Nhiều bộ, ngành chưa đăng ký đối tượng kiểm kê tài sản công

Thứ Ba, 14/01/2025, 14:40

Sau 2 tuần thực hiện tổng kiểm kê tài sản công trên cả nước, có 24 bộ, ngành và 58 địa phương đã thực hiện chế độ báo cáo trên Phần mềm tổng kiểm kê tài sản công.

Thông tin từ Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết, sau 2 tuần kể từ ngày thực hiện tổng kiểm kê tài sản công trên cả nước, nhiều bộ, ngành, địa phương đã rất chú trọng chuẩn bị cho công tác tổng kiểm kê, tuy nhiên, hiện mới có 24 bộ, ngành và 58 địa phương thực hiện chế độ báo cáo trên Phần mềm tổng kiểm kê tài sản công. Trong đó, đối với tài sản công là tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, có 19 bộ, ngành đã đăng ký đối tượng kiểm kê; 5 bộ, ngành chưa đăng ký đối tượng kiểm kê.

Ở cấp địa phương, trong số 58 địa phương thực hiện chế độ báo cáo, có 57 địa phương đã đăng ký và chỉ có 1 địa phương (Vĩnh Phúc) chưa đăng ký đối tượng kiểm kê. Các địa phương có số lượng đơn vị đăng ký nhiều gồm: Nghệ An (748 đơn vị), Long An (734 đơn vị), TP Hà Nội (713 đơn vị), Hà Giang (566 đơn vị), Quảng Ninh (550 đơn vị), Hậu Giang (490 đơn vị), Bình Phước (436 đơn vị), Phú Thọ (436 đơn vị), Tiền Giang (412 đơn vị)…

Vẫn còn bộ, ngành chưa đăng ký đối tượng kiểm kê tài sản công  -0
Tổng kiểm kê để quản lý hiệu quả tài sản công, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí.

Đối với nhóm tài sản kết cấu hạ tầng, có 34 địa phương đã đăng ký đối tượng kiểm kê đối với 4-5 nhóm tài sản kết cấu hạ tầng như đường bộ, đường thủy nội địa, hạ tầng cấp nước sạch, chợ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, đê điều… Có 11 địa phương chưa đăng ký đối tượng kiểm kê đối với cả 18 loại tài sản kết cấu hạ tầng.

Đáng chú ý, có đến 31 địa phương đăng ký đối tượng kiểm kê với nhóm tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị; 35 địa phương đăng ký đối tượng kiểm kê với nhóm tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Thông tin về công tác kiểm kê tài sản công, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản khẳng định, tổng kiểm kê tài sản công là nhiệm vụ trọng điểm của Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương trong năm 2024 và 2025 nhằm thực hiện các nghị quyết quan trọng của Quốc hội và Chính phủ, góp phần thúc đẩy quản lý hiệu quả tài sản công, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí trong giai đoạn 2024-2025.

Kết quả tổng kiểm kê tài sản công là cơ sở đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thông qua đó cũng sẽ khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện. Những cá nhân, tập thể không chấp hành, chấp hành không nghiêm kế hoạch và các quy định liên quan đến tổng kiểm kê sẽ bị phê bình, nhắc nhở và xử lý trách nhiệm.

Lãnh đạo Cục Quản lý công sản cũng lưu ý, trong quá trình kiểm kê, nếu phát hiện tài sản không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý, không chờ đến khi kết thúc tổng kiểm kê, bảo đảm tài sản công được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.

Hà An
.
.
.