo dưỡng chưa được quan tâm thường xuyên.

Hội thảo: Phòng cháy, chữa cháy cho công trình cao tầng - Thực trạng và giải pháp -0
Bà Vũ Kiều Hạnh – Đại diện Savills Hà Nội.

Các chủ đầu tư cũng đã ý thức quan tâm tới các quy chuẩn PCCC. Tuy nhiên nhiều tòa nhà đã đưa vào vận hành nhưng hệ thống PCCC vẫn chưa được nghiệm thu, do đó đơn vị vận hành không dám nhận công trình để đưa vào vận hành. Với tính chất phức tạp của các công trình nhà cao tầng, nếu không thực hiện đầy đủ các quy trình bảo trì sẽ gây ra nguy cơ cháy nổ. Trong quá trình vận hành chúng tôi đã gặp phải nhiều nguy cơ cháy nổ, do đó đòi hỏi phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện.

Để bảo đảm công tác PCCC thì công tác tuyên truyền cần được đặc biệt quan tâm. Bởi người dân vẫn chưa đủ kiến thức, kỹ năng về PCCC. Do đó cần được mở rộng, lan truyền công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức về an toàn phòng chống cháy nổ.

Ngoài ra cần thực hiện nghiêm Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, thực hiện các quy định chi phí về việc phòng cháy chữa cháy. Hiện trên thực tế tỷ lệ người mua và sử dụng bảo hiểm cháy nổ cho các tài sản hiện còn rất thấp. Đây chính là quyền lợi và trách nhiệm của người sử dụng.

Công tác bảo trì hiện tại đang còn nhiều khó khăn do các chung cư xây dựng trước đây không có quỹ bảo trì. Cần xem xét đưa vào một nguồn ngân sách để thực hiện công tác bảo trì hệ thống PCCC. Do đó, cần nâng cao ý thức và ngăn ngừa ngay từ khi công trình đưa vào sử dụng để hạn chế nguy cơ cháy nổ.

Sau phần các Đại biểu trình bày tham luận, Hội thảo chuyển sang phần: Tọa đàm do PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) điều phối.

Hội thảo: Phòng cháy, chữa cháy cho công trình cao tầng - Thực trạng và giải pháp -0
PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) điều phối phần Tọa đàm.

Câu hỏi dành cho Viện An toàn và vệ sinh lao động: Công tác tập huấn, hướng dẫn người dân hiểu về các biện pháp PCCC ở chung cư cao tầng có những bất cập gì?

TS. Nguyễn Anh Thơ - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam): Huấn luyện PCCC thực chất và tiên tiến - giải pháp cốt lỗi cho giảm thiểu nguy cơ và thiệt hại do cháy gây ra

Tình hình thực tế cho thấy, công tác phòng cháy, chữa cháy cho công trình xây dựng, nhà ở, đặc biệt là nhà cao tầng luôn là việc cần được quan tâm hàng đầu để đáp ứng các yêu cầu về an toàn sinh mạng cho người sử dụng. Do đó, các dự án đầu tư xây dựng công trình buộc phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy.

Ngoài ra, kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống ứng phó với sự cố cháy, nổ của người dân còn thấp, hầu hết thường hoảng loạn, mất bình tĩnh dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới nguy cơ mất an toàn PCCC các nhà, chung cư cao tầng nhưng nổi bật, trong đó là do đặc điểm kiến trúc, bố trí công năng sử dụng, đặc điểm kỹ thuật các hệ thống của toà nhà và công tác bảo đảm an toàn PCCC trong quá trình xây dựng, vận hành và sử dụng.

Hội thảo: Phòng cháy, chữa cháy cho công trình cao tầng - Thực trạng và giải pháp -0
TS. Nguyễn Anh Thơ - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

Mặc dù đã có nhiều biện pháp thông tin, tuyên truyền và sự nỗ lực của các cấp, các ngành để chỉ đạo thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ nhưng vẫn còn một số đơn vị, cá nhân còn chủ quan chưa thực sự chú trọng công tác PCCC, dẫn đến xảy ra các vụ cháy, nổ không được kiểm soát kịp thời gây hậu quả nghiêm trọng. Có thể nói, trong bối cảnh đất nước không ngừng xây dựng và phát triển thì công tác PCCC càng chiếm giữ một vai trò quan trọng. Ít có loại tai nạn nào mà cùng lúc có thể gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản như trong các vụ hỏa hoạn.

