Ngành Tài chính phải tăng thu, tiết kiệm chi để dành cho đầu tư phát triển

Thứ Ba, 31/12/2024, 18:22

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành Tài chính phải nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời hiệu quả, góp phần đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát để thúc đẩy tăng trưởng; tiếp tục tăng thu, tiết kiệm chi, đầu tư có trọng tâm trọng điểm, tập trung các dự án lớn, không để dàn trải, manh mún.

Chiều ngày 31/12/2024, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; đại diện Lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Văn phòng Chính phủ; đại diện Lãnh đạo UBND TP Hà Nội…

Ngành Tài chính phải tăng thu, tiết kiêm chi để dành cho đầu tư phát triển -0
Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo ngành Tài chính.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục phát sinh nhiều bất ổn, khó khăn, thách thức lớn ngoài dự báo. Ở trong nước, nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm đạt khoảng 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), thuộc nhóm ít nước đạt tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân được củng cố.

Thu NSNN vượt dự toán, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, bội chi NSNN và nợ công được kiểm soát thấp hơn mục tiêu, giới hạn cho phép, góp phần củng cố an ninh tài chính quốc gia; thị trường tài chính, chứng khoán phát triển; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thu hút vốn đầu tư; mở rộng đối ngoại, ngoại giao kinh tế, củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Năm 2024, Bộ Tài chính đã tham mưu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2024 với tổng quy mô khi ban hành các chính sách dự kiến là khoảng 191 nghìn tỷ đồng. Kết quả thực hiện (bao gồm các chính sách thi hành từ năm 2023, tiếp tục tác động làm giảm thu NSNN năm 2024) ước đạt khoảng 197,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, miễn, giảm khoảng 99 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 98,3 nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, quản lý chi NSNN chặt chẽ trong phạm vi dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi; yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương cắt giảm những khoản chi đã được giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2024 chưa phân bổ; thực hiện tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên được khoảng 5 nghìn tỷ đồng…

Thu NSNN cả năm 2024 ước đạt khoảng 2.025,4 nghìn tỷ đồng, bằng 119,1% (tăng 324,4 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 15,5% so thực hiện năm 2023 (thu ngân sách trung ương ước đạt 123,7% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 114,4% dự toán); tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 17,8%GDP, riêng thuế, phí đạt 14,2%GDP.

Chi NSNN ước đến ngày 31/12/2024 đạt khoảng 1.830,8 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán; trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 78,1% dự toán Quốc hội quyết định; tỷ lệ giải ngân ước đạt 77,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt khoảng 81,9%); chi thường xuyên ước đạt 94,5% dự toán.

Cân đối ngân sách các cấp được đảm bảo. Đã thực hiện phát hành được 330,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 82,59% kế hoạch, kỳ hạn bình quân 11,12 năm, lãi suất bình quân 2,52%/năm, đảm bảo nguồn chi trả kịp thời nợ gốc các khoản vay đến hạn và góp phần định hướng lãi suất thị trường.

 Đến cuối năm 2024, các chỉ tiêu dư nợ công khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so thu NSNN khoảng 20-21%. Hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam tiếp tục được củng cố nhờ thành công trong điều hành phát triển kinh tế, tăng trưởng mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, nợ công được kiểm soát ở mức thấp. Cả 3 Tổ chức S&P, Fitch, Moody’s và S&P đều tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức tích cực, bền vững trong đó, S&P, Fitch đánh giá đều ở mức BB+, Moody’s đánh giá ở mức Ba2, triển vọng ổn định.

Ngành Tài chính phải tăng thu, tiết kiệm chi để dành cho đầu tư phát triển -0
Thủ tướng nhấn mạnh thêm những kết quả nổi bật của ngành tài chính - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng ngành Tài chính 1 năm bội thu, hoàn thành xuất sắc công tác thu chi: thu tăng, chi tiết kiệm. Tiết kiệm chi 10% ngay từ đầu năm, và thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên 5% theo chỉ đạo của Thủ tướng đạt 6 nghìn tỷ để chi cho xoá nhà dột, nhà tạm cho nhân dân, các đối tượng nghèo, khó khăn vùng núi, vùng sâu, xa, vùng hải đảo…

Điểm lại những thành tựu của ngành Tài chính, song Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế của ngành Tài chính như phối hợp với địa phương còn chậm, chưa chặt chẽ, hiệu quả, chưa thể hiện chính kiến rõ ràng trong công việc. Thủ tướng yêu cầu phải quyết liệt hơn, tích cực hơn, trong nghiên cứu trả lời góp ý chính sách cho các bộ ngành. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công, vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm và chưa có nhiều chuyển biến. Thủ tướng nhấn mạnh điểm nghẽn lớn nhất vẫn là thể chế, nhiều thủ tục vòng vo, không cần thiết dẫn đến chậm. Vì vậy, cần mạnh dạn cắt giảm để tránh đội vốn, lãng phí do kéo dài, cần phân cấp phân quyền nhiều hơn, để địa phương làm, tránh tiêu cực tham nhũng.

