Người Việt ở nước ngoài sẽ được mở rộng quyền về đất đai như trong nước?
Chính phủ đề nghị nội dung này trong Luật Đất đai (sửa đổi), với điều kiện người đó có quốc tịch Việt Nam, là công dân Việt Nam. Đa số thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng nhất trí quy định này.
Hai phương án liên quan đất dự án nhà ở thương mại
Ngày 3/11, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết, liên quan đến quyền và nghĩa vụ sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa quy định theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam, là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai (không chỉ riêng quyền đối với đất ở) như công dân Việt Nam ở trong nước (cá nhân trong nước); giữ chính sách như pháp luật hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài (không có quốc tịch Việt Nam).
Trên cơ sở các ý kiến này và ý kiến của Chính phủ, dự thảo luật thiết kế 2 phương án: Phương án 1, tiếp thu các ý kiến, chỉnh sửa quy định nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo hướng này, cần rà soát quy định có liên quan đến quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, quy trình, thủ tục xác nhận công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài...
Phương án 2, giữ như quy định của pháp luật hiện hành, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam có các quyền sử dụng đất như người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam (người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài).
"Đa số ý kiến của UBTVQH thống nhất với Phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này", ông thông tin.
Chủ nhiệm UBKT cũng cho biết, một số ý kiến đề nghị quy định rõ dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ là một trong các trường hợp thu hồi đất; HĐND cấp tỉnh quy định các tiêu chí để quyết định các dự án loại này thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; còn lại là các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất.
Về nội dung này, dự thảo luật thiết kế 2 phương án: Phương án 1, chỉnh sửa theo hướng dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất.
Phương án 2: Tiếp thu các ý kiến theo hướng quy định dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ gắn với tiêu chí, điều kiện cụ thể thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
"UBTVQH xin ý kiến Quốc hội về nội dung này. Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, UBTVQH sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động để tiếp thu, thiết kế phương án phù hợp tại luật hoặc giải trình thuyết phục nếu không thể tiếp thu", Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh nêu.
Có được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê đất quốc phòng, an ninh kết hợp sản xuất?
Về quyền và nghĩa vụ của đơn vị, doanh nghiệp Quân đội, Công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh (QPAN) kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế (khoản 3 Điều 202), Chủ nhiệm UBKT cho biết, UBTVQH nhận thấy, quy định tại điểm h khoản 3 Điều 202 dự thảo luật về "doanh nghiệp Quân đội, Công an được cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất do mình tạo lập" là quy định khác với quy định tại Nghị quyết số 132/2020/QH14 về đơn vị, doanh nghiệp Quân đội, Công an sử dụng đất QPAN kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất.
Bên cạnh đó, để bảo toàn đất QPAN, tương tự như trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập thuê đất trả tiền hằng năm, cần có quy định cụ thể về hạn chế quyền đối với doanh nghiệp trong trường hợp này do theo quy định của pháp luật dân sự thì việc xử lý tài sản trên đất và đất phải thực hiện đồng bộ.
Tuy nhiên, ý kiến của Chính phủ tại Báo cáo số 598 như sau: Việc thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp Quân đội, Công an. Việc quy định như tại dự thảo luật chỉ là điều kiện cần để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Điều kiện đủ để được thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất QPAN còn phải tuân theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, pháp luật về hoạt động của tổ chức tín dụng, ngân hàng; tuân theo quy định về ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, tuân theo quy định tại Điều lệ tổ chức hoạt động của doanh nghiệp và chế độ sử dụng đất quốc QPAN kết hợp với hoạt động lao động sản xuất kinh doanh xây dựng kinh tế.
Trên cơ sở các ý kiến, dự thảo luật thiết kế 2 phương án: Phương án 1, quy định theo hướng, không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất. Phương án 2, quy định theo hướng cho phép quyền được cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất.
UBTVQH xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.
ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) bày tỏ đồng tình với quan điểm của các đại biểu và cho rằng, quy định như dự thảo luật sẽ đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của kiều bào; đồng thời thu hút kiều bào ủng hộ đầu tư về quê hương, góp phần khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế của đất nước...
Tuy nhiên, nếu quy định như dự thảo luật, thì đại biểu còn băn khoăn hai vấn đề. Thứ nhất, theo quy định tại khoản 4, Điều 3 của Luật Quốc tịch, người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm: người có quốc tịch Việt Nam và người Việt Nam không có quốc tịch Việt Nam đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
"Như vậy, quy định như trên vẫn có hai đối tượng về người Việt Nam định cư ở nước ngoài là người có quốc tịch Việt Nam và người không có quốc tịch Việt Nam. Nếu chúng ta quy định chung chung về quyền và nghĩa vụ đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo Phương án 1 tại Điều 44 dự thảo luật là chưa thật sự đầy đủ và cũng chưa thật sự tạo sự công bằng", bà phân tích.
Từ đó, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần phân định rõ và cần làm rõ quyền của người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài không còn quốc tịch Việt Nam để đảm bảo quyền lợi cho công dân Việt Nam.
Thứ hai, nữ ĐBQH tỉnh Đắk Lắk băn khoăn khi công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài thường không sinh sống, làm việc ở trong nước và có thể dẫn đến tình trạng trường hợp có tranh chấp về đất đai; việc sử dụng đất không thường xuyên, gây lãng phí về nguồn lực.
"Hơn nữa, trong trường hợp phát sinh tranh chấp về đất đai, việc sử dụng đất không thường xuyên cũng sẽ dẫn đến quá trình giải quyết tranh chấp kéo dài", đại biểu bổ sung và đề nghị cơ quan thẩm tra cũng như Chính phủ cần có đánh giá tác động, tiếp tục rà soát kỹ, nghiên cứu đầy đủ, cụ thể về nội dung này.
ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng cho rằng, hiện nay ở Việt Nam đang trong quá trình đô thị hoá nhanh, dân cư dồn về đô thị, nếu không mở rộng nguồn cung nhà ở thì không đáp ứng nhu cầu, giá nhà ở sẽ cao. Thực tế cho thấy, giá nhà đất Việt Nam quá cao so với thu nhập chung của xã hội. Nếu giá nhà cao như vậy thì bắt buộc người dân phải ở trong những căn hộ dưới ngưỡng an toàn, không ít trường hợp do không chịu được chi phí mua nhà nên đã chấp nhận xây nhà ở trên đất nông nghiệp.
"Vụ cháy chung cư mi ni khiến cả xã hội bàng hoàng vừa qua có một phần nguyên nhân do có quá nhiều rào cản không cần thiết về khung nhà ở. Vì thế, cần gỡ bỏ những rào cản về khung nhà ở, chỉ giữ lại những yêu cầu thật cần thiết về an toàn chính là cách hạn chế những vụ việc thương tâm như vậy" - ĐBQH tỉnh Quảng Trị dẫn chứng và cho biết, tất nhiên còn phụ thuộc nhiều vào quy định khác, trong đó có Luật Nhà ở..., tuy nhiên, những thay đổi mạnh mẽ từ luật đất đai sẽ mở đường cho những thay đổi có liên quan.