Phát huy giá trị Đề cương Văn hóa Việt Nam trong bảo vệ Tổ quốc và xây dựng lực lượng CAND

Thứ Hai, 12/06/2023, 18:16

Chiều 12/6, tại tỉnh Nam Định, Đảng ủy Công an Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Nam Định và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Phát huy giá trị Đề cương Văn hóa Việt Nam trong xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định đồng chủ trì Hội thảo.

Phát huy giá trị Đề cương Văn hóa Việt Nam trong bảo vệ Tổ quốc và xây dựng lực lượng CAND -0
Đại tướng, GS.TS Tô Lâm; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng; Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ; đồng chí Phạm Gia Túc đồng chủ trì Hội thảo.

Dự hội thảo còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài lực lượng CAND.

Phát biểu khai mạc, đề dẫn hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, hơn 80 năm qua, bản Đề cương về văn hóa Việt Nam đã thấm sâu vào các chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng trên mỗi bước đi và trong suốt tiến trình cách mạng. Những tư tưởng mang tầm nhìn vượt thời gian của bản Đề cương đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo, bổ sung phát triển, làm cho văn hóa từng bước không chỉ được đặt ngang hàng mà còn thẩm thấu sâu hơn, lan tỏa mạnh hơn trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và quốc phòng, an ninh…

Phát huy giá trị Đề cương Văn hóa Việt Nam trong bảo vệ Tổ quốc và xây dựng lực lượng CAND -0
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại hội thảo.
Phát huy giá trị Đề cương Văn hóa Việt Nam trong bảo vệ Tổ quốc và xây dựng lực lượng CAND -0
Toàn cảnh hội thảo.

Hội thảo khoa học hôm nay là diễn đàn quan trọng để tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại của bản Đề cương về Văn hoá Việt Nam đối với công cuộc xây dựng, chấn hưng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đặc biệt, kế thừa, phát huy và lan toả những giá trị to lớn, bền vững của bản Đề cương, đẩy mạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Kết luận của Hội nghị văn hoá toàn quốc và đặc biệt là Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XIII về "đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới"…

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tập trung thảo luận làm sâu sắc hơn và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm vận dụng sáng tạo, phát huy giá trị của bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam đối với xây dựng lực lượng CAND trong tình hình mới, trên một số vấn đề như: xây dựng văn hoá CAND là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền văn hóa dân tộc, nền văn hoá cách mạng, văn hoá chính trị và văn hoá của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam; xây dựng lực lượng CAND thật sự vững mạnh về tư tưởng, bản lĩnh chính trị, giỏi và tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng lực lượng CAND thật sự vững mạnh, đấu tranh kiên cường và sáng tạo trên mặt trận tư tưởng, văn hoá; xây dựng phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng và hình ảnh cao đẹp của người chiến sỹ, cán bộ, đảng viên CAND…

Phát huy giá trị Đề cương Văn hóa Việt Nam trong bảo vệ Tổ quốc và xây dựng lực lượng CAND -0
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo.
Phát huy giá trị Đề cương Văn hóa Việt Nam trong bảo vệ Tổ quốc và xây dựng lực lượng CAND -0
Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, dưới sự điều hành của Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ và đồng chí Phạm Gia Túc, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tập trung thảo luận, khẳng định và làm sâu sắc ý nghĩa lịch sử, tinh thần thời đại và những giá trị vững bền của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam trong tiến trình vận động, phát triển của lịch sử dân tộc, trong công cuộc kháng chiến kiến quốc và xây dựng nền văn hóa mới; thấy được sức lan tỏa cũng như việc vận dụng, phát huy những giá trị của Đề cương trong quá trình xây dựng và trưởng thành của lực lượng CAND…

