Phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị

Thứ Năm, 25/05/2023, 10:50

Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ gắn với quá trình hoạt động cách mạng của Người mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục, lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đến nhân dân cả nước.

Sáng 25/5, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Sĩ quan Chính trị tổ chức hội thảo khoa học “Phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong QĐND Việt Nam”. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2023, đặc biệt là kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023), 75 năm Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị -0
Các đại biểu đồng chủ trì hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; lãnh đạo, đại biểu Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trường Sĩ quan Chính trị; các tướng lĩnh, nhà khoa học trong và ngoài Quân đội; đại biểu nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương…

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhấn mạnh, Di sản Hồ Chí Minh là một tổng thể thực tiễn và lý luận, bao gồm toàn bộ cuộc đời sinh động, sự nghiệp vĩ đại, tư tưởng tiến bộ, đạo đức sáng ngời và phong cách giản dị, cao quý của Người. Di sản ấy mang tính phổ quát, vượt thời đại và vẹn nguyên tính thời sự; là sự kết tinh giữa văn hóa Việt Nam và tinh hoa văn hóa nhân loại, là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Theo Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng, trong những năm tháng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, bước chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã in dấu ở hầu hết mọi miền của đất nước. Để đến hôm nay, chúng ta đã có hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (gọi tắt là Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh) do Bảo tàng Hồ Chí Minh là đơn vị đầu hệ, cùng 14 đơn vị chi nhánh với hàng chục địa điểm, điểm di tích khác nhau.

Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ gắn với quá trình hoạt động cách mạng của Người mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục, lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đến nhân dân cả nước. Trong những năm qua, Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành những “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc và tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân nói chung, cũng CBCS trong QĐND Việt Nam nói riêng. Đây đồng thời còn là những điểm tham quan có ý nghĩa lịch sử - văn hóa; giúp cho du khách trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về thân thế, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước, con người Việt Nam.

Phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị -0
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Đề dẫn hội thảo, Trung tướng, PGS-TS Nguyễn Hùng Oanh - Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị, nhấn mạnh: Là con người của lịch sử và làm ra lịch sử, tầm vóc vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện ở cả thực tiễn và lý luận với các giá trị trường tồn, lớn lao về tư tưởng, phong cách, đạo đức; nghị lực sống và lý tưởng cách mạng. Và trong hành trình vĩ đại của Người, luôn gắn liền với các di tích, chứng liệu, hiện vật lịch sử khác nhau - đây là một phần di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, là bằng chứng thuyết phục để lan tỏa nguồn năng lượng vô giá cho các thế hệ của ngày hôm qua, hôm nay và mai sau.

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh đề nghị, với ý nghĩa và tầm quan trọng của hội thảo, các nhà khoa học và đại biểu tham dự hội thảo cần phát huy trí tuệ, trách nhiệm, tập trung làm rõ giá trị cơ bản Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giáo dục thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trong thời kỳ mới; phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, nhất là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, bồi đắp niềm tin, tình cảm cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, xây dựng văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Trung tướng Nguyễn Doãn Anh cũng đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương thường xuyên quan tâm giúp đỡ, phối hợp với các cơ quan, đơn vị Quân đội để tiếp tục đẩy mạnh giáo dục truyền thống cách mạng cho các lực lượng, nhất là thế hệ trẻ thông qua các di tích, cụm Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cả nước; nâng cao nhận thức cho Nhân dân về truyền thống vẻ vang của Quân đội, vai trò của Quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mối quan hệ quân - dân cá nước, góp phần lan tỏa nét đẹp phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.

Tại hội thảo, tham luận của các đại biểu đã tập trung luận chứng, làm sáng tỏ quan niệm và nội hàm của quan niệm về di tích, giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, cung cấp cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trường Sĩ quan Chính trị những luận cứ khoa học có giá trị nhằm bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là các di tích cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt và cấp tỉnh ở các địa phương trong cả nước.

Phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị -0
Đoàn Chủ tịch hội thảo và các đại biểu tham dự hội thảo.

Các tham luận cũng tập trung phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện những giá trị của Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Trên cơ sở những “chứng tích” lịch sử đó, để khẳng định và rút ra ý nghĩa trong giáo dục truyền thống cách mạng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế.

Đồng thời phân tích, đánh giá thực trạng của việc phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Từ đó, đề xuất những giải pháp vừa có tính khả thi cao; vừa phù hợp với sự phát triển của thực tiễn, để phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị ở các cơ quan, đơn vị Quân đội; đánh giá khách quan, dự báo xu hướng vận động và đề xuất các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trước những tác động, ảnh hưởng của bối cảnh thế giới và trong nước…

Phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị -1
Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày sách tại hội thảo.

Đây là hội thảo khoa học có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định, phát triển, làm sâu sắc thêm những vấn đề về lý luận, thực tiễn giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác tuyên truyền, giáo dục về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đề xuất giải pháp, kiến nghị để phát huy ý nghĩa chính trị, giá trị lịch sử, văn hóa và du lịch của Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong QĐND Việt Nam hiện nay. Rút ra kinh nghiệm tiếp tục xây dựng, bổ sung luận cứ khoa học về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị và đào tạo bồi dưỡng cán bộ Quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị -1
Đại biểu dự hội thảo tham quan khu vực trưng bày ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 100 bài tham luận của cán bộ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu từ các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng; cán bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội. Ban biên tập nội dung hội thảo đã lựa chọn được 69 bài tham luận tiêu biểu, biên soạn thành kỷ yếu hội thảo.

Khổng Hà
.
.
.