Nhất trí cải cách tiền lương từ 1/7/2024, đề nghị Chính phủ báo cáo tổng thể chính sách và nguồn lực
Sáng 10/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 với 94,33% đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia biểu quyết tán thành.
Theo nghị quyết, số thu NSNN là 1.700.988 tỷ đồng. Thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương là 19.040 tỷ đồng để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.
Tổng số chi NSNN là 2.119.428 tỷ đồng. Mức bội chi NSNN là 399.400 tỷ đồng, trong đó, bội chi ngân sách Trung ương là 372.900 tỷ đồng, tương đương 3,4%GDP; bội chi ngân sách địa phương là 26.500 tỷ đồng, tương đương 0,2%GDP. Tổng mức vay của NSNN là 690.553 tỷ đồng.
Trước đó, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) Lê Quang Mạnh trình bày cho biết, nhiều ý kiến nhất trí thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 và đề nghị cần tính toán thận trọng, cân đối hợp lý, có lộ trình phù hợp, bảo đảm công bằng xã hội. Cần phải thực hiện đồng bộ giữa việc điều chỉnh mức lương cơ sở cùng với đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với xây dựng vị trí việc làm; có chính sách phù hợp, tránh cào bằng.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo tổng thể chính sách cải cách tiền lương và cân đối nguồn lực trong việc thực hiện cải cách tiền lương giai đoạn 2024-2026 và dự báo đến năm 2030, trong đó ngoài chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, cần tính đến nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chính sách lương, phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn, bản... để bảo đảm tính khả thi, ổn định lâu dài theo lộ trình mà Nghị quyết 27 đã quy định.
Về vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, ý kiến của các vị ĐBQH là hoàn toàn xác đáng. Theo đó, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, có báo cáo tổng thể chính sách cải cách tiền lương và cân đối nguồn lực trong việc thực hiện cải cách tiền lương giai đoạn 2024-2026 và dự báo đến năm 2030 gửi các vị ĐBQH.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị không sử dụng nguồn cải cách tiền lương để chi cho mục đích khác khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, bảo đảm đúng quy định của Nghị quyết 27 và dành nguồn để thực hiện cải cách tiền lương, hiện đã quá muộn so với yêu cầu của nghị quyết. Một số ý kiến đề nghị cho phép các địa phương đã tự cân đối ngân sách được phép sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương còn dư (tính đến hết năm 2025) để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông để bảo đảm phù hợp với Kết luận số 64 ngày 18/10/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2024.
Về vấn đề này, UBTVQH cho biết, căn cứ các tờ trình, báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, Chính phủ không kiến nghị cho phép các địa phương đã tự cân đối ngân sách được phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện đầu tư. Mặt khác, từ ngày 1/7/2024, dự kiến thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, sẽ cần nguồn lực lớn từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để chủ động bố trí.
"Việc bố trí, sử dụng nguồn lực từ nguồn cải cách tiền lương còn dư cần được Chính phủ tổng hợp, báo cáo trên cơ sở đánh giá tổng thể nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương. Vì vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho phép được giữ như dự thảo nghị quyết. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm đánh giá tổng thể về nguồn lực cải cách tiền lương, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong năm tài khóa 2024 để bảo đảm thực hiện đúng tinh thần kết luận của Ban chấp hành Trung ương", Chủ nhiệm UBTCNS nêu.
UBTVQH cũng cho rằng, để bảo đảm đúng quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 129/2020/QH14 về việc chỉ cho phép "tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính đặc thù được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27", đề nghị không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn,...) của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước. Chính phủ tổ chức thực hiện và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.