Khẳng định việc chấp hành kỷ luật kỷ cương tài chính ở một số nơi chưa nghiêm, Thủ tướng yêu cầu phải có người chịu trách nhiệm tại các công trình dở dang; phải sửa trách nhiệm quản lý tài sản công… Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại, đổi mới khu vực doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, tăng cường sử dụng hiệu quả tài sản, tìm ra nguyên nhân để quản lý, khắc phục cho hợp lý.

Thủ tướng chỉ rõ còn một bộ phận công chức né tránh đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai, sợ trách nhiệm ở địa phương – vấn đề này 2 năm nay đã nói nhiều nhưng chưa khắc phục được bao nhiêu.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu bài học thứ nhất là cần đoàn kết thống nhất, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, tập trung huy động mọi nguồn lực tài chính cho sự phát triển của đất nước.

Bài học thứ 2 là có tư duy đột phá tầm nhìn chiến lược, nghĩ sâu làm lớn, nói đi đôi với làm, phải đổi mới sáng tạo, luôn phải có tầm nhìn chiến lược để khai thác mọi nguồn lực cho phát triển đất nước. 

Bài học thứ 3 là tăng cường phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới, tăng kiểm tra kiểm soát quyền lực, bỏ cơ chế xin cho, thủ tục hành chính rườm rà, tăng thời gian, tăng chi phí của người dân và doanh nghiệp. Kiên quyết chống tham nhũng tiêu cực trong ngành tài chính.

Năm 2025, xác định là năm tăng tốc bứt phá để về đích, Thủ tướng nhấn mạnh Bộ Tài chính phải đẩy mạnh sắp xếp bộ máy, bớt đầu mối, bớt khâu trung gian, bớt thủ tục hành chính; sắp xếp làm sao cho bộ máy tinh gọn, lựa chọn người có tâm huyết, trách nhiệm, năng lực làm việc trong khu vực nhà nước, làm tốt công tác tư tưởng, trong quá trình sắp xếp phải có sự hy sinh, nhường nhịn để phát triển.

Nội dung 2 là tập trung xây dựng thể chế chính sách để làm động lực phát triển. Thứ 3 là chủ động điều hành linh hoạt hiệu quả chính sách tài khoá hợp lý, phối hợp với chính sách tiền tệ để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các chỉ tiêu của nền kinh tế.

Ngành Tài chính phải tăng thu, tiết kiệm chi để dành cho đầu tư phát triển -0
Thủ tướng và các đại biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Ví dụ việc giảm thuế phí cho doanh nghiệp còn thận trọng, nên có lúc chưa kịp thời như miễn thuế giá trị gia tăng 2%, mỗi lần 6 tháng là vẫn lắt nhắt, nên chưa kịp thời, cần làm quyết liệt hơn. Giảm thuế phí 200 nghìn tỷ, nhưng tăng thu lớn hơn, ví dụ năm nay tăng thu hơn 300 nghìn tỷ. Như vậy chính sách có tác dụng, các đồng chí phải mạnh dạn lên”, Thủ tướng khuyến khích.

Bên cạnh đó, tập trung thu, chi NSNN đúng đủ kịp thời, bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tăng thu tiết kiệm chi là để dành cho phát triển. Năm 2025 tiết kiệm 10% so với năm 2024 đưa vào một vài việc tập trung, không dàn trải, manh mún, chia cắt; ví dụ đưa vào các công trình lớn như đường cao tốc thông suốt từ Bắc tới Nam, còn dư ra thì đưa vào đường sắt kết nối quốc tế; đồng thời nửa năm tiết kiệm thêm 5% xoá dứt điểm nhà dột, nhà tạm.

Ngoài ra, quản lý điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đẩy mạnh vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế cao nhất có thể, ít nhất 8%, phấn đấu 2 con số.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quản lý động bộ nâng cao chất lượng thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu, bảo hiểm, tập trung hoàn thành mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo kênh huy động vốn tốt hơn cho doanh nghiệp.

Đồng thời, tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng không có xuất xứ.

Thủ tướng chỉ đạo ngành Tài chính quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân sách, dứt khoát xây dựng quy định để số hoá thu chi ngân sách, nhất là thu ngân sách từ hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, không để thất thu thuế ở khoản này.

Cuối cùng, chủ động hội nhập hợp tác tài chính quốc tế, theo dõi diễn biến cạnh tranh thương mại của các nước lớn để có giải pháp ứng phó kịp thời phù hợp, tăng cường tại các diễn đàn tài chính đa phương…

Hà An
.
.
.