Nghiên cứu nâng phụ cấp cho giáo viên mầm non
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, do yếu tố đặc thù hoạt động nghề nghiệp bằng trí óc, "giáo dục là quốc sách hàng đầu" thì lương giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non hiện nay còn bất cập. Do đó, trong khi chờ thực hiện Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương thì cần nghiên cứu, đề xuất nâng phụ cấp cho đối tượng này.
Sáng 25/2, tại Nhà Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Phiên giải trình về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh COVID-19".
Đề xuất hơn 27.000 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông
Theo Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trình bày, tính đến nay, số lượng giáo viên mầm non, phổ thông ngành giáo dục thừa 10.178 giáo viên và thiếu 94.714 giáo viên. Ngành giáo dục vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học và một số địa phương, như trong cùng một địa phương thừa giáo viên các môn như Ngữ văn, Toán, thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù như Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật...
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, nguyên nhân của tình trạng thừa, thiếu giáo viên do việc bố trí, điều động, phân công giáo viên chưa sát nhu cầu thực tế, nhiều địa phương chưa có sự chỉ đạo thống nhất; có sự gia tăng quy mô dân số hàng năm theo tỷ lệ tăng tự nhiên, hầu hết các địa phương không giao bổ sung biên chế giáo viên trong khi vẫn phải thực hiện 10% tinh giản biên chế trong bối cảnh quy mô học sinh tăng…
Qua rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên, ngày 6/8/2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã làm việc và thống nhất tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét việc bổ sung biên chế giáo viên còn thiếu cho ngành giáo dục. Cụ thể là báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông năm học 2021-2022.
"Các địa phương cần đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể; thí điểm và đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông", ông nêu.
Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, giai đoạn 2015 - 2021, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 236.366 người, tương ứng 11,67%. Trong đó, bộ, ngành Trung ương giảm 40.221 người, tương ứng 25,19%; địa phương giảm 196.145 người, tương ứng 10,51%. Số tinh giản trên đã bao gồm cả số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập.
Theo bà, nhu cầu biên chế trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, tính theo định mức quy định thì năm học 2021 – 2022, tại 63 địa phương nhu cầu cần bổ sung là 65.980 giáo viên, trong đó cấp học mầm non 38.925 giáo viên, cấp học tiểu học 23.550 giáo viên, cấp trung học cơ sở 1.261 giáo viên và cấp trung học phổ thông 2.244 giáo viên. Khắc phục tình trạng trên, nữ Bộ trưởng cho biết, trước mắt sẽ trình bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông. Bên cạnh đó, cũng xem xét, bổ sung chính sách tiền lương, phụ cấp, nhất là phụ cấp ưu đãi với nhà giáo theo các cấp học.
Giảm số người hưởng lương từ ngân sách
Thảo luận tại phiên giải trình, ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đề cập tình trạng thừa cục bộ 10.178 giáo viên và thiếu 94.714 giáo viên. Giả sử có thể sắp xếp được số giáo viên thừa thì vẫn còn thiếu khoảng 84.000 giáo viên. Vậy giải pháp căn cơ nào để bổ sung được hơn 84.000 giáo viên này trong khi vẫn phải thực hiện Nghị quyết của Trung ương về tinh giảm biên chế?
ĐBQH Dương Minh Ánh (TP Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về mức lương giáo viên mầm non, phổ thông còn thấp, đặc biệt giáo viên mới đi làm hệ số 2,1, tức chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Trong khi Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương khẳng định "lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong bậc lương hành chính sự nghiệp và có phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng". "Lương như vậy có thể là động lực để họ yên tâm sống được với nghề? Cử tri ngành giáo dục băn khoăn, khi thay đổi chính sách tiền lương thì giáo viên không còn phụ cấp thâm niên đứng lớp, liệu lương có được nâng lên đảm bảo theo Nghị quyết 29?", đại biểu chất vấn.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc thực thi các giải pháp tổng thể để lâu dài và bền vững không thừa, thiếu giáo viên thì không chỉ phụ thuộc nội bộ ngành giáo dục mà còn liên quan các chính sách quốc gia, phương diện tài chính và giải pháp của các địa phương.