Để việc phòng cháy vì thế cần phải trở thành một nguyên tắc sống, ăn sâu bám rễ vào ý thức của từng người dân, người lao động và các chủ tòa nhà, công trình, việc tuyên truyền, huấn luyện PCCC phải được tổ chức, triển khai một cách thực chất, bằng các phương tiện, thiết bị tiên tiến, nhất là trong thời đại số hóa và ứng dụng công nghệ thoomng tin hiện nay.

Các giải pháp huấn luyện hiện đại bằng công nghệ thực tế ảo VR, có thể thực hiện nay, như: Nội dung đào tạo an toàn trải nghiệm trực tiếp tình huống cháy theo bối cảnh; Chương trình mô phỏng đào tạo an toàn trải nghiệm mô phỏng bình chữa cháy cùng lúc từ 1 đến 4 người; kiểm tra được năng lực chữa cháy thực tế như lượng phun và độ chính xác, có thể bảo mật dữ liệu; Có cùng kích thước, trọng lượng và chức năng như một bình chữa cháy thực sự; Sử dụng cảm biến con quay hồi thu nhận thông tin không dây, thiết bị thông tin cự ly gần; hiển thị thông tin kết quả mô phỏng trên màn hình, và có thể xếp hạng người trải nghiệm như game.

Quá trình trải nghiệm thực tế ảo chữa cháy, nhằm đào tạo về việc nhận thức được tầm quan trọng của việc dập tắt đám cháy sớm và hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy các loại đúng cách thông qua việc tạo tình huống xảy ra cháy thùng chứa dầu và khí gas rồi trải nghiệm phản ứng ban đầu và dập lửa khi xảy ra hỏa hoạn thông qua bình chữa cháy không khí dùng trong đào tạo. Chọn trải nghiệm cháy thực tế (tạo lửa và khói) và bằng hỏa hoạn mô phỏng; Thiết bị điều khiển có thể điều chỉnh kích thước ngọn lửa của thiết bị đánh lửa tự động; Thiết bị tạo sương mù tự động để tạo ra tình huống khói xảy ra khi hỏa hoạn, quá trình giúp tối đa hóa cảm giác thực với hệ thống âm thanh liên kết với hỏa hoạn (còi báo động).

Ngoài ra, còn có một hế thống giáo dục mới mang tên: Hệ thống chữa cháy học tập – đây là một hệ thống giáo dục dập lửa sử dụng bình chữa cháy cho giáo dục để thao tác S/W thông tin để dập tắt đám cháy ảo…

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Phòng cháy và chữa cháy mỗi người hãy tích cực tìm hiểu kiến thức, pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nắm vững những mối nguy hiểm về cháy, nổ tại nơi làm việc, nơi ở và các biện pháp phòng ngừa. Ngoài việc thường xuyên chú trọng việc quản lý và sử dụng an toàn nguồn lửa, nguồn nhiệt và các chất dễ cháy khác ở mọi lúc, mọi nơi, biết cách xử lý kịp thời khi có cháy xảy ra; thường xuyên tự kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy, phát hiện và khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về phòng cháy và chữa cháy, việc ứng dụng các giải pháp huấn luyện, truyền thông thông qua trãi nghiệm thực tế ảo có thể giúp cho công tác huấn luyện PCCC thu hút hơn. Ngay cả với trẻ em và người già, mọi người đều có thể tham gia và khắc phục hạn chế việc thực hành dùng những vật liệu cháy có thực. Qua đó hạn chế thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, vệ sinh lao động trong thi công và sản xuất, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho mọi người.

Câu hỏi dành cho Viện Chuyên ngành Kết cấu xây dựng (Viện Khoa học công nghệ Xây dựng - IBST): Các dự án quy định nhà hỗn hợp có chiều cao trên 100m và các sàn nhà có dầm thép, tấm thép. Cần có lưu ý gì về các biện pháp nâng cao giới hạn chịu lửa cho sàn đáp ứng giưới hạn REI 120, dầm thép R180?

