Ngân hàng thế giới đề nghị mua bổ sung 1 triệu tấn tín chỉ carbon

Thứ Sáu, 22/03/2024, 16:47

Ngân hàng Thế giới (WB) đã có công thư gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, đề nghị mua bổ sung 1 triệu tấn tín chỉ carbon với mức giá 5 USD/tấn (mức giá tự nguyện).

Liên quan việc bán tín chỉ carbon cho các đối tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ và đề xuất chuyển nhượng lượng giảm phát thải khí nhà kính còn dư thuộc giai đoạn 2018-2019.

Theo đó, năm 2020, Bộ NN&PTNT đã ký thỏa thuận với Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp (FCPF) về việc chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ. Theo thỏa thuận này, Việt Nam sẽ chuyển nhượng lượng giảm phát thải là 10,3 triệu tấn carbon ở vùng Bắc Trung bộ (6 tỉnh) trong giai đoạn 2018-2024 cho FCPF thông qua WB, đơn giá theo thỏa thuận là 5 USD/tấn carbon, tương đương 51,5 triệu USD. Trong đó, khoảng 95% kết quả chuyển nhượng sẽ được chuyển giao lại cho Việt Nam.

carbon-rung.jpeg -0
WB đã thanh toán cho Việt Nam số tiền đợt 1 là 41,2 triệu USD (tương đương 997 tỷ đồng - tương ứng 80% kết quả giảm phát thải).

Đến ngày 8/8/2023, WB đã thanh toán cho Việt Nam số tiền đợt 1 là 41,2 triệu USD (tương đương 997 tỷ đồng - tương ứng 80% kết quả giảm phát thải mà hai bên đã ký). Số tiền còn lại là 10,3 triệu USD, tương đương hơn 249 tỷ đồng, Bộ NN&PTNT cho biết, đang phối hợp WB thực hiện các thủ tục để tiếp nhận nốt.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị, mặc dù số lượng 10,3 triệu tín chỉ carbon theo thỏa thuận sẽ chuyển nhượng trong cả giai đoạn 2018-2024, nhưng theo thông báo của đối tác, chỉ sau 2 năm (2018-2019) Việt Nam đã đáp ứng đủ. Vì vậy, phần dư thừa mà rừng ở 6 tỉnh Bắc Trung bộ vẫn tiếp tục hấp thụ khí thải, sẽ được đối tác thanh toán (mua) bổ sung (hoặc chuyển cho những đối tác có nhu cầu để đàm phán mua). Cụ thể, sau khi chuyển nhượng hết 10,3 triệu tấn carbon đã cam kết, lượng giảm phát thải của Việt Nam trong giai đoạn 2018-2019 vẫn còn dư 5,91 triệu tấn.

Với lượng giảm phát thải còn dư này, WB đã có công thư gửi Bộ NN&PTNT đề nghị mua bổ sung 1 triệu tấn với mức giá 5 USD/tấn. Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến. Nếu được Thủ tướng đồng ý, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ hoàn thành thủ tục chuyển nhượng trước ngày 31/3/2024.

Còn lại 4,91 triệu tấn giảm phát thải dư thừa, theo Bộ NN&PTNT, WB đã có thông tin sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp cận với các đối tác tiềm năng để đàm phán, trong đó có thể thí điểm đấu giá kết quả giảm phát thải.

Theo Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, ngoài khu vực 6 tỉnh Bắc Trung bộ được chọn thí điểm chuyển nhượng tín chỉ carbon, những khu vực đang có rừng, hoặc có tiềm năng phục hồi rừng để nâng cao trữ lượng tín chỉ carbon rừng, Bộ NN&PTNT cũng đang tích cực rà soát, đàm phán để chuyển giao tín chỉ, tạo nguồn thu cho người trồng rừng tại các địa phương.

Chẳng hạn, đối với 2 khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, được ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, tại COP26, Bộ NN&PTNT đã ký kết ý định thư với Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) về chuyển nhượng tín chỉ carbon.

Theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho LEAF khoảng 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ giai đoạn 2022-2026 với giá tối thiểu là 10 USD/tấn. Diện tích rừng tham gia chương trình dự kiến 4,26 triệu ha (chiếm khoảng 29% diện tích rừng cả nước).

NY
.
.
.