Phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ

Thứ Năm, 06/01/2022, 17:06

Ngày 6/1, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022, với sự tham dự của lãnh đạo các tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2021 được triển khai trong bối cảnh đất nước đứng trước nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức có phần nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, thực hiện chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Tài chính đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng, bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khoá, quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ góp phần tích cực vào những kết quả đạt được trong việc thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép”: vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ -0
Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ngành Tài chính

Kết quả, thu NSNN năm 2021 đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, vượt 16,4% (219,9 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 18,6%GDP ước thực hiện (vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 15,5%GDP). Đáng lưu ý là cùng với đóng góp quan trọng của ngành hải quan trong tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên đã vượt mốc 668 tỷ USD, xuất siêu 4 tỷ USD giúp thu ngân sách trên 379,6 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, góp phần quan trọng vào cân đối ngân sách. Còn về công tác điều hành chi NSNN, Bộ Tài chính đã chủ động, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết năm 2021, đại dịch COVID-19 diễn ra khốc liệt trên toàn thế giới, nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của nước ta. Nhưng nhờ sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, phản ứng chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, chúng ta đã đạt được thành tựu rất đáng tự hào: Chính trị đất nước tiếp tục ổn định; an ninh, quốc phòng được tăng cường, củng cố; bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; ngoại giao được tăng cường; chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được đẩy mạnh; công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí được thực hiện quyết liệt… Đặc biệt, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 1,84%; các cân đối lớn được bảo đảm, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Những thành tựu và kết quả đạt được nêu trên, mở ra sự lạc quan với những cơ hội mới, triển vọng mới về sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Trong kết quả chung của cả nước, có đóng góp quan trọng của ngành Tài chính nói chung và Bộ Tài chính nói riêng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế của ngành Tài chính trong năm qua như sức ép lạm phát cao, nhất là chi phí đầu vào, logistics; vốn đầu tư toàn xã hội tăng thấp; vốn đầu tư công giải ngân chậm. Thu ngân sách tăng so với năm 2020 nhưng chưa cao, nhiều khoản thu chưa bền vững như tăng thu từ chứng khoán, bất động sản, dầu thô..., áp lực thâm hụt ngân sách gia tăng. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng 18% so với năm trước, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động; nợ thuế, trốn thuế có xu hướng tăng. Cổ phần hóa doanh nghiệp chậm, phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, tiền tệ chứa đựng nhiều rủi ro…

Năm 2022, Thủ tướng nêu rõ, dự báo tình hình có thời cơ và thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính phải bám sát chủ đề của năm đã được Chính phủ xác định là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém bất cập đã được chỉ ra, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, tham mưu chiến lược, không để bị động bất ngờ về các vấn đề liên quan tới tài chính, ngân sách. Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính lắng nghe ý kiến địa phương, các bộ ngành, tập trung đẩy mạnh 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, đặc biệt là xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp và người dân. Thủ tướng yêu cầu phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, chính sách này phải nâng đỡ, thúc đẩy chính sách kia, hết sức tránh lợi ích cục bộ. Cùng với đó, phải tìm biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi, rà soát kỹ, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, kiểm soát bội chi, quản lý nợ công theo hướng có thể tăng bội chi để phục hồi và phát triển kinh tế nhưng bảo đảm cân đối phù hợp tình hình. “Làm sao dòng vốn tín dụng, dòng tiền ngân sách phải đi vào đúng chỗ, kích thích, tạo động lực mới cho nền kinh tế. Muốn đạt được điều này phải làm trên cơ sở khoa học, dữ liệu thống kê thật tốt”, Thủ tướng nêu rõ.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phân tích, làm rõ những hạn chế, bất cập để làm tốt hơn công tác quản lý tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp, chống tiêu cực, ách tắc, phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm mang tính dài hạn, minh bạch và bền vững. Cùng với đó, kiểm soát phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tăng cường quản lý giá, thị trường; thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả, thị trường nhất là trong các dịp lễ, Tết; phối hợp chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, kiểm soát lạm phát trong phạm vi mục tiêu Quốc hội quyết định (CPI tăng 4%), góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống gian lận xuất xứ có hiệu quả. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch, chống thất thoát thuế, hướng tới thực hiện mục tiêu theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Ngoài ra, cần tiếp tục chủ động hội nhập, hợp tác tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại để nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế…

HÀ AN
.
.
.