TS. Hoàng Anh Giang – Phó Giám đốc Viện Chuyên ngành Kết cấu xây dựng (Viện Khoa học công nghệ Xây dựng - IBST): Cần hoàn thiện sớm để có một bộ khung hoàn chỉnh cho công tác quản lý

Để giảm những hạn chế của kích thước thiết bị thử nghiệm ở Châu âu đã có những điều chỉnh cho phù hợp thực tế và đưa ra các tiêu chí. Chẳng hạn những giới hạn khi thử nghiệm và đánh giá cho các nhà sản xuất.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, nếu áp dụng các nguyên tắc của thiết bị thử nghiệm, các dạng hệ thống. Các yêu cầu về lập báo cáo đánh giá không nằm ở quy định đánh giá của các quốc gia, tuy nhiên chủ đầu tư hoàn toàn có thể yêu cầu nhà cung cấp hoặc bên thứ ba đưa ra đánh giá. Hiện Bộ Công an đã đưa ra những yêu cầu về quy chuẩn cho các thiết bị, tuy nhiên chưa có hành lang pháp lý cho các cơ sở vật liệu. Đây là những vấn đề cần hoàn thiện sớm để có một bộ khung hoàn chỉnh cho công tác quản lý.

So sánh giữa các tiêu chuẩn, quy định chung thì các điều kiện giống nhau, tác động tương đương nhau. Có 2 tiêu chí chính: Thời gian kéo dài thử nghiệm, độ võng biến dạng của đối tượng thử nghiệm. Khi để bảo đảm đánh giá tác động thử nghiệm. Khi đánh giá thêm cần đo thêm, xác định được phạm vi đánh giá (ví dụ đánh giá từ 3, lên 5m, từ 5 lên 12m….) Với những yêu cầu bổ sung này, phòng thí nghiệm phải có trách nhiệm tư vấn khách hàng đo thêm các tiêu chí để đưa vào báo cáo….

Hội thảo: Phòng cháy, chữa cháy cho công trình cao tầng - Thực trạng và giải pháp -0
Ông Nguyễn Trung Dũng - Tổng giám đốc Công ty CP Kiến trúc Lập Phương (Cubic).

Ông Nguyễn Trung Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Kiến trúc Lập Phương (Cubic) có câu hỏi như sau: Bộ Xây dựng có kế hoạch ban hành Quy chuẩn điều chỉnh để bổ sung các quy định cho công trình cao hơn 150m? Hiện tại do chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với công trình cao hơn 150m nên nhiều nhà đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế ngại thiết kế nhà cao trên 150m (lựa chọn chiều cao tầng là 40 tầng thay vì 45 tầng hay 50 tầng mà vẫn đảm bảo hệ số sử dụng đất?

PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ khoa học Công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng): Khi xây dựng nhà cao tầng, cần đặt tiêu chí an toàn sinh mạng con người lên hàng đầu

Chúng ta đưa ra giới hạn trong quy chuẩn 06 so sánh với tiêu chuẩn của nước ngoài như Singapore, Hàn Quốc, Nga…đối chiếu, có thể dựa vào tiêu chuẩn nước ngoài. Đặc thù của công trình xây dựng không công trình nào giống công trình nào, tổ chức không gian, hình khối, mỗi công trình có cách thoát nạn khác nhau nên cần đưa ra khung nguyên tắc để thẩm duyệt. Nhiều kiến trúc sư phàn nàn thiết kế nhà cao tầng chỉ lo phương án PCCC, trong khi với kiến trúc sư cần quan tâm đến vẻ đẹp, ấn tượng. Nhưng phương châm thiết kế, xây dựng nhà cao tầng thì tiêu chí an toàn con người là cao nhất.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Nguyễn Anh Dũng – Tổng Biên tập Báo Xây dựng cho biết: Ngoài các Đại biểu tham gia trực tiếp, Ban tổ chức đã nhận được nhiều tham luận của các đơn vị, doanh nghiệp gửi về, cũng tại Hội thảo các Đại biểu đã tập trung vào các ý kiến, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ cơ chế chính sách đến thực trạng công tác quản lý, tập huấn PCCC và cứu nạn cứu hộ tại các công trình cao tầng. Kỳ vọng của Hội thảo là đem đến nhiều thông tin trong thực tiễn công tác PCCC, thông qua vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng và các cơ quan truyền thông sẽ truyền tải các nội dung này, nhằm lan rộng các thông tin tại Hội thảo cho bạn đọc và các cơ quan, đơn vị quan tâm.

PV
.
.
.