Ông thừa nhận, cần phải xem xét giải pháp nào là quan trọng, cấp bách, nếu không mức độ thiếu giáo viên ngày càng trầm trọng hơn, trong khi nhu cầu ngày càng nhiều (vấn đề huy động trẻ đến trường, phổ cập giáo dục, số môn mới tăng lên, nhu cầu học tập...), đồng thời vẫn phải giảm biên chế. Cần xử lý làm sao để tận dụng được hơn 10.000 giáo viên thừa một cách hợp lý nhất, tránh thừa vùng này mà thiếu vùng kia, thừa môn này mà thiếu môn kia. Bộ trưởng cho rằng, phải có giải pháp điều động giữa các trường, chuyển đổi.... song khó khả thi. Vấn đề đẩy mạnh xã hội hóa, tăng tự chủ ở các cơ sở giáo dục công lập rất cần được quan tâm, tuy nhiên ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa rất khó khăn. Do đó, nhiều chính sách cần phải thực hiện cùng lúc, cả quy hoạch về sắp xếp, dự báo nhu cầu, đào tạo cho đội ngũ giáo viên...
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị việc giảm biên chế không thực hiện theo kiểu cào bằng, cơ học mà tùy tình hình, đặc điểm từng địa phương và việc quản lý công chức, viên chức. "Như Thái Nguyên đề nghị giảm số người hưởng lương viên chức Nhà nước 20%; có bộ ngành đề nghị giảm 50% vì họ tự chủ được", bà lấy ví dụ và khẳng định, mục tiêu không phải cắt biên chế mà là giảm số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đề nghị Bộ GD&ĐT sớm xây dựng và hoàn thiện một chiến lược về giáo dục mầm non, phổ thông trên tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, Nghị quyết Đại hội Đảng XII, XIII. Rà soát lại quy mô mạng lưới trường lớp của hệ thống mầm non, THPT theo hướng tinh gọn đầu mối (Tiểu học, THCS có thể liên cấp, mỗi xã chỉ nên có 1 trường phổ thông, mầm non có thể liên xã...). Rà soát định mức học sinh, định mức giáo viên trên lớp, quán triệt tinh thần phù hợp từng vùng. Xã hội hóa, đẩy mạnh tự chủ giáo dục, giảm được số người phải lo về lương của giáo viên mầm non. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị ngành giáo dục phải sớm có quy hoạch, thống nhất mạng lưới, hệ thống...
Liên quan chính sách tiền lương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, về mặt bằng lương viên chức giáo dục là cao hơn, nhưng do yếu tố đặc thù hoạt động nghề nghiệp bằng trí óc, yêu cầu trong đào tạo nguồn nhân lực, "giáo dục là quốc sách hàng đầu" thì còn bất cập. "Vì chúng ta đang thực hiện Nghị định 204 năm 2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang nên không chỉ ngành giáo dục mà nhiều ngành cũng còn bất cập. Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương mở ra chính sách cải cách tiền lương rất tốt, nhưng do tác động của dịch COVID-19, điều kiện kinh tế - xã hội đất nước khó khăn nên chúng ta đang lùi thời điểm thực hiện", bà lý giải.
Trong khi chờ thực hiện Nghị quyết 27, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Nội vụ sớm nghiên cứu, đề xuất, giải quyết trước mắt các chế độ phụ cấp của giáo viên mầm non phù hợp lộ trình, sao cho đến khi chúng ta thực hiện Nghị quyết 27 thì thang bảng lương của giáo viên mầm non theo vị trí, việc làm cũng không có sai lệch, khoảng cách quá xa so với mức trần lương và phụ cấp theo tinh thần của Nghị quyết.
"Chúng ta tạm thời lựa chọn đối tượng ưu tiên trước. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT đề xuất cấp có thẩm quyền để rà soát, xem xét, nghiên cứu đảm bảo nâng phụ cấp đối với giáo viên nói chung, trong đó ưu tiên giáo viên mầm non", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.