Những dấu xưa của lãnh tụ Fidel Castro trên vùng đất Quảng Bình
Những ngày này, Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam và Cuba đang kỷ niệm 50 năm chuyến thăm của lãnh tụ Fidel Castro tới vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. Quảng Bình, nơi được coi là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam đã vinh dự được đón lãnh tụ Fidel Castro đến nghỉ lại, nói chuyện thân mật với chính quyền và người dân trước khi Người vào giới tuyến ở Vĩnh Linh, Quảng Trị.
Những kỷ vật gắn liền với lãnh tụ Fidel Castro đang được Quảng Bình trân trọng lưu giữ 50 năm qua. Món quà đầy ắp nghĩa tình mà lãnh tụ Fidel Castro tặng người dân Quảng Bình đang ngày một phát triển và phát huy hiệu quả.
Những kỷ vật gắn với kỷ niệm về lãnh tụ Fidel Castro
Trời vào thu, chúng tôi đến nhiều nơi ở Quảng Bình để tìm hiểu về những kỷ niệm, kỷ vật về Người anh hùng giải phóng dân tộc của đất nước Cuba anh em. Đã 50 năm qua, nhưng những kỷ niệm về lãnh tụ Fidel Castro vẫn ăm ắp trong lòng người dân vùng cát, chiếc giường năm nào Fidel Castro nghỉ lại vẫn còn đây, chiếc tẩu thuốc lá, tấm card visit… của Fidel Castro đang được lưu giữ và Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới được lãnh tụ Fidel Castro tặng năm nào vẫn đang hằng ngày là chỗ dựa cho người dân Quảng Bình về sức khỏe. Viết về lãnh tụ Fidel Castro, chúng tôi may mắn từng gặp được nhiều người đã trực tiếp làm việc, chuẩn bị chu đáo cho những ngày Fidel Castro vào Quảng Bình-Vĩnh Linh.
Tối 16/9/1973, Đoàn của lãnh tụ Fidel Castro vào thăm và nghỉ lại ở Quảng Bình. Sau bữa cơm chiều hơi muộn, lãnh tụ Fidel Castro cùng đoàn tùy tùng nghỉ lại Khu Giao tế Quảng Bình. Để đảm bảo cho lãnh tụ Cuba Fidel Castro có một đêm nghỉ ngơi thoải mái tại Khu Giao tế, UBND thị xã Đồng Hới (nay là UBND TP Đồng Hới) đã chỉ đạo Ban Quản lý HTX Mộc Hồng Hải cấp tốc điều động những xã viên có tay nghề cao, chỉ trong một ngày đã đóng xong một chiếc giường gỗ có kích thước dài đến khoảng 1,8m, rộng 1,6m nhưng lãnh tụ Fidel Castro quá cao lớn, nếu ngài nằm lên giường vẫn thừa chân ra ngoài nên cán bộ Khu Giao tế lại gọi thợ mộc đến thay 2 thanh giường 2 bên, kéo dài chiếc giường ra 2,3m, rộng 1,8m.
Đã hơn 40 năm trôi qua, Người đã về thiên cổ nhưng chiếc giường ngoại cỡ vẫn còn đây. Căn phòng lãnh tụ Fidel Castro nghỉ lại hầu như vẫn còn được giữ nguyên, chiếc tủ, chiếc bàn cá nhân trong phòng như còn ấm dấu chân Người. Chúng tôi may mắn được gặp những cán bộ ở Khu Giao tế từng vinh dự được đón tiếp ở cạnh lãnh tụ Fidel Castro và đoàn công tác Cuba anh em trong những ngày lãnh tụ lưu lại ở Quảng Bình.
Một trong số người chúng tôi từng gặp, trao đổi tìm hiểu tư liệu để phục vụ công tác của mình là ông Nguyễn Thanh Đàm. Ông Đàm là Chủ nhiệm phụ trách Khu Giao tế khi lãnh tụ Fidel Castro nghỉ lại Quảng Bình. Theo ông Đàm từng kể, lãnh tụ Fidel Castro là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên vào thăm tuyến lửa Quảng Bình, lại có phần hơi bất ngờ nên công tác chuẩn bị rất gấp gáp. Nhiều anh chị em ở cơ quan giao tế có phần lúng túng trong công việc, nhưng khi nhìn thấy nụ cười ấm áp của lãnh tụ Fidel Castro ai cũng thấy ấm lòng và lo tốt phần việc của mình được giao.
Khi ông Đàm chào lãnh tụ Fidel Castro bằng tiếng Pháp, lãnh tụ Fidel Castro tỏ ra thích thú và ông muốn nói chuyện với ông Đàm để tìm hiểu về vùng đất Quảng Bình. Khi mọi người dần chìm vào giấc ngủ, lãnh tụ Fidel Castro vẫn đi đi lại lại trước hiên Khu Giao tế, ông Đàm nhẹ nhàng bước theo sau, lãnh tụ ngước nhìn bầu trời đầy sao của tiết trời thu se se lạnh rồi hỏi ông Đàm: Người dân Quảng Bình bắn rơi được nhiều máy bay Mỹ không? Có nhiều người anh hùng không? Cuộc sống của bà con thế nào? Người dân nơi đây cần gì nhất?... Ông Đàm trả lời với lãnh tụ Fidel Castro rằng Quảng Bình là địa phương đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ. Đây là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và nhiều anh hùng khác. Bất ngờ lãnh tụ Fidel Castro cầm lấy tay ông Đàm nắm chặt. Câu chuyện về con người, quê hương tuyến lửa Quảng Bình đã xóa nhòa ranh giới giữa vị lãnh tụ đáng kính và anh chủ nhiệm Khu Giao tế.
