Phối hợp hiệu quả chống buôn lậu xăng dầu, vàng và vận chuyển tiền tệ

Thứ Ba, 18/10/2022, 21:27

Chiều 18/10 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức hội nghị giao ban công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý III năm 2022. Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia dự và phát biểu ý kiến.

Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, quý III/2022, tình hình dịch bệnh COVID -19 ở Việt Nam và trên thế giới cơ bản được kiểm soát; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng gia tăng trở lại với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn. Đặc biệt, tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ các tỉnh phía nam, phát sinh nhiều vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là tiền và vàng.

Trên tuyến biển, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên biển và địa bàn liên quan vẫn diễn ra phức tạp, các đối tượng đẩy mạnh hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép mặt hàng có lợi nhuận cao như dầu DO, FO do nhu cầu sử dụng của người dân rất lớn và giá nhiên liệu trong nước vẫn ở mức cao, chênh lệch nhiều so với các nước trong khu vực.

Buôn lậu gia tăng trở lại -0
Toàn cảnh hội nghị

Đại tá Vũ Như Hà, Phó Cục trưởng Cục CSĐT TP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cho biết, hiện nay, nổi lên và “nóng” nhất là mặt hàng xăng dầu.

Về buôn lậu vàng và vận chuyển ngoại tệ qua biên giới, Đại tá Vũ Như Hà, cho biết, qua vụ buôn lậu lớn đã bị bắt giữ cho thấy một đường dây ở khu vực miền tây Nam bộ có thể đưa qua biên giới cả trăm ký lô vàng trong vòng 1 ngày và một lượng ngoại tệ lớn, ngoài việc bắt giữ hơn 100 ký lô vàng, lực lượng Công an còn bắt giữ khoảng 3 triệu USD và khoảng 30 tỷ đồng liên quan đến hoạt động vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ qua biên giới.

Có một thực tế là đối với vàng, nguyên nhân buôn lậu ngoài việc là do chênh lệch giá thế giới và trong nước, thì còn do hiện nay nhu cầu về vàng sản xuất nữ trang trong nước là có thật, và nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang hạn chế sản xuất vàng miếng, nguồn nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang từ năm 2013 đến nay chúng ta không nhập về nữa. Do vậy, các đối tượng buôn lậu sẽ có thể tập trung vào buôn lậu vàng nguyên liệu để đưa vào Việt Nam.

Buôn lậu gia tăng trở lại -0
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia phát biểu tại hội nghị.

Về ngoại tệ, diễn biến khá phức tạp, năm trước, lực lượng Công an phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan, đơn vị Thuế đã triệt phá một đường dây rất lớn về vận chuyển ngoại tệ từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài, thông qua các loại hình về hợp đồng ngoại thương giả, liên quan đến công tác quản lý của Ngân hàng Nhà nước, của Hải quan, Thuế… Điều đó cho thấy, vẫn còn kẽ hở trong hoạt động này để các đối tượng lợi dụng, vận dụng lập các hợp đồng ngoại thương giả nhằm vận chuyển ngoại tệ trái phép.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho rằng, thời gian qua, lực lượng Hải quan và Công an đã phối hợp rất hiệu quả, đặc biệt trong công tác đấu tranh phòng chống ma tuý, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài và buôn lậu vàng. Các lực lượng đã phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các thủ đoạn, phương thức buôn lậu mới. Hiện, lực lượng Hải quan phối hợp với Cảnh sát kinh tế theo dõi và xác minh tình trạng nhập khống hàng hoá để chuyển tiền ra nước ngoài. Có trường hợp số lượng tiền hàng tồn lên khoảng 3.000 tỷ đồng, hiện đang xác minh, lập hồ sơ nhập khẩu.

Về công tác trong phòng chống buôn lậu trong thời gian tới, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia, lưu ý, trước đây hàng lậu vận chuyển công khai qua đường mòn lối mở qua biên giới, hiện giờ chỉ còn thuốc lá vận chuyển qua miền Tây theo phương thức này. Hiện nay, chủ yếu là lợi dụng thành lập các DN mở tờ khai, nhập khẩu hàng hoá qua đường chính ngạch, đây là một trong những thủ đoạn mà Hải quan cũng rất vất vả trong kiểm soát. Cùng với đó, DN lợi dụng việc thành lập các DN được ưu đãi, DN chế xuất, DN lắp ráp trên địa bàn của Việt Nam để buôn lậu, lẩn tránh xuất xứ và trốn thuế. Thực tế, đang tồn tại kiểu dạng này rất nhiều, do vậy lực lượng Công an, cả Hải quan và Công Thương cần rà soát. Trong thời gian tới, lực lượng Công an và các lực lượng cần lưu ý về vấn đề chống buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, vàng và vận chuyển tiền tệ.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho rằng, tới đây, khi Trung Quốc mở cửa, thì nguy cơ bùng nổ buôn lậu vào những tháng cuối năm này là rất hiện hữu, do vậy, đề nghị các lực lượng cần phải tập trung rất cao và có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Hải quan với Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường, Cảnh sát biển, với lực lượng Công an nhất là Cảnh sát kinh tế, An ninh kinh tế, tạo thành một thế trận để ngăn ngừa hoạt động buôn lậu. Địa bàn phía Bắc vẫn tập trung các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Nội; miền Trung vẫn là Hà Tĩnh, Quảng Trị và Kontum; Tây Nam bộ là Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang. Ngoài ra, đặc biệt cũng cần lưu ý tuyến hàng không, tuyến đường sắt. Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để có kế hoạch đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 99.975 vụ việc vi phạm (giảm 3,79 % so với cùng kỳ năm 2021), trong đó: 12.275 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 82.678 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 1.866 vụ hàng giả, vi phạm SHTT. Thu nộp NSNN 7.666 tỷ đồng (tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021), khởi tố 380 vụ (giảm 76,47 % so với cùng kỳ năm 2021), 472 đối tượng (giảm 78,03 % so với cùng kỳ năm 2021).  

Trong đó, lực lượng Công an điều tra, xử lý 89 vụ buôn lậu, 187 vụ sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm; 38 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả; 21 vụ trốn thuế. Phát hiện, xử lý 149 vụ,152 cá nhân, 12 tổ chức phạm tội về môi trường. Phát hiện 6.694 vụ, 10.066 đối tượng phạm tội về ma túy.

Lưu Hiệp
.
.
.