Phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh

Chủ Nhật, 20/11/2022, 12:59

Phát triển khu vực Tây Nguyên bền vững là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, gắn liền phát triển kinh tế, xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Sáng 20/11, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã diễn ra hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng, với chủ đề “Phát triển xanh – hài hòa – bền vững”.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chỉnh phủ dự và chủ trì hội nghị. Tham dự còn có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, lãnh đạo các ban, bộ, lãnh đạo UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên, đại diện các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và hiệp hội các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Về phía lãnh đạo Bộ Công an có Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.

Phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên gắn liền với quốc phòng, an ninh -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị.

Nghị quyết số 23-NQ/TW khẳng định: Vùng Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Phát triển Tây Nguyên bền vững là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, gắn liền phát triển kinh tế, xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Quy mô kinh tế vùng Tây Nguyên tăng nhanh. Năm 2020 gấp 14 lần năm 2002 và 3,1 lần năm 2010. Tốc độ tăng tổng sản phẩm giai đoạn 2002-2020 trung bình đạt 8%/năm. Các loại nông sản chủ lực chiếm tỉ lệ cao, nhất là cây công nghiệp. Du lịch có bước phát triển mạnh mẽ, đã hình thành các chuỗi du lịch liên vùng, có sức hấp dẫn cao. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai có hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa. Thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được củng cố, nhất là trên tuyến biên giới và các địa bàn xung yếu, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên gắn liền với quốc phòng, an ninh -0
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Triển lãm ảnh Tây Nguyên xanh Hài Hoà - Bền Vững do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch phối hợp cùng tỉnh Lâm Đồng thực hiện.

Tuy nhiên, Tây Nguyên vẫn còn những hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có dấu hiệu chậm lại, GRDP bình quân đầu người ở mức thấp nhất so với 6 vùng kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài còn hạn chế, giảm nghèo chưa bềnh vững. Tình trạng di dân tự do vào Tây Nguyên còn diễn biến phức tạp. Tỷ lệ che phủ rừng giảm mạnh. Công tác chăm sóc sức khỏe, dịch vụ y tế còn thấp so với cả nước. Hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ, tính liên kết vùng yếu, nhất là hạ tầng chiến lược…

Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra cho vùng Tây Nguyên giai đoạn 2021-2030 tốc độ tăng trưởng GRDP trung bình đạt từ 7-7,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người phải đạt 130 triệu đồng. Giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 6,5%, đóng góp của TFP (năng suất nhân tổ tổng hợp) vào tăng trưởng GRDP khoảng 39%. Năm 2030, tỉ lệ che phủ rừng đạt 47%...

Phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên gắn liền với quốc phòng, an ninh -0
Thủ tướng thăm các gian hàng trưng bày sản vật vùng Tây Nguyên.

Để đạt được mục tiêu trên, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó mục tiêu Phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vũng được đặt lên hàng đầu, tiếp đó là phát triển văn hóa, xã hội và nguồn nhân lực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, du lịch đặc sắc; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng; đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vùng Tây Nguyên cũng được Bộ Chính trị đặc biệt quan tâm và đưa vào Nghị quyết số 23-NQ-TW.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 15/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ. Chính chủ đã yêu cầu các bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh trong vùng tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả 7 nhóm nhiệm vụ, đồng thời đề ra các tiêu chí cụ thể đến năm 2030 phải đạt được cho vùng Tây Nguyên.

Chính phủ cũng đã nêu ra nhiệm vụ, đề án cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW. Theo đó, giai đoạn 2023 – 3026, Chính phủ sẽ thực hiện 23 nhiệm vụ, đề án thuộc các nhóm Giải pháp phát triển kinh tế nhanh và bền vững; Nhóm giải pháp phát triển văn hóa, xã hội, nguồn lực và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; Nhóm giải pháp tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng và nhóm Giải pháp đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên gắn liền với quốc phòng, an ninh -0
Lãnh đạo Bộ Công an cùng các đại biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, địa phương, đối tác nước ngoài, doanh nghiệp đã có những tham luận về kế hoạch để thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW. Dịp này, hội nghị cũng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào 17 dự án ưu tiên ở vùng Tây Nguyên, đồng thời trao Giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp.

Theo tham luận của Bộ Công an gửi tới các đại biểu tham dự hội nghị, những năm qua, lực lượng Công an đã phát huy vai trò nòng cốt, triển khai đồng bộ các biện pháp, giữ vững an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên. Lực lượng Công an đã nắm chắc tình hình, đấu tranh làm thất bại nhiều kế hoạch đưa người, phương tiện, vũ khí, ý đồ thành lập lực lượng vũ trang, tiến hành khủng bố, phá hoại trong nội địa. Vô hiệu hóa nhiều âm mưu tuyên truyền, gây mâu thuẫn dân tộc; lôi kéo người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên ra nước ngoài để huấn luyện, kích động tín đồ gây rối, biểu tình, bạo loạn; kiềm tỏa, làm giảm quy mô, tính chất chống phá của các đối tượng FULRO lưu vong; đập tan âm mưu, ý đồ li khai tự trị đòi lập cái gọi là “nhà nước Đêga”...

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, gây mất ổn định chính trị đối với Tây Nguyên. Tranh chấp, khiếu kiện vẫn phức tạp kéo dài, tội phạm xuyên biên giới, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có yếu tố nước ngoài… tiếp tục gây ảnh hưởng tới mục tiêu xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn và lành mạnh.

Để góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình hành động của Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, Bộ Công an đã đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên gắn liền với quốc phòng, an ninh -0
Nhiều loại nông sản của vùng Tây Nguyên được giới thiệu tại triển lãm.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu ra những nhiệm vụ để phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên gắn liền với quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên xuất phát từ thực tiễn của từng địa phương. Lấy phát triển hạ tầng giao thông, kết nối vùng là nhiệm vụ chiến lược; tập trung mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng Tây Nguyên. Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy mạnh phát triển các trường đại học, trường dạy nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tập trung phát triển kinh tế số, xanh, phát triển rừng… đồng thời mở rộng sản phẩm liên kết tuần hoàn, đảm bảo năng xuất, chất lượng; đánh thức tiềm năng phát triển văn hóa gắn với du lịch; tăng cường các giải pháp, xây dựng môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư nước ngoài…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định, việc xúc tiến đầu tư vào vùng Tây Nguyên là nhiệm vụ thường xuyên. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương trước mặt tập trung hoàn thiện quy hoạch, thúc đẩy đầu tư công, đẩy mạnh các chương trình mục tiêu quốc gia, tăng thu, tiết kiệm chi, hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn… triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để đẩy mạnh phát triển kinh tế…

Khắc Lịch
.
.
.