Khi lãnh tụ Fidel Castro và đoàn công tác rời Khu giao tế Quảng Bình, ông Đàm cứ ôm lấy lãnh tụ Fidel Castro mà khóc, lưu luyến. Đôi mắt lãnh tụ Fidel Castro nhìn đăm chiêu ra chiều suy nghĩ, rồi lãnh tụ Fidel Castro rút ra một hộp thuốc xì gà còn mới và tấm danh thiếp đưa cho ông Đàm. Ông Đàm cảm động nước mắt lưng tròng, lãnh tụ Fidel Castro vỗ vai động viên ông Đàm, rồi nói "Cảm ơn đồng chí. Khi sang Cuba, cầm tấm thiệp này đi đâu đồng chí cũng được chào đón". Những kỷ vật của lãnh tụ Fidel Castro đã đi theo ông Đàm trọn một đời người.
Quà tặng ý nghĩa của lãnh tụ Fidel Castro
Ngày 17/9/1973, lãnh tụ Fidel Castro nói chuyện với bà con Đồng Hới, Quảng Bình. Trong câu chuyện với người dân và chứng kiến cảnh đau thương, mất mát do chiến tranh, Lãnh tụ Cuba quyết định xây tặng một bệnh viện hiện đại để phục vụ nhân dân địa phương và thương binh từ chiến trường miền Nam ra. Cuba đã cử hàng trăm chuyên gia, kỹ sư và đưa vật tư, vật liệu, trang thiết bị từ Cuba xa xôi sang xây dựng Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới. Đã gần 50 năm trôi qua, đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện Việt Nam-Cuba Đồng Hới vẫn luôn cháy hết mình vì bệnh nhân, thắp sáng ngọn lửa nhân văn về tấm lòng của vị lãnh tụ nước bạn.
Giờ đây, nhiều người đang công tác ở Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới nhắc đến là tháng 8/2017 đã đi vào lịch sử của bệnh viện, khi Đại sứ Cuba tại Việt Nam Herminio Lopez Diaz và các thành viên trong đoàn đã đến thăm và làm việc với bệnh viện, hai bên bàn chuyện hợp tác trong công tác phát triển chuyên môn kỹ thuật ngành y. Từ cầu nối là Đại sứ Herminio Lopez Diaz, nhiều chuyên gia y tế giỏi của nước bạn trong lĩnh vực tim mạch can thiệp, ngoại thần kinh, chấn thương chỉnh hình… đã đến Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới làm việc.
Hiện nay, ngoài việc khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân, đội ngũ y, bác sĩ, chuyên gia Cuba đang góp phần truyền lại kinh nghiệm cho đội ngũ y, bác sĩ trẻ của Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới. Việc các bác sĩ Cuba sang Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới làm việc không chỉ giúp cho rất nhiều người dân Quảng Bình và các tỉnh lân cận khi mắc một số bệnh nguy hiểm không còn phải vượt lên tuyến trên để điều trị, mà còn giúp cho bệnh viện phát triển các chuyên khoa mũi nhọn, đào tạo nguồn cán bộ có chuyên môn sâu.
Chúng tôi đã từng gặp và làm việc, giao lưu với các giáo sư, bác sĩ của Cuba đang làm việc tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới và cảm nhận được sự gần gũi, yêu thương của những người đến từ đất nước Cuba anh em như: GS. Piter Martinez Beniter, chuyên gia động mạch vành; BS. AracelioGuevara perez, chuyên gia ngoại chấn thương chỉnh; BS. Alfredo Garcia Mirete, chuyên gia phẫu thuật ung bướu; Annet Ramos Plasencia, bác sĩ nhi khoa; Jesus de los santos Reno cespedes, chuyên gia ung bướu chuyên về hóa trị liệu… Mặc dù có những khó khăn nhất định vì rào cản ngôn ngữ, song rất nhiều bệnh nhân khi đến Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới khi được thăm, khám đều có chung cảm nhận sự gần gũi, xem bệnh nhân như người nhà của các bác sĩ, chuyên gia y tế Cuba nơi đây.
Ngày 29/11/2016, Đại sứ quán Cuba tại Hà Nội tổ chức trang trọng lễ viếng lãnh tụ Fidel Castro khi ông qua đời. Khi được giới thiệu về đoàn Quảng Bình và Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới đến viếng, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán đều xúc động vì biết Quảng Bình là nơi lãnh tụ Fidel Castro đã từng đến, ở lại và để lại nhiều kỷ niệm, kỷ vật.
Bác sĩ Dương Thanh Bình, Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, Quảng Bình thành kính ghi vào sổ tang “Tập thể cán bộ, viên chức Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba, Đồng Hới, Quảng Bình vô cùng thương tiếc Chủ tịch Fidel Castro, vị lãnh tụ kính yêu, nhà lãnh đạo kiệt xuất, huyền thoại của đất nước Cuba anh, em. Chúng tôi đời đời ghi nhớ công ơn và những tình cảm quý báu mà đồng chí Chủ tịch Fidel Castro đã dành cho nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Quảng Bình nói riêng. Chúng tôi nguyện học tập tấm gương đạo đức của đồng chí và tiếp tục xây dựng phát triển bệnh viện ngày càng hiện đại đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân tỉnh Quảng Bình và khu vực lân cận”.