"Nóng" tình trạng xả thẳng nước thải ra môi trường

Thứ Bảy, 10/12/2022, 07:27

Ngày 9/12, HĐND TP Hà Nội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn xung quanh những vấn đề dân sinh "nóng" ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là nhóm vấn đề bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và thoát nước trên địa bàn TP, trong bối cảnh hàng loạt khu đô thị không có trạm xử lý nước thải, xả thẳng ra môi trường.

Nhiều khu đô thị không xây trạm xử lý nước thải

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ Đại biểu quận Hoàng Mai) đặt câu hỏi, theo Luật Bảo vệ môi trường, thông tư hướng dẫn có quy định các khu đô thị, khu dân cư tập trung phải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường bao gồm hệ thống cấp thoát nước, xử lý thu gom nước thải đồng bộ.

Tuy nhiên, trong quy hoạch chi tiết, tại nhiều KĐT không có quy hoạch xây dựng trạm xử lý nước thải riêng biệt. Ví dụ tại các dự án Mỹ Đình I, Trung Hòa Nhân Chính, Làng Quốc tế Thăng Long, Linh Đàm, Định Công, Pháp Vân - Tứ Hiệp, Văn Quán, Yên Phúc, Xa La... Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc làm rõ nguyên nhân vấn đề nêu trên, quan điểm của Sở tham mưu UBND TP về việc xử lý nội dung này.

Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) có tổng mức đầu tư hơn 800 triệu USD (hơn 16.000 tỷ đồng), dự kiến được bàn giao vào quý 2 năm 2022 nhưng đến nay vẫn chậm tiến độ.

Ngoài ra, các khu đô thị đều đã có quy hoạch, thiết kế trạm xử lý nước thải, tuy nhiên còn thiếu hoặc đã đầu tư nhưng chưa đạt được hiệu quả. Bên cạnh đó, pháp luật về môi trường đã quy định nước thải phải được xử lý trước khi xả ra môi trường, với việc các trạm xử lý chưa được đầu tư, nước thải tại các khu đô thị hiện vẫn xả thẳng ra môi trường, TP có phương án gì để xử lý.

Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Lê Anh Quân cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công, Nghị định 29 về giám sát, đánh giá đầu tư các chương trình, dự án đầu tư của các nguồn vốn theo quy định thì có rất nhiều chủ thể tham gia giám sát. Nội dung thu gom, xử lý nước thải trong đầu tư các khu đô thị là một nội dung kiểm tra chuyên ngành của TP liên quan đến các đến lĩnh vực môi trường. Ông Quân cho biết: "Để khắc phục 266 dự án, trong đó có 10 dự án khu đô thị chưa có hệ thống xử lý nước thải mà đại biểu nêu thì chúng tôi cũng đã tham mưu dự thảo một kế hoạch để tham mưu TP thực hiện việc kiểm tra, giám sát, phân loại các cái dự án này từ những giám sát trước của HĐND, chúng tôi đang trình TP để ban hành".

Còn theo Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Trúc Anh, về vấn đề trạm xử lý rác thải, theo kế hoạch từ năm 2014 quy định các khu đô thị đều phải có khu xử lý rác cục bộ trước khi đưa ra mạng lưới. "Vì quy hoạch chúng ta quá rộng lớn, có khu vực có nhưng cũng có nơi không nên quy định chủ đầu tư cần quy hoạch chi tiết để xử lý cục bộ cho khu vực đấy. Về cơ bản, chủ đầu tư cần bố trí trạm xử lý xác thải tập trung rồi mới đến giai đoạn xử lý cục bộ", ông Trúc Anh nói. Đơn cử, tại khu đô thị Tứ Hiệp - Pháp Vân hiện nay, công tác xử lý trạm rác thải thiếu trạm xử lý nước thải cục bộ, còn khu đô thị Yên Xá, Yên Sở có khá hơn. Tới đây, Sở Kế hoạch - Kiến trúc sẽ tiến hành đẩy mạnh trạm xử lý rác thải giai đoạn xử lý cục bộ. Tuy nhiên công tác này lại phụ thuộc vào công tác tài chính, vì vậy rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành. Riêng đối với khu đô thị Văn Phú, trạm xử lý rác thải là trách nhiệm của chủ đầu tư nên đề nghị chủ đầu tư tuân thủ đúng luật, tiến hành rà soát lại để nâng cấp theo quy hoạch. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu các trạm tuân thủ theo quy hoạch, tắc đâu tìm phương án tháo gỡ ở đó, đồng thời lãnh đạo các cấp ủy ban cũng phải có phương án cụ thể.

