Nghiên cứu, tích hợp dữ liệu để tránh sự trùng lặp trong khiếu nại, tố cáo

Thứ Hai, 06/09/2021, 18:54

Chiều 6/9, Thường trực Ủy ban Pháp luật (UBPL) họp phiên mở rộng thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về công tác khiếu nại, tố cáo năm 2021.

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chinh phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch COVID - 19 gây ra nhưng các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2021 giảm rõ so với năm 2020, trong đó, số lượt người giảm 21,6%; số lượt đoàn đông người giảm 9,0%; tổng số đơn khiếu nại, tố cáo giảm 24,4%; số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 22,1%.

Nghiên cứu, tích hợp dữ liệu để tránh sự trùng lặp trong khiếu nại, tố cáo -0
Toàn cảnh phiên họp.

Đề cập đến nguyên nhân khiếu nại, tố cáo giảm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, đó là do sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp chính quyền. Đồng thời, do tác động của dịch COVID -19 nên số dự án triển khai ít hơn, chậm hơn so với trước (nhất là các dự án liên quan đến thu hồi đất). "Việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh nên công dân ít đến cơ quan có thẩm quyền để khiếu nại, tố cáo", ông Trần Ngọc Liêm nêu.

Chính phủ dự báo năm 2022, tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục diễn biến phức tạp, có khả năng tăng cao sau khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh COVID -19, nhất là ở những địa phương có sai phạm, sơ hở, yếu kém trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực và không thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thẩm tra báo cáo, nhóm nghiên cứu của UBPL tán thành với nhận định này của Chính phủ. Đại diện nhóm nghiên cứu, Phó Chủ nhiệm UBPL Ngô Trung Thành đề nghị Chính phủ đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá để tăng cường trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong công tác này; đồng thời chỉ đạo quyết liệt tổ chức thực hiện. "Đây là năm thứ 3 liên tiếp đơn khiếu nại, tố cáo giảm là điều "đáng mừng", tuy nhiên cần phân tích, đánh giá kỹ hơn nguyên nhân để rút ra kinh nghiệm trong quản lý, điều hành", ông nêu quan điểm.

Nghiên cứu, tích hợp dữ liệu để tránh sự trùng lặp trong khiếu nại, tố cáo -0
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại phiên họp.

Về cơ cấu, nội dung khiếu nại liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ lệ lớn, 64,6%. Nội dung tố cáo chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ; bao che cho cấp dưới gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và nhà nước… Nhóm nghiên cứu cũng đặc biệt lưu ý, con số tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm 84,6% tổng số đơn. "Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm xói mòn lòng tin của người dân, dễ bị các thế lực xấu lợi dụng, kích động ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội", Phó Chủ nhiệm UBPL nhấn mạnh và đề nghị phân tích, đánh giá cụ thể hơn vấn đề này.

Phát biểu tại phiên họp, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, việc nghiên cứu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tích hợp các dữ liệu chuyên ngành sẽ giải quyết được sự trùng lặp khi mỗi một chủ thể gửi rất nhiều đơn cùng một nội dung, gửi nhiều nơi cùng lúc. Việc tích hợp vào sẽ giúp xác thực, làm rõ hơn về việc có cần phải nhận hay trả lời đơn hay không; phân tích các nhóm nội dung đơn về đất đai hay vấn đề khác. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh cũng đã áp dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào công tác phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt trong khâu truy vết, kiểm soát việc đi lại của người dân, tiêm vaccine, các chính sách an sinh xã hội...

Là thành viên của Chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, Bộ Công an sẽ có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra Chính phủ thực hiện tốt hơn các phần việc được phân công.

 

Quỳnh Vinh
.
.
.