Người con của làng

Thứ Bảy, 09/11/2024, 08:00

Ngày thu tháng 10, nắng trải vàng trên mái ngói rêu phong của ngôi nhà thờ cổ. Những viên ngói mới dặm xen kẽ nổi lên giữa màu trầm tích thời gian. Ngôi nhà thờ cổ kính, giản dị giữa xóm 3 thôn Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội), là nơi những người con của dòng họ Nguyễn Phú trở về tưởng nhớ nguồn cội.

Nơi đây còn có bóng dáng của vị Tổng Bí thư thắp hương kính cẩn trước ban thờ tổ tiên, trao quà khuyến học cho lớp trẻ dòng họ... Sau ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với tiên tổ, nhiều người dân khắp mọi miền đất nước vẫn  tìm về Lại Đà để tri ân nhà lãnh đạo uy tín của đất nước, họ đến ngôi nhà riêng của ông, thăm nhà thờ họ, ngôi đình, mái chùa cổ kính... trong lặng lẽ, nghiêm cẩn.

8-1.jpg -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với thế hệ trẻ làng Lại Đà, năm 2014.

Thương nhớ người đi xa

Hằng ngày, người Lại Đà vẫn gặp khách lạ đến thăm làng. Họ đứng hồi lâu trước ngôi nhà giản dị của vị Tổng Bí thư vừa mới đi xa, chụp ảnh với bức tường, hàng cau ngay lối vào ngôi làng cổ đã có từ nghìn năm nay. Ai đến đây cũng muốn có cho riêng mình một tấm ảnh để lưu giữ, làm kỷ niệm. Cũng như người dân Lại Đà, ai cũng tự hào về người Tổng Bí thư sinh ra từ làng, vinh dự khi được tiếp xúc, chụp ảnh cùng ông.

Sau ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội lan tỏa nhiều hình ảnh đẹp về người con ưu tú của làng Lại Đà. Nhân dân cảm động trước những hình ảnh đời thường được chính người làng chụp lại mỗi dịp Tổng Bí thư về thăm quê. Đó là bức hình ghi lại cuộc nói chuyện giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với người dân trên đường làng, là hình ảnh người đứng đầu đất nước mái tóc trắng như cước và chiếc áo sờn, tươi cười cùng lớp thanh niên trẻ trong màu áo xanh tình nguyện... Bức ảnh tự nhiên, gần gũi và ấm áp ấy được nhiều người dân chia sẻ.

Tôi đã đi tìm những bạn trẻ vinh dự được chụp chung với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bức ảnh đó và bất ngờ khi biết rằng, hầu hết các nữ thanh niên đó giờ đã là các cô giáo đang dạy học ở ngay quê hương. Cô gái bên trái bức ảnh là Diệu Linh (sinh năm 1994), hiện là giáo viên Trường Tiểu học Đông Hội. Linh nhớ lại: “Hôm đó em cùng các bạn đoàn viên thanh niên ở làng phục vụ lễ mừng thọ các cụ trong làng. Khi thấy ông (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) về đến sân đình, chúng em chạy ùa ra để được gặp ông. Ông thấy vậy đã dừng lại để chụp ảnh cùng chúng em. Chúng em có bức ảnh từ ngày đó nhưng chỉ lưu lại làm kỷ niệm chứ không dám đăng lên mạng. Nhà em ở xóm 1, gần nhà bà Lai, chị gái của ông nên em cũng từng được gặp ông khi ông về thăm, thấy ông gần gũi lắm”.

Còn cô gái áo đỏ có nụ cười duyên dáng đứng bên phải, sát Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, giờ cũng là cô giáo của Trường Tiểu học An Dương Vương ở xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, cô tên là Vương Thu Hà (sinh năm 1993). Hà kể: “Khi bức ảnh được đăng lên mạng sau ngày ông mất, có phụ huynh hỏi em: “Có phải cô giáo đây không?”. Em bất ngờ, dù bức ảnh đó em chỉ giữ làm kỷ niệm”. Hôm chụp bức ảnh này cũng là ngày bà nội em mừng thọ 85 tuổi, bà cũng được đứng cùng ông trong buổi lễ. Em tự hào được tiếp xúc với ông, được chụp ảnh cùng ông và tự hào khi được là người con của Lại Đà”.

Thế hệ trẻ Lại Đà đã nghĩ về vị Tổng Bí thư của mình với lòng tự hào và tình cảm trân trọng như thế. Còn những người cùng thế hệ với ông, họ nhớ về ông như một người con ưu tú của làng. Tôi đã trò chuyện với ông Vương Khắc Tăng là bạn học cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ nhỏ cho đến khi học tại trường cấp 3 Nguyễn Gia Thiều. Ông Tăng là cựu chiến binh, vẫn được mời nói chuyện về lịch sử ở các trường học địa phương. Ngày quốc tang người bạn đồng môn, ông Tăng đang nằm viện. Ngay sau ca phẫu thuật, ông ngỏ ý sẵn lòng về đình làng để tiếp khách, giới thiệu cho các đoàn khách những câu chuyện về người bạn học thuở xưa, về truyền thống và lịch sử ở ngôi làng cổ nơi ông và người dân luôn tự hào.

