Nỗ lực tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả trong hoạt động báo chí
Sáng 21/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Báo CAND vinh dự là một trong 23 tập thể nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương vì có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2023.
Đến dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh và đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Về phía Bộ Công an có Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng.
Báo cáo tổng kết công tác báo chí năm 2023 nhấn mạnh: Trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung của đất nước, trong đó có những thách thức chưa từng có tiền lệ, công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh… được quan tâm, chú trọng, có chiều sâu. Công tác chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền trên báo chí ngày càng phát huy kết quả tích cực, có nhiều chuyển biến rõ nét trong năm 2023, trong đó, chú trọng lấy tính thuyết phục làm thước đo hiệu quả chỉ đạo, định hướng thông tin.
Bên cạnh kết quả đạt được là chủ yếu, công tác báo chí năm 2023 còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Nguy cơ tụt hậu của báo chí trước sự phát triển rất nhanh của truyền thông xã hội cả về nội dung, khả năng dẫn dắt, định hướng thông tin, đến phương thức tiếp cận công chúng, làm chủ công nghệ và thu hút nguồn thu. Một bộ phận người làm báo có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, lạm dụng nghề nghiệp để dọa dẫm, sách nhiễu tổ chức, cá nhân… gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian nghe các đại biểu tham luận, trao đổi, chia sẻ những vấn đề cần quan tâm trong công tác báo chí cũng như đời sống báo chí - truyền thông hiện nay; nhận diện xu hướng, thách thức, từ đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, toàn diện cho năm 2024 và trong giai đoạn tới. Hội nghị thống nhất nhận định, năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá năm 2023 báo chí truyền thông trong nước để lại dấu ấn quan trọng, những thành tích đạt được rất đáng khích lệ. Trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đã nhanh hơn, kịp thời hơn, đặc biệt là sâu sắc hơn. Cũng có những bài viết, phóng sự rất xúc động, 'lấy được nước mắt công chúng'. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng “giật tít và có những bài báo thực sự không có trách nhiệm”. Vai trò của một số cơ quan chủ quản rất mờ nhạt, thậm chí là buông lỏng. Vấn đề chuyển đổi số rất chậm, số lượng cơ quan báo chí bị đánh giá chuyển đổi số ở mức kém chiếm 63%.
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, thời gian tới báo chí phải tăng cường khả năng cạnh tranh với phương tiện truyền thông, mạng xã hội như TikTok và Facebook. "Bởi nếu không cạnh tranh thì tỷ lệ quảng cáo sẽ sụt giảm, ảnh hưởng đến chi phí hoạt động, đến đời sống cán bộ công nhân viên. Không có cách nào khác, chúng ta phải hay hơn, hấp dẫn hơn. Đối với nhà báo phải là người tử tế, nếu không làm tử tế thì sản phẩm của nhà báo chắc chắn không tử tế được", Phó Thủ tướng nói.
Về vấn đề tài chính cho cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ rõ, các địa phương bao cấp gần hết các cơ quan báo chí của mình, nhưng cơ quan báo chí trung ương đang tự xoay xở và chỉ với một phần của ngân sách nhà nước, có thể là do đặt hàng. “Đối với các cơ quan quản lý báo chí, trực tiếp là Bộ Thông tin và Truyền thông cần phải quan tâm đến công tác tài chính của các cơ quan báo chí, đặc biệt là tháo gỡ các cơ chế, chính sách như cơ chế tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế đặt hàng…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo và kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024; yêu cầu các cơ quan chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí, các cấp hội nhà báo, đặc biệt là các cơ quan báo chí, người làm báo cần nỗ lực hơn nữa phát huy kết quả, thành tích đã đạt được, quyết tâm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, giải quyết, xử lý tốt những thách thức trong hoạt động báo chí để đạt được yêu cầu “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. “Năm 2024 cần xác định mục tiêu cao là xử lý dứt điểm, căn cơ tình trạng vi phạm của cơ quan báo chí, người làm báo, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét, lấy lại được niềm tin của công chúng đối với báo chí...”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến, những cách làm hay, những mô hình mới. Tăng cường các tuyến bài, chương trình góp phần cung cấp cho độc giả, khán giả những tri thức quý báu của nhân loại; không ngừng bồi đắp, củng cố và phát huy những giá trị tốt đẹp, đạo đức và văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, của các nền tảng truyền thông mới, truyền thông xã hội, hơn bao giờ hết, báo chí phải kiến tạo được dòng thông tin tích cực, chủ lưu, lan tỏa mạnh mẽ, dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội về những điều tốt đẹp trong xã hội.