Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước
Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu kết luận hội nghị, yêu cầu các cấp ủy phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc để việc thực hiện nghị quyết đạt kết quả cao; không để xảy ra tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”, còn hình thức, đối phó.
Chiều 4/12, Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục nghe Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa truyền đạt Nghị quyết 45 của Hội nghị Trung ương 8 về “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”.
Nói về nội dung này, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ: sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, đội ngũ trí thức Việt Nam có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, hội nhập quốc tế. Nhiều công trình, sản phẩm khoa học, công nghệ, văn hóa, tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao, góp phần quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một bộ phận trí thức có năng lực, trình độ, tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức còn bất cập; thiếu cơ chế, chính sách đột phá trong đầu tư, huy động nguồn lực đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh trí thức, nhất là trí thức tinh hoa; thiếu hụt chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực quan trọng; chưa tạo được môi trường thuận lợi động viên trí thức chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ.
Về quan điểm phát triển đội ngũ trí thức theo Nghị quyết 45, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ: “Thành tố thứ nhất, đội ngũ trí thức phải là lực lượng lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu về một lĩnh vực, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo. Thành tố thứ hai, trí thức phải giàu lòng yêu nước, có đạo đức và lý tưởng cách mạng gắn bó với Đảng, Nhà nước và dân tộc. Thành tố thứ ba, đội ngũ trí thức phải có trách nhiệm tiên phong tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Thành tố thứ tư, đội ngũ trí thức là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển đội ngũ trí thức về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu, lĩnh vực mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo khả thi, đồng bộ, tạo cơ hội, điều kiện, động lực cho đội ngũ trí thức phát triển toàn diện, nâng cao năng lực, trình độ và cống hiến cho đất nước. Phát triển cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đạt trình độ tiên tiến thuộc nhóm hàng đầu châu Á; trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh được xếp hạng trong nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới.
Nêu 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thời gian tới, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, trong đó tập trung đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài.
“Đây là giải pháp trong thời gian tới phải tạo ra đột phá. Đây là điểm yếu trong Nghị quyết 27 mà 15 năm chúng ta chưa tạo ra đột phá thì lần này phải tạo đột phá. Vậy làm gì để đạt được kết quả? Trung ương xác định, phải tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa về chất lượng, đào tạo nhân lực trình độ công nghệ cao, bồi dưỡng nhân tài trong các cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học. Xác định hướng nghiên cứu trọng điểm, ưu tiên gắn với yêu cầu đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; kịp thời phát hiện nhân tài trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài”– đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh và nêu rõ các giải pháp về hoàn thiện thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới; có cơ chế phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, đề cao đạo đức trách nhiệm của trí thức trong hoạt động khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo; tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng khoa học, công nghệ và đào tạo; nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển; chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ; phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức, nhất là các nhà khoa học giỏi, chuyên gia đầu ngành, nhân tài, nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc; đoàn kết góp phần tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ, đây là bước khởi đầu để nghị quyết đi vào cuộc sống. Qua đây, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải tiếp tục nghiên cứu đầy đủ, toàn diện các nghị quyết. Nêu cao trách nhiệm, nỗ lực để đảm bảo các nghị quyết đạt được thực chất, gắn với từng địa phương, đơn vị. Trên cơ sở đó, làm tốt tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận cao trong nhân dân.
Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chỉ rõ quá trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với một số cấp ủy, tổ chức đảng cho thấy, một số nghị quyết, chủ trương quan trọng ở mặt này, mặt khác, ở một số tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ, chưa sâu sát, chưa quyết tâm cao. Nơi này, nơi kia tổ chức thực hiện còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.
Do đó, sau hội nghị này, đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu các cấp ủy phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc để việc thực hiện nghị quyết đạt kết quả cao. Không để xảy ra tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”, còn hình thức, đối phó, sao cho nghị quyết đi vào cuộc sống một cách thực chất nhất.
Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh nhiệm vụ 2024 triển khai trong bối cảnh tình hình trong nước, thế giới bên cạnh thuận lợi còn có khó khăn, thách thức, một số phát sinh có thể nằm ngoài dự kiến. Một số địa phương phải tăng tốc, đột phá mới có thể đạt được mục tiêu, chỉ tiêu. Do đó, đòi hỏi phải chủ động, nắm chắc tình hình, kịp thời có giải pháp phù hợp, không để bị động, bất ngờ.