Phúc ấm tổ tiên

Trò chuyện với tôi trong không gian nhà thờ họ Nguyễn Phú, ông Nguyễn Phú Việt - trưởng họ và cũng là Bí thư thôn Lại Đà rót cốc nước vối xanh mát. Ngày nào ông cũng chuẩn bị một ấm vối như thế để tiếp khách. Ông kể, sau ngày quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà thờ họ nườm nượp khách phương xa đến thắp hương. Khách cá nhân có, mà khách đi theo đoàn cũng nhiều. Có đoàn liên hệ trước thì chính quyền, đoàn thể thôn đón tiếp tại đình làng, sau đó hướng dẫn khách thăm làng, vào chùa, đến nhà thờ họ. Ai cũng muốn dừng lại trước ngôi nhà riêng của Tổng Bí thư với bức tường đất đá ong màu nâu sẫm bao quanh, với hàng cau và mái ngói đậm phong cách đồng bằng Bắc Bộ, chụp ảnh và tưởng nhớ người đã đi xa.

Ông Nguyễn Phú Việt giới thiệu với tôi những vật kỷ niệm của khách thập phương gửi tặng đặt trang trọng bên bức di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó là bức tranh vẽ Tổng Bí thư, là bài thơ viết vội đầy cảm xúc của một người dân ngưỡng mộ và biết ơn người lãnh đạo cả một đời vì dân, vì nước... Trên bức tường cũ kỹ là những hình ảnh ghi lại hoạt động của dòng họ Nguyễn Phú vào các dịp giỗ Tổ, khuyến học, trong đó có tấm ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát phần thưởng cho các cháu có thành tích cao trong học tập.

8-2.jpg -0

Theo văn bia trong khuôn viên nhà thờ ghi lại, nhà thờ tổ họ Nguyễn Phú được xây dựng năm Ất Sửu, đời Vua Tự Đức thứ 18 (1865). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hậu duệ đời thứ 12 của dòng họ Nguyễn Phú. Ông Việt kể lại: “Những lần bác về giỗ Tổ, vào đến sân là bác tươi cười chào tất cả mọi người, hỏi thăm sức khỏe các cụ già rồi vào làm lễ, thắp hương. Tôi không được tiếp xúc với bác nhiều vì bác dành thời gian ngồi trò chuyện với các bậc cao niên, rồi hỏi chuyện các cháu nhỏ, rất thân tình và ấm áp”. Ngước nhìn quanh ngôi nhà thờ, ông Việt nói: “Thấy ngôi nhà thờ xuống cấp, đã có ý kiến đề nghị xây dựng lại khang trang hơn, nhưng Tổng Bí thư nói, cố gắng giữ ngôi nhà thờ này vì còn tốt, mang nhiều giá trị. Vậy nên sau này không ai nhắc đến việc đó nữa”.

Như lời ông Việt, hiểu tính cách và cũng để Tổng Bí thư yên tâm gánh vác trọng trách đặc biệt nên trong dòng họ không ai mượn tiếng của ông để thăng tiến công việc hay nhờ vả mà đều tự thân vận động, trưởng thành bằng thực lực. Đó cũng là cách người trong họ, người làng giữ gìn để ông yên tâm làm việc lớn, trọn vẹn hiến dâng cho nhân dân, đất nước.

Dự lễ mừng thọ các cụ cao niên trong làng ngày mùng 9 tháng Giêng năm Giáp Ngọ 2014, trong lời phát biểu của Tổng Bí thư có câu: "Tôi luôn mang ơn nghĩa nặng tình sâu của quê hương! Đi đâu tôi cũng nghĩ mình là dân Đông Anh, dân Đông Hội, dân Lại Đà". Lời phát biểu như lời tâm sự ấy chính là một ý trong tinh thần văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nhiều lần ông nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...”, tức là ông nhấn mạnh phải giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc của dân tộc mình, của quê mình.

Trong những giá trị văn hóa truyền thống ấy, có giá trị của lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và giá trị truyền thống của cội nguồn, “gốc có vững, cây mới bền” - như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế nên, khi trở về quê hương, về nơi mình sinh ra và lớn lên, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu trước dân làng như một lời nhắc, một tâm niệm, dù đi xa, dù ở cương vị nào cũng luôn nhớ mình là “người con của làng”.

Trong nhà thờ họ Nguyễn Phú có bức đại tự: “Phục Trù Thực Đức” bằng chữ Nho, có nghĩa: “Chăm chỉ nơi ruộng đồng, hưởng phúc lành tiên tổ” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được hưởng phúc lành tiên tổ, phúc lành đó cũng đang được ông lưu truyền cho đời sau, đó là bài học ý nghĩa về sự biết ơn nguồn cội, về việc giữ gìn văn hóa từ trong mỗi con người, dòng họ, trong từng việc làm cụ thể như chính “người con của làng” đã sống và cống hiến.

Minh Phương
.
.
.