Nhiều vi phạm trong cấp phép khai thác khoáng sản cung cấp cho dự án giao thông trọng điểm quốc gia

Thứ Bảy, 23/09/2023, 18:16

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kết luận số 1896/KL-TTCP kết luận thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại một số tỉnh khu vực phía Nam cung cấp cho dự án giao thông quan trọng quốc gia.

Không đủ nguồn cung về vật liệu san lấp

Thực hiện quyết định của Thanh tra Chính phủ, đoàn thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (vật liệu san lấp) để cung cấp cho dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết, dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết-Dầu Giây và dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận và đường dẫn 2 đầu cầu của UBND các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp. 

Nhiều vi phạm trong cấp phép khai thác khoảng sản cung cấp cho dự án giao thông trọng điểm quốc gia -0
Dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam, đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết dài 100,8 km.

Theo kết luận thanh tra, liên quan đến việc đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng thông thường để san lấp tại các dự án, theo quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025-2030, trữ lượng vật liệu san lấp cao hơn nhiều so với nhu cầu của các dự án cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận và đường dẫn 2 đầu cầu. Tuy nhiên, tại thời điểm triển khai dự án, chỉ có dự án cầu Mỹ Thuận và đường dẫn 2 đầu cầu không gặp khó khăn về vật liệu san lấp. Hai dự án còn lại không đủ nguồn cung cấp do phần lớn trữ lượng vật liệu san lấp thuộc khu vực quy hoạch (chưa được cấp phép). Các khu vực mỏ vật liệu san lấp đang hoạt động (đã được cấp phép trước đây) có trữ lượng và công suất được phép khai thác quá thấp so với nhu cầu của dự án.

Theo quy hoạch và thực tế hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh, UBND các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Đồng Tháp đã phối hợp, chỉ đạo cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cung cấp đầy đủ thông tin liên quan, làm cơ sở để đơn vị tư vấn và chủ đầu tư các dự án xác định nguồn vật liệu san lấp trong quá trình thực hiện việc khảo sát xây dựng, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán và lựa chọn nhà thầu. Trên cơ sở hồ sơ thiết kế, dự toán xây dựng công trình được phê duyệt, hồ sơ dự thầu của nhà thầu cũng thể hiện việc sử dụng vật liệu san lấp tại các khu vực mỏ đã cấp phép và khu vực hoạt động khoáng sản trong quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt.

Tuy nhiên, qua thực tế thực hiện, ngoại trừ dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu, 2 dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết và đoạn Phan Thiết- Dầu Giây gặp khó khăn, vướng mắc và chậm trễ do không đủ nguồn cung cấp vật liệu san lấp. Theo kết luận thanh tra, ngoài nguyên nhân khách quan chủ yếu do có sự chồng chéo, vướng mắc trong áp dụng quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai và đầu tư, nguyên nhân chính về chủ quan là do khâu khảo sát, đánh giá tình hình của đơn vị tư vấn chưa kỹ càng, không xác định đầy đủ tính pháp lý của khu vực dự kiến cung cấp vật liệu cho dự án.

Khi khảo sát, đơn vị tư vấn đánh giá đạt yêu cầu nhưng sau khi công trình được khởi công thì nhà thầu xác định không đảm bảo chất lượng để sử dụng làm vật liệu san lấp phục vụ dự án…, dẫn đến phải tiếp tục đề nghị cấp có thẩm quyền thực hiện các thủ tục bổ sung quy hoạch khoáng sản, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, cấp phép khai thác khoáng sản và thực hiện các thủ tục đất đai để được khai thác khoáng sản theo quy định (tỉnh Bình Thuận), hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền thực hiện các thủ tục cải tạo đất nông nghiệp gắn với thu hồi khoáng sản cung cấp cho dự án (tỉnh Đồng Nai).

Bên cạnh đó, do năng lực của nhà thầu còn hạn chế, chưa xác định hoặc chuẩn bị được đầy đủ nguồn cung cấp vật liệu san lấp khi tham gia dự thầu và sau khi trúng thầu. Trách nhiệm về việc chậm cung cấp vật liệu san lấp cho các dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết và đoạn Phan Thiết-Dầu Giây chủ yếu thuộc về chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết lập hồ sơ thiết kế…

Liên quan đến việc cấp phép khai thác, thu hồi khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của UBND các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, kết luận thanh tra cũng đã chỉ ra những vi phạm cụ thể như việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai sau cấp phép khai thác khoáng sản có thủ tục chậm trễ, vi phạm quy định của Luật Khoáng sản năm 2010...

Chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm

Từ những vi phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GTVT kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chậm trễ và thiếu sót trong xác định nguồn vật liệu san lấp cho các dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây và dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận và đường dẫn 2 đầu cầu. Trường hợp phát hiện vi phạm đến mức xử lý trách nhiệm thì xem xét có hình thức xử lý phù hợp theo quy định. Chỉ đạo Ban Quản lý dự án 7 và Ban Quản lý dự án Thăng Long rà soát để xem xét việc điều chỉnh đơn giá của vật liệu san lấp đã xác định trong dự toán của dự án cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết và dự án cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây theo quy định pháp luật…

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo kiểm điểm xử lý về việc chậm trễ trong giải quyết hồ sơ chuyển nhượng và chuyển mục đích sử dụng đất tại các mỏ đất được cấp phép khai thác theo cơ chế đặc thù của Chính phủ theo quy định của Đảng và nhà nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, qua đó xem xét, xử lý phù hợp theo quy định đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm trong việc cho phép thu hồi vật liệu san lấp cung cấp cho dự án cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây; việc gia hạn giấy phép không đúng quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 và việc cấp phép khai thác đá tại khu vực mỏ đã khoanh định thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác nhưng không chỉ định cung cấp cho các công trình theo Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Quá trình kiểm điểm, xử lý nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra xem xét theo thẩm quyền. Thực hiện rà soát các giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã cấp và gia hạn, tăng thời hạn trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, thu hồi đối với các giấy phép được cấp và gia hạn, tăng thời hạn không đúng quy định pháp luật…

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, qua đó xem xét, xử lý phù hợp theo quy định đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm trong việc gia hạn giấy phép không đúng quy định, việc cấp phép khai thác cá tại các khu vực đã khoanh định thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác nhưng không xác định cung cấp riêng cho các công trình theo quy định. Nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra xem xét theo thẩm quyền.

Nguyễn Hương
.
.
.