Phát hiện 58 dự án xả thải vượt chỉ tiêu cho phép

Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường Mai Trọng Thái cho biết, năm 2022 phát hiện 58 dự án xả thải vượt chỉ tiêu cho phép, số tiền xử phạt 4 tỷ đồng. Qua quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng cho biết tồn tại một số nguyên nhân chủ yếu là theo quy hoạch cấp nước của TP, các khu đô thị sẽ không xây dựng trạm xử lý thải phân tán, sẽ đấu nối vào đầu mối thu gom thoát nước thải và các hệ thống xử lý nước thải tập trung của TP. Ngoài ra, một số khu đô thị đã tồn tại từ lâu nên thiếu quy hoạch cho việc bố trí trạm xử lý nước thải trong khu đô thị. Vấn đề này dẫn đến khó khắc phục xử lý hiện trạng xử lý nước thải theo quy định. Bên cạnh đó, một số khu đô thị, chủ đầu tư đã hoàn tất xây dựng hạ tầng và đã bàn giao cho người dân, nên việc bố trí kinh phí phát sinh cho việc xử lý nước thải khó thực hiện, do không có trong kế hoạch sử dụng vốn dự án ban đầu. Nguyên nhân khác là do khó khăn giải phóng mặt bằng triển khai theo tiến độ từng giai đoạn dự án, một phần dự án đã được bàn giao cho chủ đầu tư khác. Vì vậy, có một số giải pháp tạm thời xử lý từng cụm dự án thành dự án riêng lẻ, sau đó mới hoàn tất hạ tầng toàn bộ khu đô thị xây dựng dự án theo kế hoạch tập trung.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng cho biết, từ thời điểm quy hoạch chung Thủ đô đến nay đã 11 năm, tính từ quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật thoát nước 725 cũng 9 năm nay. Qua 2 nhiệm kỳ, cũng là 2 thời kỳ thi công, đánh giá tổng quan đến nay triển khai quy hoạch cấp thoát nước Thủ đô còn nhiều hạn chế. Theo quy hoạch này, đến năm 2030, tầm nhìn 2050 phạm vi quy hoạch thoát nước thải của chúng ta là khu đô thị trung tâm TP Hà Nội, các đô thị vệ tinh tương đương cấp đô thị loại 3. Và hệ thống nước thải khu vực đô thị TP để thu gom xử lý theo 39 khu vực gồm 41 nhà máy với công suất đến năm 2030 phải đạt được là 1.880.300m3/ngày đêm và đến năm 2050 phải đạt 2.482.500m3/ngày đêm.

Hiện trạng hiện nay còn hạn chế. Trên địa bàn TP hiện có 6 nhà máy, 6 trạm xử lý nước thải được đầu tư và đưa vào sử dụng, tập trung ở vùng đô thị trung tâm phía Bắc và phía Nam sông Hồng. Công suất tính toán đạt 276.300m3/ngày đêm, chiếm 28,8%. Gần đây đã tăng thêm 9.000m3/ngày đêm, đạt 29,1%. Bên cạnh đó, có một nhà máy cực kỳ quan trọng sử dụng vốn ODA là nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Dự án này cũng chậm tiến độ, đáng lẽ ra phải xong năm 2022, nhưng chủ yếu mắc ở gói số 2, số 3 làm chậm tiến độ so với mạng lưới thu gom.

Còn nhà máy trung tâm xử lý nước thải cơ bản đáp ứng. Nhưng nhà máy xong mà mạng lưới xử lý nước thải chưa hoàn thành thì chưa có nguồn để xử lý.

