Người lao động được làm thêm không quá 60 giờ/tháng

Thứ Tư, 23/03/2022, 17:19

Chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động. Theo đó, số giờ làm thêm trong 1 năm không quá 300 giờ và số giờ làm thêm trong 1 tháng là không quá 60 giờ.

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày cho biết, nhiều ý kiến đồng tình với việc mở rộng đối tượng áp dụng thời giờ làm thêm trong năm không quá 300 giờ tại Nghị quyết này và đề nghị loại trừ những đối tượng lao động đặc biệt như người lao động chưa thành niên từ 15-18 tuổi, người khuyết tật, phụ nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ, người làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm....

Người lao động được làm thêm không quá 60 giờ/tháng -0
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Tiếp thu ý kiến của UBTVQH và đa số ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Xã hội và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất chỉnh lý Điều 1 của dự thảo Nghị quyết theo hướng bổ sung các trường hợp không thực hiện thời giờ làm thêm theo Nghị quyết này như sau:

a) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi;

b) Người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

c) Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm  hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

d) Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;

đ) Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Có ý kiến đề nghị xem xét nâng mức thời gian làm thêm là không quá 400 giờ trong 1 năm. Ủy ban Xã hội báo cáo, trong quá trình thẩm tra dự án Bộ luật Lao động năm 2019, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát, tham vấn ý kiến trực tiếp người lao động và khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế về thời giờ làm thêm; các vị đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận, cho ý kiến nhiều lần về nội dung này.

Bên cạnh đó, phương án nâng mức trần thời gian làm thêm giờ trong 1 năm lên không quá 400 giờ cũng đã được Chính phủ thảo luận, cân nhắc kỹ trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết và thấy rằng, việc nâng lên mức 400 giờ là chưa phù hợp với nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, Ủy ban Xã hội và cơ quan chủ trì soạn thảo xin phép được giữ như dự thảo Nghị quyết.

Người lao động được làm thêm không quá 60 giờ/tháng -0
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Về mức trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, tiếp tục có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất (của Ủy ban Xã hội) cho rằng, chỉ nên nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá không quá 60 giờ, tương ứng với việc được áp dụng thời gian làm thêm tối đa trong 1 năm từ 200 giờ lên không quá 300 giờ (150%). Đây cũng là ý kiến được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lựa chọn để thực hiện mục tiêu bảo đảm sức khỏe, tái tạo sức lao động, an toàn lao động của người lao động.

Loại ý kiến thứ hai đồng tình nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, đây là mức hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Qua xin ý kiến thành viên UBTVQH, đa số đồng tình với phương án 1, tức số giờ làm thêm trong 1 tháng không quá 60 giờ.

Người lao động được làm thêm không quá 60 giờ/tháng -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thảo luận tại phiên họp.

Do đó, Ủy ban Xã hội điều chỉnh Điều 2 như sau: Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

Thảo luận tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung vẫn giữ nguyên quan điểm của Chính phủ, đề nghị tăng giờ làm thêm lên mức 72 giờ/tháng, đồng thời cho biết, vừa qua do sức ép công việc, đơn hàng nên một số doanh nghiệp đã trực tiếp thỏa thuận với người lao động tiến hành tăng giờ làm thêm. Tuy nhiên, chính việc ngấm ngầm thỏa thuận này đã dẫn đến việc quyền lợi của người lao động đôi khi không được đảm bảo.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, chưa nhận được bất kỳ văn bản của hiệp hội hay doanh nghiệp nào đề nghị tăng lên 72 giờ, trong khi hậu COVID-19 nhiều người dân cũng gặp tình trạng sức khỏe khó khăn, bị mất ngủ, hụt hơi, không thể duy trì lại trạng thái tâm lý, sức khỏe bình thường được. "Chúng ta xây dựng quan hệ lao động phải hài hòa giữa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, cần có đánh giá đầy đủ nếu không thì không chỉ ảnh hưởng vấn đề lao động, việc làm mà còn ảnh hưởng đến chính trị, xã hội", Chủ tịch Quốc hội lưu ý và đề nghị xem xét thận trọng vì đây là quyết sách có tính tổng hợp.

Người lao động được làm thêm không quá 60 giờ/tháng -0
Toàn cảnh phiên họp.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị phải tính đầy đủ tác động cả về mặt chính trị, kinh tế, xã hội, trong đó phải bám vào mục tiêu tăng lương, giảm giờ làm; dịch COVID-19 là cơ hội để chuyển đổi mô hình tăng trưởng; quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là không đánh đổi sức khỏe, sinh mạng của người dân để lấy tăng trưởng.

100% thành viên UBTVQH có mặt tại hội trường đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động. Kết lại nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ Y tế phối hợp các bộ ngành liên quan đánh giá tác động của hậu COVID-19; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp các cơ quan liên quan có báo cáo, rà soát thêm các công ty, doanh nghiệp yêu cầu làm thêm giờ, có đơn đặt hàng để giải quyết hài hòa lợi ích các bên.

UBTVQH giao Ủy ban Xã hội tiếp tục chủ trì, phối hợp Ủy ban Pháp luật và các cơ quan có liên quan rà soát, hoàn chỉnh Nghị quyết trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Bảo Quân
.
.
.