Phát biểu tổng kết và bế mạc hội thảo, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, các tham luận gửi đến hội thảo đã tập trung khẳng định, Đề cương về văn hóa Việt Nam là một sự kiện có giá trị lịch sử và thời đại, khẳng định tư duy, tầm nhìn, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng ta về cách mạng và văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Có thể nói, Đề cương là bản tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc và giá trị to lớn về nhiều mặt đối với việc định hình, định hướng tư duy lý luận của Đảng về văn hóa nói riêng và đối với tiến trình cách mạng Việt Nam nói chung trong suốt 80 năm qua. Những giá trị ấy đã được Đảng ta kế thừa, bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo trong điều kiện, bối cảnh mới hiện nay; nhờ đó, lý luận về văn hóa Việt Nam đã có những bước phát triển mới về chất, góp phần đưa đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử…

Bộ trưởng Tô Lâm tổng kết, hội thảo hôm nay đã tiếp tục khẳng định, Đề cương về văn hóa Việt Nam có giá trị và ý nghĩa to lớn đối với nhiệm vụ phát triển văn hóa CAND. Nhiều tham luận đã làm nổi bật những kết quả đạt được trong việc phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam vào thực tiễn công tác bảo đảm ANTT của lực lượng CAND, làm rõ hơn vai trò nòng cốt của lực lượng CAND trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, trong công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ truyền thống văn hóa, chuẩn mực đạo đức của người Việt Nam.

Các tham luận cũng khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại và an ninh, quốc phòng; phát huy vai trò của văn hóa trong việc xây dựng, hình thành nhân cách, phẩm chất, chuẩn mực văn hóa, đạo đức của người chiến sĩ CAND “Tận trung với nước, tận hiếu với dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc”.

Đồng thời, hội thảo cũng đã rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển văn hóa CAND; trong đó, đặc biệt là phải luôn gắn việc xây dựng, phát triển văn hóa CAND với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Sáu điều Bác Hồ dạy CAND về “Tư cách người Công an cách mệnh”, các phong trào thi đua, cuộc vận động, như: Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ; phong trào xây dựng “Đơn vị văn hóa, gương mẫu, chấp hành điều lệnh CAND”…

Phát huy giá trị Đề cương Văn hóa Việt Nam trong bảo vệ Tổ quốc và xây dựng lực lượng CAND -0
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.

Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá, hội thảo đã tập trung làm rõ bối cảnh tình hình hiện nay, tiềm ẩn nguy cơ tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo đảm ANTT, xây dựng lực lượng CAND, đặc biệt là nêu rõ những yếu tố tác động đến việc phát triển văn hóa CAND trong tình hình mới.

Bộ trưởng Tô Lâm trân trọng cảm ơn các ý kiến tham luận, xin ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp và các kiến nghị, giải pháp vận dụng các quan điểm, đường lối của Đề cương về văn hóa Việt Nam, đưa ra những chính sách về phát triển văn hóa hiện nay. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa con người nói chung và văn hóa của cán bộ, chiến sĩ CAND nói riêng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong tình hình mới. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an sẽ tổ chức nghiên cứu nghiêm túc, thấu đáo để tiếp tục tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp phù hợp về xây dựng văn hóa Việt Nam.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, Công an các đơn vị, địa phương nói chung và mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND nói riêng cần quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa để xây dựng và phát triển văn hóa CAND liêm chính, mẫu mực, vì nhân dân phục vụ, hạt nhân là xây dựng và thực hành văn hóa trong Đảng bộ CAND với những giá trị quý báu: Văn hóa chính trị “tuyệt đối trung thành”, “bản lĩnh”, “đoàn kết”; Văn hóa công vụ “tận tụy”, “tận tâm”, “liêm khiết”; Văn hóa ứng xử “vì nhân dân phục vụ”; mang đậm tính nhân văn; có ý nghĩa định hướng quan trọng trong thực tiễn công tác chiến đấu và sinh hoạt. Trên cơ sở đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của các tổ chức đảng trong CAND, xây dựng Đảng bộ Công an Trung ương thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tương, tổ chức, đạo đức và cán bộ; là đảng bộ kiểu mẫu, tiêu biểu về phẩm chất, năng lực lãnh đạo, để Công an thực sự là lực lượng tin cậy, là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu, cấp ủy, lãnh đạo các cấp trong CAND cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ; các phong trào văn hóa, văn nghệ trong CAND cần được duy trì thường xuyên, với nhiều hình thức phong phú, cách làm sáng tạo hơn để đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND phải thực sự mẫu mực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thường xuyên tự soi, tự sửa, không ngừng nâng cao năng lực, tu dưỡng, rèn luyện, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, thực hiện “gần dân, trọng dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân”, nêu cao tinh thần phụng sử Tổ quốc, phục vụ nhân dân, “khi dân cần, khi dân khó, có Công an”; quán triệt nghiêm túc lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” để lực lượng CAND là “thanh bảo kiếm” sắc bén bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân; sẵn sàng chấp nhận hy sinh, gian khổ, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân…