TP Hồ Chí Minh phấn đấu thu ngân sách đạt 469.681 tỷ đồng trong năm 2023

Ngày 9/12, kỳ họp thứ tám HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X Thông tin về tình hình thực hiện Nghị quyết 131, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan khẳng định, thời gian qua việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy, tổ chức các cơ quan đơn vị được tiến hành khẩn trương, tinh gọn. Công tác cán bộ về cơ bản hoàn thành tốt. Tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh bạch trong quản lý của chính quyền TP Hồ Chí Minh được tăng cường.

Chờ đợi làm các loại thủ tục vẫn là vấn đề đang gây phiền hà cho người dân.

Dù vậy, khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, số lượng công chức tại TP Hồ Chí Minh được phân bổ chưa phù hợp với vị trí việc làm. Trong khi đó, khối lượng công việc từng vị trí, quy mô dân số lớn và đặc điểm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có ảnh hưởng đến việc phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Khi thực hiện chính quyền đô thị, UBND quận, phường là đơn vị dự toán ngân sách, do vậy khó chủ động trong công tác điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, các nhiệm vụ phát sinh đột xuất trên địa bàn.

Trả lời ý kiến của đại biểu sau đó, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho biết, sau 2 năm thực hiện chính quyền đô thị, đã xuất hiện một số tồn tại. Mặc dù chính quyền điện tử và chính quyền đô thị rất cần song hành với nhau để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Khi thực hiện chính quyền đô thị, việc xây dựng chính quyền điện tử càng trở nên cần thiết. Nhưng do phần mềm lạc hậu, hệ thống chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối, các thủ tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 còn ít, chưa kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Để khắc phục hạn chế này, thành phố đang chỉ đạo theo hướng, thống nhất về hạ tầng, về dữ liệu và tích hợp dữ liệu, thống nhất nội dung để đưa vào các dịch vụ công phục vụ người dân. Trên cơ sở đó, thành phố khởi động tích hợp với Cổng dịch vụ công Quốc gia, số hóa một số nội dung có liên quan đến đất đai, quy hoạch, xây dựng, GTVT, gắn liên kết với các ngành như đất đai, thuế… để làm được điều này, thành phố cần nguồn lực rất lớn. Ngoài nguồn ngân sách để xây dựng nền tảng ban đầu, cần có sự tham gia của doanh nghiệp và người dân. Về lâu dài, ông Võ Văn Hoan cho rằng thành phố sẽ tính toán việc phải thuê dịch vụ của các doanh nghiệp.

Đối với việc phân cấp ủy quyền, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho rằng, trước khi thành phố thực hiện mô hình chính quyền đô thị đã có phân cấp. Mong muốn chính quyền TP Thủ Đức có thẩm quyền nhiều hơn so với chính quyền cấp quận, nên UBND thành phố đã kiến nghị với Trung ương, đưa vào dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội. Trong đó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh được phép phân cấp, ủy quyền nhiều hơn cho Chủ tịch UBND TP Thủ Đức. Cùng lúc sẽ điều chỉnh một số chức năng nhiệm vụ của sở, ngành để trao quyền cho TP Thủ Đức quyết định.

Tại kỳ họp này, HĐND thành phố đã nhất trí thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng như Nghị quyết về dự toán thu ngân sách Nhà nước, thu, chi ngân sách TP Hồ Chí Minh năm 2023. Trong đó tổng dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm tới đạt 469.681 tỷ đồng, tăng 21,5% dự toán năm nay và thu nội địa đạt hơn 307.575 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 145.800 tỷ đồng… HĐND thành phố cũng đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch xuyên tâm chạy qua quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp với tổng vốn thực hiện dự án lên đến hơn 9.664 tỷ đồng từ ngân sách thành phố trong giai đoạn 2023 - 2028. Ngoài ra, HĐND thành phố thông qua nhiều vấn đề khác như Nghị quyết về việc đặt tên Thủ Thiêm cho cầu Thủ Thiêm 1 và cầu Ba Son cho cầu Thủ Thiêm 2… (Đ.Thắng)

Trúc Linh
.
.
.