Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: vấn đề bảo vệ cán bộ xung đột với các quy định hiện hành

Thứ Ba, 07/11/2023, 17:06

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang lo ngại việc phân cấp phân quyền nếu không khéo có thể khiến các địa phương không kham nổi việc và dẫn đến mất cán bộ.

Chiều 7/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng, Trưởng ngành thuộc các nhóm lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; ANTT, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán. Cuối phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã trả lời, làm rõ thêm những vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn. 

"Phân cấp, liệu địa phương có kham được không?"

Vấn đề nhiều đại biểu quan tâm mà Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giải trình là vấn đề phân cấp phân quyền. “Đây là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt và là mục tiêu giải pháp cho rất nhiều việc bởi chính các địa phương mới biết thế nào là tốt nhất cho mình. Nếu giải quyết việc phân cấp thì tránh phải cải cách thủ tục hành chính rất lớn. Song, không phải không có những vướng mắc trong việc phân cấp. Trước hết là vướng mắc về quy định chuyên ngành, vì phân cấp xong lại đụng các luật khác khiến các địa phương phía dưới không dám làm. Bên cạnh đó, vẫn còn ở nơi này nơi khác không muốn phân cấp, phân quyền, muốn ôm việc vì sợ mất quyền lực của mình” – Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ; đồng thời bày tỏ băn khoăn, khi phân cấp thì năng lực của chính quyền địa phương có đủ sức thực hiện được hay không. Điển hình, sắp tới sẽ cho phép chính quyền cấp huyện quyết định trộn nguồn vốn ba chương trình mục tiêu quốc gia, thí điểm ở mỗi tỉnh một huyện nhưng địa phương rất lo lắng vì không biết có kham được không. 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: vấn đề bảo vệ cán bộ xung đột với các quy định hiện hành -0
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trả lời, làm rõ thêm những vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn.

"Nếu không khéo, sau này lại mất cán bộ vì anh em không đủ sức" – Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói và cho biết, trong thời gian tới, đẩy mạnh phân cấp nhưng sẽ chọn thứ tự ưu tiên, kết hợp kiểm tra giám sát tăng cường kỉ luật kỉ cương hành chính và chuyển đổi số.

Muốn bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, phải sửa thêm luật 

 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đề cập về hành lang pháp lý để khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nêu thực tế bối cảnh hiện nay, nhiều người có trách nhiệm nhưng lại né tránh, đùn đẩy công việc. Tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 với ba nội dung lớn là tôn vinh, khen thưởng; có cơ hội thăng tiến tốt hơn cho cán bộ và cuối cùng là bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.  Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ cán bộ xung đột với các quy định hiện hành, đòi hỏi phải sửa luật. Do đó, hiện nay mới chỉ làm được một việc. Người đứng đầu cơ quan đơn vị có trách nhiệm xem xét thấu đáo, có trách nhiệm về khuyết điểm, hạn chế thậm chí vi phạm của cán bộ, xét động cơ, phạm vi, tâm thế muốn đóng góp cho cái chung của họ để xác định trách nhiệm và đề xuất xử lý vi phạm của cán bộ. 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: vấn đề bảo vệ cán bộ xung đột với các quy định hiện hành -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp.

Đánh giá đây là vấn đề khó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong các đại biểu chia sẻ và đề xuất sửa đổi một số điều trong một số luật. “Gần đây Thủ tướng đã chỉ đạo tổ chức 26 đoàn của 26 thành viên Chính phủ chia ra kiểm tra 63 tỉnh, thành phố để xem các địa phương vướng gì và đã tổng kết có 513 vướng mắc. Song, vấn đề là chưa có ai bị kiểm điểm, kỷ luật về việc chậm trễ" – Phó Thủ tướng nói và mong bộ, ngành, địa phương, các đại biểu quốc hội chia sẻ chung tay góp sức.

Thu Thuỷ
.
.
.