Một số ý kiến tham luận tại hội thảo:

Tại hội thảo các đại biểu đã tập trung tham luận làm rõ ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận, thực tiễn, sức sống lâu bền và quá trình kế thừa, vận dụng, phát triển những nội dung cốt lõi của Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới hiện nay. Bên cạnh đó làm rõ vai trò, trách nhiệm của lực lượng CAND trong xây dựng và bảo vệ nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát huy vai trò và xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đồng thời, khắc ghi tình cảm của Tổng Bí thư Trường Chinh với quê hương Nam Định và quê hương Nam Định với Tổng Bí thư Trường Chính.

Phát huy giá trị Đề cương Văn hóa Việt Nam trong bảo vệ Tổ quốc và xây dựng lực lượng CAND -0
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Unesco Việt Nam Hà Kim Ngọc tham luận tại hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Unesco Việt Nam Hà Kim Ngọc chia sẻ, Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời chính là để cứu dân tộc trước họa nô dịch và nguy cơ diệt vong về văn hóa. Dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo ánh sáng soi đường của ngọn đuốc Đề cương văn hóa, đã đứng lên giải phóng dân tộc, khẳng định chính mình, từng bước vươn lên sánh vai với với bạn bè năm châu, bốn biển. Trong triển khai đối ngoại của lực lượng an ninh, một điểm quan trọng là sự uyển chuyển, linh hoạt và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng CAND đã xác định rõ mục tiêu của chiến lược an ninh đối ngoại cũng như mỗi bước đi trong quan hệ với cơ quan thực thi pháp luật các nước, các đối tác “thêm bạn bớt thủ”, đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc…

Phát huy giá trị Đề cương Văn hóa Việt Nam trong bảo vệ Tổ quốc và xây dựng lực lượng CAND -0
Th.s Nguyễn Hoài Anh, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, trình bày tham luận tại hội thảo.

Theo Th.s Nguyễn Hoài Anh, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật: Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời trong bối cảnh Đảng ta chưa có điều kiện thuận lợi để nghiên cứu một cách sâu sắc, toàn diện các vấn đề liên quan đến nền văn hóa nước nhà, tuy nhiên, ngay khi được công bố, bản Đề cương đã là ngọn cờ tập hợp các nhà văn hóa, văn nghệ, trí thực giàu lòng yêu nước, có tinh thần dân tộc của nước ta thời ấy. Điều này khẳng định sức vóc to lớn, tầm nhìn chiến lược của Đề cương trong định hướng về tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa cho toàn Đảng, toàn dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tạo nền tảng ban đầu cho việc xây dựng một nền văn hóa mới…

Phát huy giá trị Đề cương Văn hóa Việt Nam trong bảo vệ Tổ quốc và xây dựng lực lượng CAND -0
Đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương, tham luận tại hội thảo.

Trong bài tham luận, đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương đã nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý kịp thời, nghiêm minh, dứt điểm những cán bộ, đảng viên vi phạm và thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. Đồng chí Nguyễn Đức Hà cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp phải đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đang viên; quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, với phương châm “Đảng viên giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu”…

Xuân Trường
.
.
.