Nhận thức và hành động trong thực thi pháp luật về PCCC còn chưa thường xuyên, liên tục
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho rằng, sau mỗi vụ cháy ai cũng thấy thương xót, đau xót nhưng sự chuyển động về nhận thức và hành động trong thực thi pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) còn chậm, chưa thường xuyên, liên tục; tình trạng buông lỏng quản lý, xuất hiện nhiều loại hình nhà ở "biến tướng", gây nguy cơ mất an toàn cao.
Số vụ cháy giảm 31,8% nhưng tăng số người chết và bị thương
Thay mặt lãnh đạo Bộ Công an trình bày báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, sáng 5/11, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn quốc xảy ra 2.927 vụ cháy và sự cố cháy (giảm 31,8% so với cùng kỳ năm 2022), làm chết 134 người (tăng 26,8%), làm bị thương 101 người (tăng 21,8%), về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền gần 230 tỷ đồng và 207 ha rừng.
"Trong đó, xảy ra 50 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, đặc biệt nghiêm trọng là vụ cháy chung cư mini ngày 12/9/2023 tại Thanh Xuân, Hà Nội làm chết 56 người, 37 người bị thương", đồng chí Thứ trưởng thông tin.
Về tình hình, kết quả triển khai thực hiện, các bộ, ngành, UBND địa phương đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, qua đó đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm của cơ quan quản lý, tổ chức và người dân đối với công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH).
Về việc thực hiện Chỉ thị số 01, Bộ Công an với vai trò thường trực đã chỉ đạo lực lượng Công an 4 cấp, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát PCCC triển khai quyết liệt, toàn diện các giải pháp PCCC. Trong đó, đã lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật PCCC sửa đổi; hoàn thành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 136 và Nghị định 83 của Chính phủ; ban hành 2 Thông tư liên quan đến công tác PCCC; đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 9 tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về PCCC.
"Bên cạnh đó, Bộ Công an đã thành lập Đoàn công tác hỗ trợ quốc tế và thực hiện nhiệm vụ CNCH của Bộ Công an trong thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ; đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, hiện đang phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện", Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết.
Hơn 2.000 chung cư, hơn 100.000 nhà trọ và nhà ở nhiều căn hộ vi phạm về PCCC
Đối với Công điện số 825, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức tổng rà soát, kiểm tra đối với 100% các cơ sở nhà chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao, đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện tại Công an 8 địa phương, kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh.
Qua công tác thống kê và điều tra cơ bản, trên toàn quốc có 3.732 nhà chung cư; 192.860 nhà trọ; 1.585 nhà ở nhiều căn hộ và 99.707 nhà ở kết hợp kinh doanh chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ. Trong quá trình triển khai Công điện, đã tổ chức tuyên truyền hơn 48.000 lượt, khoảng 3,9 triệu người tham gia tập huấn; tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn cho 1.379 nhà chung cư; 18.470 nhà trọ; 593 nhà ở nhiều căn hộ; 9.230 nhà ở kết hợp kinh doanh chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ.
"Đã tổ chức rà soát, kiểm tra 100% các cơ sở theo chỉ đạo tại Công điện, qua đó xử lý vi phạm đối với 228 nhà chung cư; 8.799 nhà trọ, nhà ở nhiều căn hộ; 1.067 nhà ở kết hợp kinh doanh chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ; hướng dẫn chủ đầu tư, chủ cơ sở khắc phục các nội dung tồn tại về PCCC", đồng chí Thứ trưởng dẫn báo cáo.
Một số vi phạm điển hình được phát hiện cụ thể như: Vi phạm về trật tự xây dựng xảy ra tại 453 chung cư, gần 50.000 nhà trọ và nhà ở nhiều căn hộ, hơn 20.000 nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh; vi phạm về sử dụng điện xảy ra tại 15 chung cư, hơn 10.000 nhà trọ và nhà ở nhiều căn hộ, hơn 9.000 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; vi phạm về PCCC tại hơn 2.000 chung cư, hơn 100.000 nhà trọ và nhà ở nhiều căn hộ, hơn 33.000 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Thiếu cơ chế xác định trách nhiệm, chưa coi trọng công tác kiểm tra, giám sát...
Báo cáo của Bộ Công an cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện Chỉ thị 01, như: các bộ, ngành, địa phương chuyển biến rất chậm, nhiều địa phương triển khai rất hình thức, chung chung; người dân đã từng bước chuyển biến về nhận thức nhưng chưa quyết liệt hưởng ứng và chấp hành quy định về PCCC...
Về nguyên nhân, nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức đối với công tác PCCC còn hạn chế; thiếu cơ chế để xác định trách nhiệm của người đứng đầu; chưa coi trọng công tác kiểm tra, giám sát; chưa chú trọng công tác đầu tư, trang bị phương tiện cho hoạt động PCCC, tổ chức tập huấn cho lực lượng chữa cháy tại chỗ.
"Sau mỗi vụ cháy ai cũng thấy thương xót, đau xót nhưng sự chuyển động về nhận thức và hành động trong thực thi pháp luật về PCCC để chủ động rà soát, khắc phúc ngay những tồn tại của cơ quan, nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở mình, hộ gia đình còn chậm, chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Long chỉ rõ và cho biết, một tháng trước khi xảy ra vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm các vụ cháy trên địa bàn thành phố, lãnh đạo Bộ Công an cũng đã phát biểu về vấn đề này.
Sau mỗi vụ cháy đó có bao nhiêu người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực sự đầu tư thời gian, công sức để chỉ đạo rà soát, kiểm tra, đánh giá những bất cập, tồn tại về PCCC trên địa bàn của mình để có những giải pháp hữu hiệu? "Văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã rất đầy đủ, vấn đề chúng ta có thực sự triển khai làm thực chất hay không? Kể cả đối với loại hình chung cư mini, lãnh đạo Bộ Công an cũng đã lường trước, đã chỉ đạo, nhắc nhở kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh, có biện pháp... tuy nhiên vẫn xảy ra vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng", đồng chí Thứ trưởng thông tin thêm.
Nguyên nhân thứ hai là, một số nơi còn tình trạng buông lỏng quản lý, nhất là quản lý đối với hoạt động xây dựng, tình trạng xây dựng không phép, sai phép, trái phép xảy ra ở nhiều địa bàn, nhất là các thành phố lớn có mật độ xây dựng cao (đặc biệt là ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Nhiều loại hình nhà ở riêng lẻ, người dân tự ý chuyển đổi công năng thành nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi chung cư mini), nhà trọ với mật độ người ở cao, nhà kết hợp sản xuất kinh doanh...
"Các loại hình "biến tướng" này chưa được pháp luật điều chỉnh cụ thể nên gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý, do không được xem xét, cấp phép thiết kế các điều kiện an toàn trước khi đưa vào sử dụng, gây nguy cơ mất an toàn rất cao. Nhiều công trình cố tình cho người dân vào ở khi chưa bảo đảm an toàn dẫn đến khó áp dụng các biện pháp xử lý, cưỡng chế do ảnh hưởng đến an sinh xã hội của người dân", Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.