Phân bổ ngân sách công khai, minh bạch, tránh xin-cho

Thứ Hai, 19/12/2022, 18:43

Chiều 19/12, Bộ Tài chính tổ chức tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị.

Thu ngân sách đã vượt gần 20% so với dự toán năm

Báo cáo tổng kết công tác năm 2022 của Bộ Tài chính nêu rõ, năm 2022, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, ứng phó hiệu quả, kịp thời với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước; cân đối đảm bảo nguồn lực hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

Cùng với việc tổ chức thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí theo các văn bản đã ban hành từ cuối năm 2021 có hiệu lực thi hành trong năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời có những điều chỉnh về chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phân bổ ngân sách công khai, minh bạch, tránh xin-cho -0
Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Theo đó, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đến thời điểm 15/12/2022 đã cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vừa qua vào tháng 10/2022. Trong đó, thu ngân sách trung ương vượt 19,3% dự toán; thu ngân sách địa phương vượt 20,4% dự toán. Cũng tính đến ngày 15/12/2022, đã thực hiện miễn, giảm, giãn khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình phục hồi, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung 6.840 tỷ đồng thực hiện Chương trình từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021. Đồng thời, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; rà soát sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; kiên quyết cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2022 chưa phân bổ để bổ sung nguồn lực thực hiện Chương trình. Tổng hợp số cắt giảm của các bộ, cơ quan trung ương được khoảng 533 tỷ đồng. Ước tính năm 2022, bội chi NSNN (bao gồm Chương trình phục hồi) thực hiện phấn đấu khoảng 4% GDP. Dự kiến đến cuối năm 2022, dư nợ công khoảng 43-44% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 40-41% GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 40-41% GDP.

Với các kết quả nổi bật nêu trên, có thể khẳng định, năm 2022 trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ tài chính –NSNN. Năm 2022, Việt Nam tiếp tục được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, “triển vọng ổn định”. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, “triển vọng ổn định”.

Tập trung làm tốt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm chung của cả ngành Tài chính và của toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính, các địa phương đã nỗ lực, góp phần vào thành công chung của cả nước.

Thủ tướng cũng rút ra một số bài học kinh nghiệm của những kết quả trên, nhất là về giữ vững và phát huy đoàn kết, thống nhất; bám sát tình hình, phản ánh chính sách kịp thời, hiệu quả; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác; đẩy mạnh chuyển đổi số...

Phân bổ ngân sách công khai, minh bạch, tránh xin-cho -0
Thủ tướng yếu cầu ngành Tài chính tập trung làm tốt công tác thu ngân sách.

Dự báo, phân tích tình hình, đồng thời chỉ ra một số nhiệm vụ, giải pháp mà ngành Tài chính, Bộ Tài chính cần triển khai trong năm 2023, Thủ tướng đồng thời chỉ rõ, năm 2023, khó khăn lớn hơn nhiều so với năm 2022; khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi. Trong đó, nguy cơ suy thoái kinh tế ở nhiều nước tăng, lạm phát tiếp tục ở mức cao, dẫn đến chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất chưa chấm dứt; nhu cầu tiêu dùng suy giảm; tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội và chính trị ở một số quốc gia, khu vực...

Ở trong nước cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức; trong khi quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế; nhiều ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và cần thời gian để phục hồi.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm 2023, thực hiện tốt phương châm điều hành năm 2023 "Đoàn kết, kỷ cương; Bản lĩnh, linh hoạt; Đổi mới, sáng tạo; Kịp thời, hiệu quả,” quyết tâm hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Theo đó, ngành Tài chính và Bộ Tài chính xây dựng các nhiệm vụ, mục tiêu tài chính-ngân sách Nhà nước; ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, trong đó có cân đối thu chi; cơ cấu lại ngân sách nhà nước; giảm bội chi, giảm nợ công, giảm nợ Chính phủ; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực hợp lý; phát triển nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; huy động mọi nguồn lực, tăng đầu tư cho phát triển, tập trung cho các động lực tăng trưởng; theo dõi thị trường giá cả, ổn định giá cả để nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân...

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, ngành Tài chính, các bộ, ngành, địa phương căn cứ các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách năm 2023, bám sát tình hình thực tiễn, yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng, triển khai thực hiện ngay kế hoạch, chương trình hành động năm 2023 và chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả ngay từ đầu năm.

Ngành Tài chính phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan, địa phương điều hành chính sách tài khóa theo các chính sách đã ban hành và dự kiến ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Cùng với đó, Bộ Tài chính tiếp tục tập trung xây dựng, rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính-ngân sách Nhà nước, xây dựng Chính phủ số; tiếp tục nghiên cứu các giải pháp chính sách thuế, phí, lệ phí phù hợp với tình hình thực tế để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tiết giảm chi phí cho sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn làm cho người dân, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững; thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng yêu cầu tập trung làm tốt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế. Quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử; quyết liệt xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, tổ chức điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; kiên quyết cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, tiết kiệm chi thường xuyên; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Thủ tướng, phải kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi Quốc hội quyết định và phấn đấu đạt mức thấp hơn, qua đó góp phần giảm nợ công, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tăng cường sức chống chịu của nền tài chính quốc gia, tạo nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Ngành Tài chính và các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, tăng cường quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước, góp phần hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý giá, thị trường; tiếp tục củng cố, phát triển đồng bộ, nâng cao chất lượng các thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống gian lận xuất xứ có hiệu quả.

“Đảm bảo hoạt động theo quy luật thị trường, song phải có sự quản lý của Nhà nước. Trong quá trình phát triển khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc nảy sinh thì Nhà nước phải can thiệp, xử lý; trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp; chủ động hội nhập, hợp tác tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế; nghiên cứu thị trường để đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng...

Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác tài chính-ngân sách, không để những vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; đề nghị Bộ Tài chính thiết kế tiêu chí, tiêu chuẩn phân bổ ngân sách công khai, minh bạch, để tránh xin-cho; tất cả phải vì lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân…

Hà An
.
.
.