Những kiến nghị pháp luật về tổ chức chính quyền đô thị TP Hồ Chí Minh
Hội thảo khoa học với chủ đề “Pháp luật về tổ chức chính quyền đô thị TP Hồ Chí Minh” do Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 14/12 với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý… đã trở thành một diễn đàn thảo luận tích cực và mang đến những kiến nghị giá trị tham khảo cao - đúng như ý kiến phát biểu của PGS.TS. Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh tại hội thảo.
TP Hồ Chí Minh so với các đô thị khác trong thứ bậc đô thị, được xếp là một trong hai đô thị đặc biệt của Việt Nam. Về tính chất và quy mô, TP Hồ Chí Minh là một siêu đô thị và trung tâm kinh tế văn hóa không chỉ của nước ta mà còn mang tầm khu vực.
Trước những nhu cầu thực tiễn của TP Hồ Chí Minh, chính quyền Trung ương đã ban hành một số cơ chế, chính sách mang tính đặc thù. Tuy nhiên, với những cơ chế, chính sách này, TP Hồ Chí Minh vẫn loay hoay, bị động và khó có thể chuyển mình trước nhu cầu quản trị đô thị ngày càng cao.
Hội thảo khoa học kể trên được tổ chức nhằm đưa ra những cơ chế, chính sách hướng đến phát huy nguồn nhân lực, động lực của một siêu đô thị tương xứng với sự phát triển chính trị, kinh tế và xã hội của TP Hồ Chí Minh.
Từ những đặc trưng cơ bản của đô thị, TS. Nguyễn Thị Thiện Trí (Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh) qua bài tham luận “Cơ sở khoa học về tổ chức chính quyền đô thị và tham chiếu cho tổ chức chính quyền đô thị TP Hồ Chí Minh” đã rút ra những lý thuyết tiêu biểu, làm cơ sở kiến nghị cho những đổi mới về căn bản của TP Hồ Chí Minh, trên tinh thần phù hợp với tình hình chung hiện nay và hướng tới mục tiêu xây dựng cơ chế quản lý thông thoáng cùng mô hình quản lý linh hoạt.
Bàn về vấn đề “Tổ chức và hoạt động của UBND TP Hồ Chí Minh trong mô hình chính quyền đô thị”, ThS. Trần Thị Thu Hà (Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh) đưa ra các đề xuất sửa đổi và khắc phục từ những bất cập xoay quanh chế độ hoạt động của UBND đối với một đô thị đặc biệt như TP Hồ Chí Minh.
ThS. Hà đề xuất việc đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của UBND thành phố theo hướng mô hình thị trưởng; nâng cao tính khoa học và hợp lý trong việc sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, tham khảo học tập theo mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
Nhận định về các đề xuất, điều chỉnh và ứng dụng trong thực tiễn cho bộ máy quản lý TP Hồ Chí Minh, ông Lê Minh Đức, Phó Trưởng ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh, đánh giá cao về mức độ cần thiết, nhưng bên cạnh đó cần có thời gian để thực hiện, tức là thí điểm có lộ trình.
Ông Đức cho rằng trong quá trình thực hiện cần chú trọng và đặt yếu tố “con người” làm cốt lõi, chủ động và tích cực tăng cường sự tương tác giữa nhân dân và chính quyền.
Trong bài tham luận “Cần phân cấp mạnh hơn để TP Hồ Chí Minh nâng cao chất lượng cán bộ, công chức toàn diện đủ sức vận hành chính quyền đô thị”, TS. Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ (phía Nam) đã đề cập đến khả năng vận hành đô thị của cán bộ, công chức và đánh giá quá trình đào tạo còn nhiều ngặt nghèo.
Với tình hình đó, TS. Sơn kiến nghị rằng việc sát hạch công chức cần có sự chặt chẽ, quá trình đào tạo công chức cần bài bản hơn, đảm bảo chi phí tài trợ cũng như phúc lợi của cán bộ, công chức.
GS.TS. Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhấn mạnh các ý kiến đóng góp tại hội thảo đa dạng, cung cấp nhiều cơ sở cho tình hình thực tiễn, cùng những kiến nghị có giá trị đóng góp vô cùng thiết thực, là nền tảng giúp TP Hồ Chí Minh có thêm định hướng phát triển xứng tầm với một siêu đô thị hàng đầu của Việt Nam.