Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, chủ động thích ứng

Thứ Tư, 15/12/2021, 08:01

Sáng 15/12, Hội nghị Ngoại giao 31 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động, thích ứng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị Ngoại giao 31 -0
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan triển lãm tại Hội nghị Ngoại giao 31. Ảnh Phong Sơn. 

Tham dự Hội nghị trực tiếp tại đầu cầu Nhà làm việc Bộ Ngoại giao có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Minh Hoan; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ.

Dự Hội nghị tại các điểm cầu trực tuyến còn có các Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, trung ương; lãnh đạo 63 tỉnh thành; đại diện lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp và một số tập đoàn lớn.

Về phía Bộ Ngoại giao có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Diên; cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo qua các thời kỳ, hơn 70 Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Hội nghị diễn ra vào thời điểm rất quan trọng khi ngành ngoại giao và đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, phấn đấu với quyết tâm cao thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025. 

Hội nghị Ngoại giao 31 được tổ chức ngay sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc vừa diễn ra rất thành công ngày 14/12, khẳng định quyết tâm rất cao của ngành ngoại giao trong việc quán triệt và đưa các chỉ đạo toàn diện, sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác đối ngoại sớm đi vào triển khai, thực hiện.

Từ Hội nghị Ngoại giao 30 năm 2018, tình hình thế giới và trong nước diễn ra hết sức nhanh chóng, phức tạp, bên cạnh những thuận lợi nảy sinh nhiều diễn biến mới vượt khỏi dự báo thông thường. Trong đó nổi lên là đại dịch COVID-19 kéo dài gần 2 năm qua, đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế-xã hội và giao lưu quốc tế.

Bám sát các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và phát huy truyền thống, bản sắc ngoại giao "hòa hiếu nhưng quật cường" của dân tộc ta, ngành ngoại giao đã kiên trì ề nguyên tắc, kiên định về mục tiêu, chủ động, linh hoạt, sáng tạo khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng yếu về đối ngoại.

Nhờ đó, đã đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện. Đó là: Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với nhiều đối tác, nhất là các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống. Từ đó tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội. 

Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị Ngoại giao 31 -0
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Phong Sơn. 

Trong những lúc gian nan, thử thách của đại dịch COVID-19, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ, ngành ngoại giao đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, đi đầu triển khai ngoại giao y tế, ngoại giao vaccine, tranh thủ sự ủng hộ kịp thời, hiệu quả của cộng đồng quốc tế về vaccine, vật phẩm y tế và thuốc điều trị cho phòng, chống và thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19. 

Ngoại giao tiếp tục quảng bá mạnh mẽ ra thế giới hình ảnh Việt Nam độc lập, tự chủ, giàu bản dắc văn hóa, thủy chung, tin cậy và đang quyết tâm đổi mới. Đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các diễn đàn quốc tế quan trọng, đặc biệt đã hoàn thành tốt trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2020-2021, qua đó nâng cao vị thế, uy tín đất nước ta trên trường quốc tế. 

Những thành tựu quan trọng này đã đóng góp vào thành tựu chung của 35 năm đổi mới, với cơ đồ, tiềm lực và vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ta chưa bao giờ có như hiện nay. Qua đó góp phần củng cố niềm tự hào, sự tin tưởng và đồng thuận của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và thế đi lên của đất nước, sự tin cậy, quan tâm và ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Những thành tựu của ngành ngoại giao đều gắn liền với chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự điều hành quyết đoán, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ và sự chỉ đạo, tham gia trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. 

Sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và giao lưu nhân dân, giữa ngoại giao với quốc phòng, an ninh, các ngành, các cấp, các cơ quan Trung ương trong hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tích cực hưởng ứng của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp cũng đã tạo thành sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối ngoại. 

“Bên cạnh những kết quả rất quan trọng, với tinh thần cầu thị, đánh giá khách quan, ngành Ngoại giao vẫn còn nhiều việc có thể làm tốt hơn nữa, nhất là về tranh thủ cơ hội, thời cơ, yếu tố quốc tế thuận lợi, các khuôn khổ hợp tác và quan hệ đối tác rộng mở để đóng góp hiệu quả hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động đối ngoại và ngoại giao phong phú, sôi động trong thời gian qua đem lại cho ngành Ngoại giao nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu, giúp tôi luyện ngành Ngoại giao trưởng thành hơn về bản lĩnh và trí tuệ, phát triển vững mạnh hơn về tổ chức và đội ngũ cán bộ”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Đất nước ta đang bước vào giai đoạn chiến lược mới, gắn liền với việc thực hiện khát vọng, tầm nhìn, mục tiêu, phương hướng phát triển của đất nước đến giữa thế kỷ XXI, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế và mạng lưới quan hệ đối tác rộng mở có được sau 35 năm đổi mới là nền tảng vững chắc cho nước ta tiếp tục vươn lên, tiến cùng thời đại. Dù còn nhiều khó khăn, thử thách, song sự nghiệp đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới của nước ta phù hợp với lịch ích dân tộc và những xu thế chủ đạo của thời đại, tạo cơ hội lớn tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ và kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại cho phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc. 

Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị Ngoại giao 31 -0
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo tham dự Hội nghị Ngoại giao 31. Ảnh Phong Sơn. 

Thế giới đang trải qua những biến động lớn, diễn biến nhanh phức tạp và khó dự báo, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, toàn cầu hóa tiếp tục tiến triển song gặp nhiều trở ngại, khó khăn. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo ra thời cơ lớn cho đẩy mạnh phát triển đất nước, dựa vào đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số nhưng nguy cơ tụt hậu cũng rất lớn. Sự điều chỉnh và cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng phức tạo, quyết liệt, dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài, làm thay đổi sâu sắc cơ cấu kinh tế, mô hình phát triển, phương thức quản trị và đời sống xã hội trên thế giới. Bối cảnh quốc tế này tác động sâu sắc và nhiều mặt tới môi trường an ninh và phát triển cũng như đối ngoại của nước ta, mở ra cơ hội song cũng đặt ra nhiều vấn đề mới, phức tạp hơn đối với sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc. 

Do đó, yêu cầu đặt ra đối với đối ngoại nói chung và ngành ngoại giao nói riêng hết sức nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Ngành ngoại giao nói riêng phải phát huy vai trò tiên phong trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa tranh thủ thời cơ và nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao vị thế, uy tín đất nước. 

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh một số nội dung thảo luận tại Hội nghị. Đầu tiên là đánh giá và dự báo tình hình quốc tế. Đặc trưng của môi trường quốc tế hiện nay và nhiều năm tới là tính bất định cao, diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, đòi hỏi tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, dự báo và tham mưu chiến lược phải tốt hơn, năng lực thích ứng phải cao hơn, phản ứng mau lẹ, sáng tạo và chính xác hơn. Hội nghị sẽ thảo luận và làm rõ những đặc điểm, xu hướng và nhân tố quốc tế, nhất là các nhân tố ở khu vực tác động đến môi trường an ninh và phát triển ở nước ta. Từ đó nhận diện đúng thời cơ, thách thức, nhìn nhận thấu đáo về các nội hàm cơ bản của đối ngoại trong bối cảnh quốc tế mới. 

Thứ hai, trên cơ sở đánh giá toàn diện công tác ngoại giao thời gian qua, quán triệt tinh thần và nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị sẽ thảo luận, đề ra các kế hoạch, nhiệm vụ, biện pháp triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương, ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân nhằm thực hiện thắng lợi đồng thời các nhiệm vụ giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao vị thế, uy tín đất nước.

Hội nghị cũng sẽ tập trung thảo luận về biện pháp xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, phấn đấu đưa đối ngoại và ngoại giao thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong thời gian tới. 

Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị Ngoại giao 31 -0
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chụp ảnh với Lãnh đạo Bộ Ngoại giao. Ảnh: Báo Quốc tế

Thứ ba, Hội nghị Ngoại giao lần này sẽ dành nhiều thời gian thảo luận để làm rõ nội hàm, xác định kế hoạch, phương hướng, biện pháp xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao toàn diện, hiện đại. Tập trung vào các biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao vững mạnh về bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng, có năng lực, trình độ cao, có phong cách và phương pháp lề lối làm việc chuyên nghiệp, hiện đại. 

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, trong truyền thống ngoại giao cách mạng Việt Nam, các hội nghị ngoại giao luôn là những sự kiện gắn liền với các mốc phát triển của ngành Ngoại giao. Chủ đề và nội dung thảo luận tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 gồm những vấn đề rất quan trọng đối với việc triển khai đối ngoại và công tác của ngành Ngoại giao trong thời gian tới.

Do vậy, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị tập thể cán bộ, đảng viên ngành Ngoại giao quán triệt sâu sắc các chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhất là của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc và Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Ngoại giao, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm và trí tuệ tập thể, thảo luận sôi nổi, sáng tạo, hiệu quả và bám sát chủ đề Hội nghị để đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, khả thi, tạo nên bước chuyển biến mới trong công tác của ngành Ngoại giao, nhằm đóng góp xứng đáng vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trong sáng 15/12, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng trình bày nhiều tham luận về các chủ đề quan trọng. 

Tiến Sơn
.
.
.